23/03/2011 07:10 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - Là đơn vị mở đường cho dòng phim ký sự khám phá từ thành công vang dội của Mekong ký sự (MKKS), đến nay TFS vẫn là đơn vị sản xuất ký sự truyền hình hàng đầu Việt Nam, nhưng chưa có thêm cái “đỉnh” nào sau “đỉnh” MKKS. Đạo diễn Việt Hùng, Giám đốc TFS, nói gì về điều này?
* Sau MKKS, TFS đã cho ra đời hàng loạt ký sự như Ký sự hỏa xa, Ký sự Amazon, Huyền bí sông Hằng, Hành trình theo chân Bác… Nhưng thực sự chất lượng và tạo dấu ấn đậm nét với khán giả chỉ có MKKS. Phải chăng TFS bị cuốn theo số lượng mà thả lỏng chất lượng?
Đoàn làm phim Mekong ký sự (Nguồn ảnh: Internet)
- MKKS, khác với những ký sự được làm sau này, là một bộ phim tài liệu chứ không phải là ký sự truyền hình - thể loại ở giữa phóng sự và phim tài liệu, sâu hơn phóng sự nhưng tính khái quát, sự sâu sắc lại không bằng phim tài liệu. Khác với các phim tài liệu truyền thống vốn nặng tính chính luận, khô khan, MKKS là bộ phim tài liệu nhưng được thể hiện với ngôn ngữ ký sự tức trước tiên là ghi nhận sự thật nhưng có lồng ghép cảm xúc, có so sánh, liên tưởng... Nó lại là bộ phim tài liệu đạt đến đỉnh cao của TFS mà đến giờ vẫn chưa thể làm được cái gì khác để vượt qua. Đỉnh cao đó thể hiện ở đề tài mang tầm quốc tế (đi qua 6 nước), hội đủ các yếu tố về thiên nhiên, môi trường, nhân văn, thẩm mỹ, nghệ thuật, kết cấu kể chuyện, tính hấp dẫn… và được mọi người công nhận, đạt được các giá trị chính trị, xã hội và kinh tế. Phim đã được cố NSND Phạm Khắc ôm ấp ý tưởng từ lâu, được đầu tư rất nhiều công sức, tiền của, từ lúc triển khai đến khi phát sóng là 5 năm trời…
Các ký sự sau này chủ yếu làm theo kiểu ký sự thực tế, vừa đi vừa dựng, gửi về phát sóng ngay nên chỉ cần đôi ba tháng là đã hoàn thành. Hai cách làm khác nhau nên không nên so sánh. Mà ký sự truyền hình ra đời đương nhiên không phải cái nào cũng hấp dẫn như nhau. Câu chuyện luôn hấp dẫn nhưng ê-kíp làm phim không phải lúc nào cũng có kỹ năng, trình độ, cách nhìn như nhau. Phim ký sự hay hay dở hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng và cảm xúc của người làm phim.
* Tại sao không tiếp tục áp dụng cách làm của MKKS để đảm bảo chất lượng?
- Nếu cứ làm theo phương pháp đó, thể loại đó thì không thể đáp ứng được nhu cầu của khán giả trong khi truyền hình đang bùng nổ. Làm một phim mà mất 5 năm trời thì chừng nào mới phát đây? TFS đã chuyển hướng sang khai thác tính thời sự nóng, nhanh của ký sự thực tế. Điều này bắt buộc phải giới hạn các yếu tố khác như: sự kỹ càng, tính nghệ thuật có giảm nhưng đòi hỏi cao ở tính chuyên nghiệp, không được sâu sắc, khái quát, tầm vóc kiểu MKKS nhưng khán giả sẽ được phục vụ kịp thời, nhanh chóng.
Trong các dự án của mình TFS cũng thường làm kiểu “2 trong 1” tức ngoài những ký sự đã phát sóng cho kịp thời sự vẫn để dành lại những thông tin “đắt”, hình ảnh chọn lọc nhất để thực hiện thêm một số tập phim tài liệu sau đó. Ở phần phim tài liệu này chắc chắn sẽ chỉn chu, chắt lọc, sâu sắc hơn, làm hài lòng những khán giả khó tính hơn phần ký sự. Chúng tôi đang làm hậu kỳ cho 10 tập phim tài liệu về dòng Volga cùng 15 tập phim Hồ Chí Minh: một hành trình, được làm tiếp từ hai ký sự Trở lại Volga và Hành trình theo chân Bác, sẽ phát sóng vào tháng 6/2011.
* Sau một thời gian khá rầm rộ, tại sao trong năm qua, TFS khá im ắng trong các kế hoạch làm phim ký sự? Phải chăng dòng phim này đã đến lúc bão hòa?
- Năm 2010 có quá nhiều sự kiện chính trị mà TFS và HTV cần phải đáp ứng, trong đó có Ký sự Thăng Long - Hà Nội:Ngàn năm thương nhớ hướng về đại lễ. Nguồn nhân lực của TFS cũng bị giới hạn nhiều nên đã phải dừng ba dự án: Con đường tơ lụa, Người Việt ở nước ngoài và Hành trình xuyên lục địa (phần 2) đi xuyên Bắc Mỹ - Nam Mỹ - riêng dự án này gãy đổ vì nguyên nhân khách quan khi dịch H5N1 bùng phát mà Mexico là một trong những ổ dịch lớn nhất. Năm nay, chúng tôi sẽ khởi động lại các dự án này. Đồng thời, cũng quay lại cách làm truyền thống, không làm nóng tại chỗ nữa mà sẽ ghi hình, thu thập tư liệu rồi quay về dựng, làm hậu kỳ để cho ra sản phẩm chất lượng nhất. Công chúng ngày nay rất dễ tiếp cận với thông tin, nếu làm không kỹ, không chỉn chu sẽ không thể đáp ứng yêu cầu khán giả. Như trước, lần này, TFS thay đổi cách làm cũng để nắm bắt nhu cầu khán giả.
* Ông đánh giá về xu hướng phát triển trong tương lai của phim ký sự Việt Nam như thế nào?
- Nhu cầu của khán giả rất cao với thể loại rất thật, rất gần gũi, chất liệu sống ngồn ngộn này. Không chỉ ký sự ngoài nước mà ký sự trong nước nếu làm tốt vẫn có sức sống. Cái chính là làm thế nào để thu hút khán giả. Bản chất phim tài liệu phải thật và khi được nhìn qua lăng kính thi vị của nghệ thuật thì nó trở nên đẹp…
Khi xem phim do nước ngoài làm, chúng ta thấy thích lắm nhưng không sướng vì họ nhìn với lăng kính của họ, có khi chưa trúng những cái mình muốn biết. Với cách nhìn của người Việt, mình biết khán giả mình thích gì và đáp ứng đúng cái gu đó. Vì thế phim ký sự Việt Nam vẫn có chỗ đứng và tiếp tục phát triển dù những phim cùng đề tài chất lượng cao của nước ngoài không thiếu.
Vẫn thích “hướng ngoại” Nhìn lại những phim ký sự nổi bật những năm qua, dễ dàng nhận ra sự thắng thế của ký sự đường xa khám phá những vùng đất xa lạ bên ngoài Tổ quốc. Ngay cả những đài tỉnh, kinh tế còn eo hẹp, cũng bắt đầu hướng ống kính sang các nước láng giềng. Phải chăng đất nước Việt Nam không có điều gì hấp dẫn để khai thác hay chính người làm ký sự không đủ khả năng để khơi dậy vẻ đẹp Việt? * Nhà báo Binh Nguyên: “Hiện nay, thực sự nhiều người đang làm phim khám phá đã bỏ quên lợi thế của Việt Nam, đó là: Việt Nam, một đất nước có bề dày văn hóa, thiên nhiên và con người cực kỳ phong phú, là một kho tàng đề tài bất tận cho thể loại phim khám phá. Cũng có thể một phần do thị hiếu người xem thích chuyện Đông chuyện Tây mà quên đi những hành trình khám phá Việt Nam. Và một phần (trong đó cũng có một phần nhỏ của SGTT do áp lực của các kênh chỉ muốn mua phim khám phá nước ngoài) muốn mở rộng chân trời khám phá của mình xa hơn…Ví dụ, nói đến SGTT nhiều người hay nói đến những ký sự Nơi tận cùng thế giới, Đi qua nóc nhà thế giới Himalaya, Con đường Phật tích, Ký sự vạn đảo… mà thực sự những chuyến đi ấy chỉ chiếm chưa tới 25% số lượng tập phim mà SGTT đã và đang sản xuất về Việt Nam với những dự án lớn như Khám phá những dòng sông Việt (300 tập), Những bộ tộc nhỏ bé giữa đại ngàn (52 tập), Con đường thiên lý thứ ba (60 tập), Thử thách nơi hoang dã (50 tập)… Nhưng có một nghịch lý là phim khám phá Việt Nam luôn khó bán cho các đài hơn (mặc dù SGTT luôn chủ động giới thiệu dòng sản phẩm khám phá Việt Nam) và phim thường được chiếu vào giờ ít người xem hơn các ký sự khác...". * Nhà biên kịch Nguyễn Hồ: “Ngay chính MKKS thì phần được người xem cho là hấp dẫn nhất vẫn là phần ở ngoài Việt Nam. Có ai khen phần làm về đồng bằng sông Cửu Long đâu. Đó là một phần tâm lý của người xem, những gì quá quen thuộc thì khó hấp dẫn. Mà với cách làm phim chưa tạo được sự bất ngờ, chưa làm người ta thấy hay, chỉ mới nói lớt phớt bên ngoài, chưa chạm vào từng “làn da, thớ thịt”… để người ta đồng cảm, chia sẻ thì cũng khó trách khán giả chỉ thích hương xa. Nhưng khám phá đất người ta chỉ vui thôi, khám phá đất nước của mình, hiểu sông suối nước mình vẫn phải là căn bản, đem lại lợi ích cho mình. Không phải “Bụt chùa nhà không thiêng” vì đất nước mình với bề dày văn hóa lịch sử không thua kém bất cứ nơi nào, từng thớ đất, con người Việt Nam đều có hồn, đều mang chất trữ tình rất cao. Làm phim dở là tại mình dở thôi chứ không thiếu đề tài hay: mình có Đồng Tháp Mười, có dãy Trường Sơn, có sông Đồng Nai (hoàn toàn nội địa thôi nhưng lại là một dòng sông văn hóa, chảy qua nhiều nền văn hóa phủ chồng lên nhau)… Phải làm người ta thấy lạ ngay trên mảnh đất mà người ta đang đứng thì người ta sẽ thích ngay, đó chính là khám phá…”.
Ngọc Tuyết (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất