22/03/2011 08:04 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - Đầu tư lớn, quá trình làm phim gian khổ (thậm chí nhiều rủi ro), kén khán giả, khó có khả năng sinh lời…, với những đặc tính cơ bản như vậy thật khó để dòng phim ký sự có thể phát triển bền vững ở một nền truyền hình còn lắm “nhiêu khê” như Việt Nam.
Vấn đề “đầu tiên”…
Tiền luôn là nỗi đau muôn thuở của những nhà làm phim ký sự. Hiện nay, kinh phí trên dưới 200.000 USD cho một phim ký sự không phải là quá hiếm ở Việt Nam. Tuy nhiên mang con số ấy ra nước ngoài cũng chỉ là “con nhà nghèo”. Nhà báo Binh Nguyên, chủ biên nhiều dự án phim ký sự của SGTT, chia sẻ: “Những dự án khi triển khai thường được tính toán rất kỹ và kinh phí phải được tính từng đồng. Anh em luôn chủ trương đi làm phim theo kiểu bụi đời, gần như chỉ dám ở nhà trọ (trong và ngoài nước), di chuyển bằng phương tiện công cộng, chứ không dám thuê xe riêng. Hiện giờ tôi cùng ê-kíp đang thực hiện Ký sự sông Hồng (25 tập) đi 25-30 ngày, anh em phải mang theo cả lều bạt để ngủ dọc theo ven sông Hồng (dù hiện giờ miền núi phía Bắc đang rét đậm, đêm ở A Mú Sung nhiệt độ xuống còn 3 độ C…)”.
Hành trình lên đỉnh Everest chắc chắn là chương trình được đầu tư mạnh tay nhất với khoảng 4 triệu USD. Công ty Lasta phải mất hơn một năm trời cho công tác chuẩn bị: đăng ký đặt chỗ với Hiệp hội Leo núi Everest; tổ chức tuyển sinh, tập luyện, tập huấn leo núi cho vận động viên ở nhiều ngọn núi danh tiếng; mua các trang thiết bị leo núi, thiết bị làm phim công nghệ cao thích hợp với thời tiết băng giá khắc nghiệt, chịu được va chạm mạnh; thuê chuyên gia tổ chức người Thái Lan, quay phim người Mỹ (từng làm việc cho Discovery Channel) huấn luyện đoàn leo núi cách làm phim, truyền dữ liệu về phát sóng... Thực tế đây là chương trình thể hiện đúng chất truyền hình thực tế nhất khi nhiều lúc gần như trực tiếp hoạt động của đoàn leo núi, điện thoại về cũng chỉ trễ hơn 30 phút. Giám đốc Công ty Lasta Trần Minh Tiến khẳng định: “Khác với những ký sự của các đài, đây là chương trình thực sự mang tính khám phá và mạo hiểm với những thử thách khắc nghiệt nhất, đẹp đó nhưng chết người, vì thế nó càng hấp dẫn... Với số vốn đầu tư khổng lồ như vậy nếu không có tài trợ chắc chắn sẽ không thể có chương trình”.
Mặc dù đã tạo được tiếng vang lớn, nhà tài trợ tích cực hưởng ứng, bán được nhiều quảng cáo nhưng Hành trình lên đỉnh Everest vẫn là chương trình nhằm tạo uy tín, nâng cao thương hiệu cho Lasta chứ không nhằm (hay không thể) phục vụ mục đích kinh tế. Theo ông Tiến, ký sự truyền hình vẫn là thể loại kén khán giả, khó kêu gọi tài trợ nên mặc dù đã có bước chạy đà khá tốt từ đỉnh Everest nhưng Lasta vẫn không mấy mặn mà trong việc tiếp tục khai thác thể loại ký sự khám phá. “Nếu có làm tiếp thì chúng tôi chỉ làm những gì tương đương hoặc vượt qua được những thử thách của đỉnh Everest thôi. Nhưng đến hôm nay vẫn chưa nghĩ ra được cái gì để có thể làm tốt hơn cả”, ông Tiến nói.
Là thương hiệu mạnh ở thể loại phim tài liệu, ký sự, có uy tín với nhà tài trợ, lại có lợi thế ở “đầu ra” là sóng truyền hình HTV, sản phẩm của TFS thường không bị lỗ. TFS cũng là đơn vị có thể kiếm lời từ sản phẩm ký sự qua việc phát hành đĩa. MKKS đến nay vẫn luôn nằm trong danh sách đĩa bán chạy nhất của TFS với số lượng tiêu thụ lên đến hàng trăm ngàn bản (30.000 đồng/đĩa, 14 đĩa/bộ) Những ký sự khác như: Huyền bí sông Hằng, Ký sự Amazon, Ký sự Tân Đảo… đều bán chạy. Tuy nhiên, như nhiều lĩnh vực khác, TFS cũng là nạn nhân đau khổ của nạn băng đĩa lậu. “Hướng phấn đấu của phim tài liệu, ký sự Việt Nam nên là nâng cao chất lượng để có thể bán được bản quyền ra nước ngoài. Chứ sản xuất băng đĩa trong nước chỉ có doanh thu tương đối, mà cũng chỉ thời gian đầu, thời gian sau đã bão hòa hoặc bị ăn cắp bản quyền khi nạn đĩa lậu tràn lan không thể kiểm soát được, nhà sản xuất chịu thiệt thòi rất nhiều”, nhà biên kịch Nguyễn Hồ nhận định. Hiệu quả kinh tế không cao về lâu dài thực sự là trở ngại cho việc phát triển và nâng cao chất lượng dòng phim ký sự Việt Nam…
Vượt khó từ đam mê
Nhà báo Binh Nguyên cho rằng ngoài tiền ra thì vấn đề đau đầu nhất hiện nay là con người. “Thực sự khó tìm ra một người làm phim có tâm huyết và đam mê để theo đuổi dòng phim khám phá. Phương châm tuyển người của chúng tôi cho phim ký sự là: “Cận cảnh - sinh động - chính xác và dấn thân”. Chỉ cần một chút lấn cấn về sự gian khổ “ăn bờ, ngủ bụi” của chuyến đi để đánh đổi bằng tiền bạc thì sẽ rất khó đeo đuổi lâu dài. Những chiếc va-li sang trọng hoàn toàn không có chỗ cho bất cứ chuyến khám phá nào, thay vào đó là ba lô, giày đi rừng và lều bạt, túi ngủ…”.
Chỉ có lòng đam mê chinh phục, khám phá, lòng say nghề mãnh liệt mới giúp những người làm phim chân chính vượt qua điều kiện eo hẹp về tiện nghi sinh hoạt, quên cả hiểm nguy để có thể đi bộ băng rừng hàng tuần tìm đến nơi tận cùng thế giới; có thể vượt qua những “ngưỡng” về thể chất, sức bền khi đối mặt với sự khắc nghiệt của tự nhiên: cái lạnh thấu xương trên độ cao 5.000m, cảm giác bềnh bồng khi thay đổi độ cao, vẻ đẹp chết người của những vách núi dựng đứng, khe băng hun hút trên đỉnh Everest… Không phải ngẫu nhiên mà ê-kíp làm phim MKKS tự thấy mình còn hơn cả những nhà thám hiểm vì: “Đến ngày hoàn thành bộ phim có người bị bệnh, bị thương (bị chó ngao Tây Tạng cắn) nhưng không ai… chết cả (!). Trong khi trên đường đi đã bắt gặp rải rác những nấm mồ của những nhà thám hiểm dở dang hành trình khám phá. Và đoàn làm phim MKKS là những người đặt chân đến gần đầu nguồn Mekong nhất, theo suốt chiều dài cũng như các chi lưu của dòng sông vĩ đại này đầy đủ nhất”, Giám đốc TFS tự hào cho biết.
Đoàn làm phim “discovery Vietnam” của báo SGTT trên đường thực hiện chương trình Khám phá vùng đất tận cùng thế giới, một trong những ký sự khám phá được khán giả quan tâm của SGTT. Ảnh: SGTT
Nhiều dự án khi lên đường mới chỉ là những tài liệu thu được qua Internet, không có kịch bản cụ thể và diện mạo của bộ phim chỉ được định hình theo kiểu “đi đến đâu hay đến đó”. Đây là một trong những nguyên nhân không nhỏ khiến nhiều ký sự rơi vào tình trạng minh họa, qua loa, hời hợt. Tuy nhiên nếu thực sự có con mắt khám phá thì hoàn toàn có thể chuyển bất lợi này thành lợi thế khi mang lại nhiều sự ngẫu hứng cho bộ phim. Biên tập viên Hoài Nam, đã tham gia thực hiện nhiều ký sự khám phá của SGTT, chia sẻ: “Bước ra thực tế nhiều khi đề cương ở nhà phải thay đổi hoàn toàn (như kịch bản Khám phá vùng đất tận cùng thế giới của chúng tôi chỉ còn giữ lại khoảng 20 - 30% kịch bản ban đầu). Làm phim ký sự khám phá phải đi thì mới ra chất được. Nhiều khi hiện trường như món quà từ trên trời rơi xuống nếu nhanh nhạy nắm bắt chúng ta sẽ có được câu chuyện hay...”.
Ở giai đoạn chủ yếu vẫn phải tìm tòi, học hỏi bao giờ yếu tố con người cũng được đặt lên hàng đầu, mà nói như Hoài Nam thì đây cũng chính là trở ngại mà những bước chân khám phá Việt phải vượt qua: “Dân tộc Việt Nam không phải là một dân tộc quen khám phá. Chúng ta không phải là người Tây Ban Nha vượt biển tìm vùng đất mới, cũng không phải là chiến binh Viking quen mạo hiểm. Nên khi người Việt đi ra ngoài thường không nhằm tìm kiếm một sự đột phá lớn lao nào mà cái chính vẫn là khám phá bản thân mình…”.
Bài kết: Tương lai phim ký sự Việt Nam (từ cái nhìn trong cuộc)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất