25/07/2019 15:36 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Mỗi đảng viên phải cam kết với tổ chức đảng nơi sinh hoạt không vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch và xây dựng. Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường - xã - thị trấn cam kết với cấp ủy cấp trên trực tiếp về việc lập lại trật tự xây dựng trước tháng 6/2020, nếu không cam kết, cấp ủy bố trí công tác khác đối với cán bộ này.
Đây là một trong những yêu cầu của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố vừa được Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.
Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Phường - xã - thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý, tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh. Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức hội nghị “Lập lại trật tự xây dựng trên toàn thành phố” để đánh giá tình trạng xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thời gian qua (năm 2016 - 2019), hậu quả của việc này, làm rõ nguyên nhân; đề xuất, xác định các giải pháp đồng bộ, khả thi, quyết liệt của hệ thống chính trị 3 cấp ở thành phố để tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép mà không bị xử lý đúng pháp luật trước đại hội đảng bộ cấp quận, huyện (tháng 6/2020)
Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ngành phải khẩn trương, kiên quyết thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ của mình theo quy định pháp luật, làm tiền đề để chính quyền quận - huyện, phường - xã - thị trấn chấn chỉnh việc quản lý xây dựng trên địa bàn, thực hiện đúng yêu cầu: chấm dứt tình trạng xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý theo pháp luật trước đại hội đảng bộ cấp quận, huyện.
Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn, Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị các cấp ủy cần xác định giải pháp đồng bộ, khả thi, hiệu quả cao. Trong đó, cần làm rõ các giải pháp ngắn hạn, khả thi, hợp pháp để đáp ứng nhu cầu nhà ở tăng thêm trong các năm 2019 - 2021. Ngoài ra có thể tổng kết mô hình các nhà trọ cho công nhân, xây dựng chuẩn nhà trọ đảm bảo điều kiện sống tối thiểu về điện, nước, an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường, hạ tầng giao thông và hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở có quy mô nhỏ, phân tán để người dân có thể đăng ký chuyển đổi, xây dựng nhà trọ thời hạn 5 - 10 năm phù hợp quy hoạch...
Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị tổ chức lại lực lượng thanh tra xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên toàn thành phố theo tinh thần việc thanh tra, xử lý các sai phạm trong xây dựng không phép, xây dựng trên đất không được phép xây dựng, xây dựng sai phép là trách nhiệm của ủy ban nhân dân các quận huyện, phường - xã - thị trấn với lực lượng thanh tra và quản lý đô thị đủ mạnh. Từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, hàng tháng, lãnh đạo quận, huyện, phường - xã - thị trấn (chính quyền và cấp ủy) phải tổ chức giao ban chuyên đề về lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, xử lý công chức vi phạm. Trong quý III/2019, bố trí lại cán bộ, công chức ở phường - xã - thị trấn, quận huyện có nhiều sai phạm, uy tín thấp.
Về xử lý các đối tượng vi phạm, Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị: Đối với các đối tượng vừa qua đã xây dựng và môi giới bán công trình xây dựng không phép, sai phép quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng cho người mua, trật tự đô thị, móc ngoặc với một số công chức thoái hóa để xây dựng, mua bán trái pháp luật cần giao cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, điều tra làm rõ và kết luận sai phạm, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp trên địa bàn thành phố, nhất là ở các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Mỗi năm, hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch đã được phát hiện và xử lý (năm 2017 là 2.856 công trình, bình quân 7,8 vụ sai phạm/ngày; năm 2018 là 2.419 công trình, bình quân 6,6 vụ/ngày; 6 tháng đầu năm 2019 là 1.550 công trình, bình quân 8,5 vụ/ngày).
Mức độ sai phạm 6 tháng đầu năm 2019 tăng hơn 28% so với năm 2018. Những công trình vi phạm về trật tự xây dựng phát sinh đến nay đang hình thành các khu dân cư và khu nhà xưởng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự trên địa bàn, ảnh hưởng đến việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016-2020.
Nguyên nhân chủ quan là cấp thành phố chưa thực hiện tốt quy hoạch và chưa có chương trình nhà ở cho người nhập cư với quy mô mỗi năm khoảng 200.000 người. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp ở nhiều nơi trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng chưa quyết liệt, có nơi còn buông lỏng, xảy ra tiêu cực như: Có biểu hiện người vi phạm chi tiền cho thanh tra, lực lượng môi giới, “cò” bán đất, nhà trái pháp luật, doanh nghiệp, đội xây dựng trái pháp luật không bị xử lý...
Công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng ở nhiều nơi chưa đúng mức, chưa nhận trách nhiệm trước nhân dân về tình trạng vi phạm pháp luật trong xây dựng và tiêu cực ở địa phương. Bên cạnh đó sự phối hợp giữa Sở Xây dựng và các quận, huyện trong xử lý vi phạm về trật tự xây dựng còn chồng chéo, sơ hở, thiếu hiệu quả. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về trật tự xây dựng còn yếu và kém hiệu quả.
A.Tuấn/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất