Kỳ 2: "Sẽ chứng minh Lê Phong Linh không phải là tác giả Trạng Tý”
(TT&VH Online) - Một vụ kiện bản quyền khá hy hữu ở Việt Nam, đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời là kê biên 10 ngàn ấn phẩm trong một vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Công ty Phan Thị kiện họa sĩ Lê Linh vì đã sử dụng hình ảnh Trạng Tý trong truyện tranh Thần đồng đất Việt để xây dựng hình ảnh nhân vật Long Tinh trong truyện tranh Long Thánh.
TT&VH có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Khoa học Luật Nguyễn Vân Nam, đại diện cho Công ty Phan Thị trong vụ kiện này.
* Anh Lê Phong Linh cho rằng Công ty Phan Thị tiếp tục sản xuất các tập truyện tranh Thần đồng đất Việt với việc sử dụng hình ảnh nhân vật Trạng Tý nhưng chưa được sự đồng ý của anh ta, đó là hành vi vi phạm “sự toàn vẹn của tác phẩm”. Anh nghĩ gì về điều này?
Đó là quyền tự do của ông Linh, ông cứ thoải mái nói, nhưng đối với tôi không có giá trị gì cả, bởi không có cơ sở pháp lý nào để nói như vậy là đúng.
* Vậy ông có thể nói cơ sở pháp lý để phủ nhận điều này?
Đó là một trong những vấn đề mà Tòa án Nhân dân TP.HCM sẽ kết luận trong thời gian tới, tôi chưa tiện nói chi tiết trong thời điểm này. Tuy nhiên điều hiển nhiên mà ông Linh dù “có thể” là tác giả, tôi nhấn mạnh là có thể, cũng phải biết rằng, ngay cả khi ông Linh là tác giả đi chăng nữa thì ông ta cũng không có quyền sử dụng tác phẩm Trạng Tý, bởi vì ông ta là nhân viên làm việc theo hợp đồng của Công ty Phan Thị, theo điều 39 của Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam thì quyền tài sản tức quyền sử dụng khai thác toàn diện tác phẩm đó thuộc về người sử dụng người lao động tức Công ty Phan Thị. Đúng theo luật là ông Linh đang vi phạm, ông Linh muốn sử dụng hình ảnh của nhân vật Trạng Tý, thì phải xin phép Công ty Phan Thị bởi vì ông ta không còn quyền tài sản đối với tác phẩm này.
* Trong giấy chứng nhận quyền tác giả chỉ ghi chung chung tác giả là “tập thể” chứ không ghi tên cụ thể những người nào?
Trong đơn xin đăng ký, có tên ông Lê Phong Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, và có đề rõ ràng là đồng tác giả. Trong đơn xin đăng ký cũng đề rất rõ ràng chủ sở hữu là Công ty Phan Thị. Cho dù hai người không xác định trong đơn đăng ký là chủ sở hữu thì theo luật của Việt Nam quyền tài sản cũng đã được chuyển từ tác giả, đây gọi là “chuyển quyền luật định”, sang người sử dụng người lao động theo điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ.
Quyền tác giả đối với nhân vật Trạng Tý tính cho đến nay theo như giấy chứng nhận quyền tác giả (hồi xưa đề là giấy chứng nhận còn bây giờ là giấy đăng ký) là tập thể, nhưng căn cứ theo đơn của hai người thì tập thể tác giả này phải được hiểu rằng đó là bà Phan Thị Mỹ Hạnh và ông Lê Phong Linh, nhưng sắp tới khi ra tòa tôi sẽ chứng minh rằng ông Lê Phong Linh không phải là tác giả.
* Để chứng minh mình là tác giả của nhân vật Trạng Tý và bộ sách Thần đồng đất Việt, bà Phan Thị Mỹ Hạnh có bút tích gì để chứng minh cho điều đó?
Bút tích chỉ là một trong những yếu tố để chứng minh cho tác giả, ngoài ra còn nhiều yếu tố khác nữa, nó không phải là tất cả, không phải ai có bút tích đều là tác giả mà còn nhiều yếu tố phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế, tuân theo định nghĩa về quyền tác giả và tác phẩm của Việt Nam. Trước hết phải xem cái anh ta làm ra có phải là tác phẩm hay không?
Truyện tranh Thần đồng Đất Việt
* Anh có thể nói cụ thể hơn?
Đơn giản là trong Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cũng đã có định nghĩa về tác phẩm rồi, tuy chưa đầy đủ lắm. Trước hết nó phải là một tác phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật (theo định nghĩa của Việt Nam), còn thiếu một yếu tố nữa theo tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam bắt buộc phải theo tiêu chuẩn quốc tế, đó là dấu ấn cá nhân trên tác phẩm đó. Nếu thiếu một trong những điều kiện này thì đó không phải là một tác phẩm.
* Như vậy dấu ấn cá nhân của bà Phan Thị Mỹ Hạnh trên tác phẩm Trạng Tý là gì?
Có rất nhiều yếu tố, nhưng tôi chỉ muốn chứng minh ngược lại là ông Lê Phong Linh không để lại dấu ấn cá nhân gì của ông ta trên đó cả…
“Quyền tác giả là quyền có ngay khi tác phẩm được hình thành, nó không cần qua một cơ quan công quyền nào xem xét và công nhận cả, khác với quyền sở hữu công nghiệp. Quyền sở hữu công nghiệp như nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế… chỉ có được sau khi một cơ quan công quyền xem xét nội dung và cấp giấy chứng nhận. Nghĩa là Cục Bản quyền tác giả không có trách nhiệm, và thẩm quyền xem xét xem tác phẩm đó có đúng theo Luật Sở hữu Trí tuệ hay không, tác giả đó có thực sự là người sáng tác ra tác phẩm đó hay không. Đó là quy định chung của cả thế giới, cho nên Cục Bản quyền tác giả chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký mà thôi, để chứng nhận ngày tháng đó có người đăng ký như vậy.
Khi có tranh chấp, thì giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả chỉ giúp cho người đã đăng ký một thuận lợi là anh ta không phải chứng minh mình là tác giả nữa, mà người khiếu kiện phải có trách nhiệm chứng minh anh ta không phải là tác giả. Việc xác định ai là tác giả và đó có phải là tác phẩm hay không, sẽ thuộc về thẩm quyền của tòa án, ở quốc tế và Việt Nam đều như vậy. (Luật sư Nguyễn Vân Nam)
|
* Anh có thể nêu rõ hai vấn đề: dấu ấn của bà Phan Thị Mỹ Hạnh đã để lại trên tác phẩm Trạng Tý và những yếu tố nào để chứng minh rằng ông Lê Phong Linh không để lại dấu ấn gì trên tác phẩm này để khẳng định ông ta không phải là tác giả.
- Trước khi phiên tòa diễn ra, tôi có bổn phận không công bố những chi tiết bảo vệ thân chủ. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng ông Lê Phong Linh không phải là tác giả bởi vì ông Lê Phong Linh khởi kiện đòi công nhận ông ta là tác giả.
Hữu Trịnh (thực hiện)
Còn tiếp