18/12/2011 13:00 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - Bất cứ gương mặt nữ mới nào được chọn thủ vai chính trong phim mới của đạo diễn Trương Nghệ Mưu cũng đều gây sự tò mò và thu hút sự quan tâm của công chúng. Những nữ diễn viên từng thủ vai chính trong phim của Trương Nghệ Mưu thường được gọi là “Mưu nữ lang”. Nữ diễn viên Ni Ni cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Màn trình diễn của cô trong bộ phim mới của đạo diễn Trương – Kim Lăng thập tam thoa – lập tức đưa Ni Ni trở thành một ngôi sao.
Lần này, đạo diễn Trương đã giữ kín mọi thông tin và thậm chí cả hình ảnh của nữ diễn viên chính đến phút chót. Khi tung ra áp-phích quảng bá phim, hình ảnh nữ diễn viên trẻ này đã bị che khuất một cách bí ẩn từ mũi trở xuống, còn ngôi sao Hollywood Christian Bale nổi bật trong trang phục của một vị linh mục.
Áp-phích phim giới thiệu nhân vật nữ chính trong phim, nhưng đồng thời lại làm tăng thêm sự bí ẩn về người đẹp này. Ngoài áp-phích này, những hình ảnh được phát hành sau đó cũng không có bất cứ hình ảnh nào thêm về cô. Đây là chiêu quảng bá ưa thích của đạo diễn Trương nhằm kích thích tính tò mò của khán giả và làm lợi cho doanh thu phòng vé.
Nữ diễn viên Ni Ni
Sẽ tỏa sáng hơn “Mưu nữ lang” Chương Tử Di?
Kim Lăng thập tam thoa, phim tranh giải Quả cầu Vàng lần thứ 69 Phim tiếng nước ngoài hay nhất, là câu chuyện kể về một linh mục người Mỹ (Christian Bale) cố gắng bảo vệ một nhà thờ trong vụ thảm sát ở Nam Kinh năm 1937, nơi có các cô gái trẻ ẩn náu. Trong phim, Ni Ni thủ vai Ngọc Mặc, một cô gái bán hoa hết sức tinh tế và đầy lòng yêu nước.
Cốt truyện trong phim đã được giới thiệu từ lâu, nhưng cho đến ngày 6/12, “Mưu nữ lang” Ni Ni mới xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng tại buổi chiếu giới thiệu phim Kim lăng thập tam thoa ở Arclight Cinemas, Los Angeles (Mỹ). Cô mặc một chiếc áo len bó màu nâu, quần jeans và giày ống. Cách xử sự của Ni Ni cho thấy cô là một cô gái hồn nhiên nhưng có học.
Buổi chiếu giới thiệu phim ở Bắc Mỹ đã khiến tác phẩm điện ảnh mới nhất của đạo diễn Trương và Ni Ni trở thành tâm điểm của giới truyền thông. Cử chỉ thoải mái và thân thiện của Ni Ni tại buổi giao lưu đã gây ấn tượng mạnh. Hơn nữa, khả năng nói tiếng Anh lưu loát của Ni Ni khiến cô dễ dàng giao tiếp được với các nhà báo quốc tế. Nhiều nhân vật lâu năm trong ngành showbiz tiên đoán rằng rất có thể Ni Ni còn tỏa sáng hơn cả “Mưu nữ lang” Chương Tử Di.
Toàn bộ ê-kíp làm phim, trong đó có cả nhà sản xuất Trương Vĩ Bình, đối tác lâu năm của đạo diễn Trương, đã hết lời ca ngợi lối diễn xuất của Ni Ni. Trương Vĩ Bình cho biết, đội ngũ làm phim đã đi khắp các thành phố lớn của Trung Quốc để tìm gương mặt mới cho vai Ngọc Mặc trong phim.
|
Sinh ngày 8/8/1988 ở tỉnh Giang Tô, cách đây 4 năm Ni Ni đã được chọn cho vai diễn này. Năm ngoái, cô tốt nghiệp trường đại học Bưu chính viễn thông ở Nam Kinh. Kể từ được chọn cho đến khi phim bấm máy, Ni Ni đã được dạy tiếng Anh, được đào tọa về động tác, ngôn ngữ cơ thể và cách ăn nói.
Ni Ni cho biết, cô đã được các thành viên trong đoàn làm phim khuyến khích nhiều. “Đạo diễn Trương đã rất tin tưởng tôi. Khi tôi không biểu đạt được như ý ông muốn, đạo diễn Trương rất kiên nhẫn và giải thích cặn kẽ nhiều lần cảnh phim cho tôi hiểu. Ông đích thân đến bên tôi chỉ bảo tận tình, cười và giải thích với tôi về điều ông muốn. Thái độ của ông khiến tôi thấy rất ấm lòng. Chúng tôi đã được tham gia nhiều giờ tập luyện để chuẩn bị cho các nhân vật của mình, trong quá trình đó tôi đã học được cách nói năng và đi lại của phụ nữ thời đó”.
Hóa thân thành một gái điếm quyến rũ trong phim, nhưng ngoài đời Ni Ni là một cô gái rất điềm tĩnh. Ni Ni đã đỏ mặt khi được mô tả là một phụ nữ cuốn hút. Thầy giáo đại học của Ni Ni cũng rất ấn tượng với khả năng của cô học trò nhỏ tài năng này. Trong mắt các bạn bè của Ni Ni thì cô là một người rất thân thiện, sống không phô trương, nhưng luôn thu hút người xung quanh mình.
Rùng mình khi xem Kim lăng thập tam thoa Huang, một phụ nữ ngoài 50 tuổi, đã lao ra khỏi phòng chiếu ngay sau khi bộ phim Kim Lăng thập tam thoa kết thúc. “Tôi rùng mình khi xem những cảnh bạo lực hết sức tàn bạo của vụ thảm họa trong phim. Tôi sẽ không xem bất cứ một bộ phim nào như vậy nữa. Phim đưa tôi trở về với một sự kiện lịch sử mà tôi rất miễn cưỡng phải liên tưởng lại. Vụ thảm sát Nam Kinh là nỗi đau thương của đất nước Trung Quốc” – bà Huang bày tỏ. Phim Kim Lăng thập tam thoa đã có mặt ở các rạp chiếu Bắc Kinh từ tối 15/12. Buổi chiếu phim 6 giờ tối ngày 16/12, 1.600 khán giả ngồi kín rạp chiếu Capital ở Bắc Kinh, nhưng hết buổi chiếu nhiều người nói đáng lẽ họ không nên xem phim. “Tôi không thể chịu nổi khi xem phim” – một phụ nữ có họ Vũ nói trong nước mắt. “Tôi hy vọng sẽ không bao giờ xảy ra chiến tranh”. Một khán giả tên là Shen Yang thì cho rằng, “không nên quên đi vụ thảm sát này, nhưng cũng không nên hồi tưởng lại quá nhiều. Người ta cảm thấy nặng nề khi nhìn lại nó”. Còn Chen Shan, giáo sư Viện Hàn lâm Điện ảnh Bắc Kinh, nói nỗi đau đớn của khán giả sau khi xem phim là bằng chứng rõ nhất cho thấy lịch sử đã được mô tả lại một cách chính xác. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất