"Triệu tập" và "đương sự"

14/12/2022 08:27 GMT+7 | Văn hoá

Tại đại hội đại biểu toàn quốc của một hội nọ, một vị đại biểu đã có thắc mắc là tại sao ban tổ chức lại gửi tới ông giấy triệu tập, chứ không phải giấy mời. Theo ông, chữ "triệu tập" nghe hơi nặng, có vẻ hình sự.

Ông cho rằng đại hội này là một dịp tập hợp những người đang hoạt động trong cùng một lĩnh vực chuyên ngành. Đây là một sự kiện "hội hè", để mọi người gặp gỡ, giao lưu, trao đổi những vấn đề chuyên môn, vì thế nên dùng giấy mời thì đúng và phù hợp hơn. Cũng theo ông, từ đương sự hiện cũng mang nghĩa không hay, thường dùng chỉ những đối tượng nào đó liên quan tới luật pháp (đương sự trong vụ án, đương sự ra trình diện, thẩm vấn đương sự…) nên nhiều trường hợp gọi "đề nghị đương sự làm báo cáo thành tích", "khi đề bạt nên hỏi ý kiến đương sự"… là không chuẩn, phải thay đổi.

Thực tế, triệu tập hoàn toàn là một từ mang nghĩa trung hòa. Đây là một từ Hán - Việt (triệu: vời đến, tập: họp lại). Triệu tập có nghĩa là "gọi, mời mọi người đến tập trung tại một địa điểm [thường là để tiến hành hội nghị hoặc mở lớp học]" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2015). Chẳng hạn: Hội đồng quản trị triệu tập mọi người đến dự cuộc họp cổ đông; Huấn luyện viên trưởng triệu tập 22 cầu thủ chuẩn bị cho trận đấu sắp tới; Chi đoàn triệu tập đoàn viên tham gia diễu hành nhân ngày Quốc khánh....

"Triệu tập" và "đương sự" - Ảnh 1.

Tranh minh họa

Trong các đại hội, các đại biểu (dù chính thức hoặc dự bị) được bầu trên cơ sở hướng dẫn theo quy định sẽ được cơ quan đứng đầu tổ chức đó gửi giấy triệu tập. Đó là một văn bản mang tính ràng buộc. Với tư cách thành viên, người nhận phải có trách nhiệm thi hành, như một quyền lợi và nghĩa vụ, không được phép thoái thác (trừ trường hợp có lý do chính đáng). Với những đại hội, hội nghị quan trọng này, giấy mời chỉ dành cho quan khách, đối tác hoặc cơ quan bạn…

Dĩ nhiên với đối tượng mời, họ có thể đến hoặc không, khi đến họ cũng có thể dự cả buổi (cho đến hết) hoặc chỉ ngồi một lúc rồi về sớm. Còn các thành viên được triệu tập - là thành phần bắt buộc - có trách nhiệm đến dự đầy đủ và đủ tư cách thực hiện các nhiệm vụ trong sự kiện đó (tham gia điều hành, phát biểu tham luận, ứng cử, đề cử, bỏ phiếu...). Và chỉ là người được ban tổ chức đại hội (được ủy quyền) mới được ký giấy triệu tập đại biểu.

Còn từ đương sự (đương: gặp lúc, vào lúc; sự: việc) hiện tại được dùng chỉ "người đang là đối tượng trong một sự việc nào đó". Người chuẩn bị kết nạp hội, sinh viên trong diện xét học bổng, viên chức thuộc diện xét lên lương… đều có thể gọi là "đương sự".

Đương sự là một cách nói tới đối tượng đang đề cập mà không nhất thiết phải nêu tên tuổi cụ thể. Có điều, thường thì trong hồ sơ các vụ án, trước phiên tòa, ai đó trong một vụ bị công an thẩm vấn, hoặc liên quan tới những vụ việc đang xử lý… thì người ta thường dùng từ "đương sự" (yêu cầu đương sự, triệu tập đương sự...). Có lẽ vì dùng phổ biến trong những trường hợp như vậy nên dân gian thường nghĩ "đương sự" chỉ những đối tượng có vấn đề liên quan tới luật pháp hoặc liên đới vào một sự kiện pháp lý, hình sự. Thực chất, đương sự cũng là một từ có sắc thái nghĩa trung hòa và hoàn toàn không mang hàm nghĩa tiêu cực.

"Triệu tập" khác hẳn "giấy mời"

"Đương sự" cũng chỉ là người thường thôi

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm