Tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ (Kỳ 1)

06/07/2008 01:36 GMT+7 | Văn hoá

Kỳ 1: Hai “trận đánh” của Trạng Tý và Long Tinh

(TT&VH Online) - Trong tháng 5 vừa qua, dư luận xôn xao khi Công ty Lê Linh bị kê biên 10 ngàn truyện tranh của bộ truyện tranh Long Thánh do Công ty Phan Thị khởi kiện. Nhân vật Long Tinh trong truyện tranh Long Thánh được cho là dùng hình ảnh của nhân vật Trạng Tý trong truyện tranh Thần đồng đất Việt. Hai bên đã quyết lôi nhau ra tòa..

Sẽ là những bài học kinh nghiệm bổ ích cho những người sáng tạo văn hóa nghệ thuật đang hoạt động trong cơ chế thị trường. TT&VH giới thiệu đến bạn đọc loạt bài Tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ thông qua hai vụ kiện đang diễn ra.

Những “xung đột” trong quá khứ


Tác phẩm Thần đồng đất Việt
Có thể nói từ khi Việt Nam gia nhập Công ước Bern vào năm 2004, việc bảo vệ quyền tác giả văn học nghệ thuật được rất nhiều người chú ý, đặc biệt là trong lĩnh vực ca khúc. Liền sau sự kiện này là vụ đình đám về “đạo nhạc”, nổi bật và cụ thể là ca khúc Tình thôi xót xa và sau đó là cả một “nghi án” đạo nhạc với danh sách dài dằng dặc, dính líu đến rất nhiều nhạc sĩ đang nổi trội trên thị trường âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên tất cả chỉ dừng lại ở mức độ cảnh báo về “đạo đức” của người làm nghề mà chưa có một vụ kiện nào chính thức được khởi tố ra tòa án. Hai năm sau (2006), ông Cù Huy Hà Vũ với việc gởi đơn đến Sở VH-TT Hà Nội kiến nghị xử phạt ê kíp thực hiện CD Chat với Mozart vì đã vi phạm quyền nhân thân (quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm) của các nhạc sĩ… bên Tây. Điều đặc biệt, trong vụ này, tòa án vẫn chưa vào cuộc, và những ý kiến về vụ việc này của những người có trách nhiệm liên quan đã lâm vào tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam thì cho rằng: “Album Chat với Mozart có sự vi phạm về quyền tác giả tại Việt Nam”. Còn ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Văn học - Nghệ thuật lại khẳng định: “Việc sáng tạo tác phẩm mới này được coi là sáng tạo tác phẩm phái sinh”… Cuối cùng, Chat với Mozart“thoát kiện”…

Tuy nhiên, nhìn chung những vụ “đụng độ” liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong thời gian qua chưa có trường hợp nào gắn liền với yếu tố kinh tế, kể cả những tranh chấp bài hát độc quyền trên thị trường đang sôi động hiện nay. Và những vụ tranh chấp thường không tới nơi tới chốn và nhất là không có một cơ quan pháp luật đứng ra làm trọng tài để phân rõ trắng đen trên khía cạnh luật.

“Trận đánh lớn” trong tương lai…

Tuy nhiên, những ngày sắp tới, những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật sẽ được chứng kiến một “trận đánh lớn” chứ không còn những “xung đột lẻ tẻ” nữa. Trận này có cả “quân sư” hẳn hoi (với những luật sư thiện nghệ được mời bào chữa). Đó là hai vụ kiện bản quyền về truyện tranh.

Vụ thứ nhất, Công ty TNHH SX-TM-DV Lê Linh (xin được gọi tắt là Công ty Lê Linh) kiện Công ty TNHH TM-DVKT&PTTH Phan Thị (gọi tắt là Công ty Phan Thị) lên Tòa án Kinh tế TP.HCM với những nội dung chính: Xác định Lê Phong Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Yêu cầu Công ty Phan Thị không được phép tiếp tục phát hành bộ truyện tranh này, vì làm như thế là vi phạm “sự bảo vệ toàn vẹn tác phẩm” (tiếp tục bộ truyện tranh mà không có sự đồng ý của “tác giả” Lê Phong Linh).


Tác phẩm Long Thánh
Vụ kiện được khởi sự từ năm 2006, kéo dài đến nay vẫn chưa đến hồi kết thì chính Công ty Lê Linh phải hứng chịu một đòn “hồi mã thương” mà chưa biết độ “sát thương” sẽ như thế nào trong tương lai… Tháng 5/2008, Công ty Phan Thị kiện họa sĩ Lê Phong Linh vì đã sử dụng hình ảnh nhân vật Trạng Tý trong truyện tranh Thần đồng đất Việt để xây dựng hình ảnh của nhân vật Long Tinh trong truyện tranh Long Thánh và kiện Công ty Lê Linh về việc cạnh tranh không lành mạnh.

Điều khá đặc biệt của vụ kiện thứ hai này là Công ty Phan Thị đã bỏ tiền “thế chân” 60 triệu đồng để đề nghị thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên toàn bộ 10 ngàn ấn phẩm của tập 1 bộ truyện tranhLong Thánh - Hào quang trong cổ miếu - của Công ty Lê Linh. Đây được xem là “tài sản” đang tranh chấp, tuy lệnh kê biên đã được thực hiện nhưng sách cũng đã được tiêu thụ gần hết.

Có thể nói đây là vụ tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ khá quyết liệt đầu tiên ở Việt Nam. Mức độ quyết liệt bởi nó còn gắn liền đến sự sinh tồn của hai công ty truyện tranh trong thị trường truyện tranh Việt Nam khá sôi động hiện nay.

Ngày 1/7/2008 vừa qua, Tòa án Kinh tế TP.HCM đã có buổi hòa giải đối với vụ kiện thứ hai này, nhưng bất thành vì nguyên đơn và bị đơn vẫn bảo lưu những ý kiến ban đầu của mình.

Có thể nói đây là vụ kiện bản quyền sở hữu trí tuệ khá điển hình trong cơ chế thị trường hiện nay và dự đoán nó sẽ không mang tính chất “khoan nhượng” như nhiều vụ tranh chấp bản quyền khác đã xảy ra. Chúng ta hãy chờ xem…

Hữu Trịnh

Kỳ 2: TSKH Luật Nguyễn Văn Nam: “Tôi sẽ chứng minh Lê Phong Linh không phải là tác giả “Trạng Tí”!

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm