27/03/2023 16:12 GMT+7 | HighTech
"Sao không mua xe máy điện?", "Sao không mua xe máy xăng?", "Bạn thừa tiền hay sao?" và hàng loạt những câu hỏi khác khi tôi mua chiếc xe này!
Khi mới vào cấp 3, phương tiện di chuyển duy nhất của tôi là một chiếc xe đạp road (xe đua đường trường) tích góp tiền làm thêm để mua. Lúc này, xe không chỉ là thứ di chuyển giữa nhà tới trường hoặc đi chơi với bạn bè, nó còn là cách để tôi luyện tập thể dục thể thao hàng ngày, có thêm năng lượng để học tập.
Khi lên Đại học với lịch học dày đặc và nhiều áp lực hơn, tôi cũng cảm thấy lười việc phải đi xe đạp mỗi ngày, năng lượng sau những buổi học được tôi dành cho những thú vui ít vận động hơn. Cũng vì vậy tôi được bố mẹ mua cho một chiếc Air Blade 2011 cũ, cũng coi là phần thưởng thi đỗ vào đại học.
Cũng vì cái sự “tiện” của xe máy mà tôi lười vận động hơn, càng ngày càng cảm thấy sức khỏe đi xuống và tăng cân rất rõ rệt. Nay đã kiếm được một công việc cho riêng mình, tôi lại “thèm” cái cảm giác vi vu đó đây trên chiếc xe đạp để luyện tập sức khỏe. Đặc biệt trong thời gian gần đây điều này càng trở nên cấp thiết hơn khi tôi cảm thấy mình ngồi quá nhiều ở văn phòng nên bị đau cổ, vai gáy và cột sống lưng.
Tôi quyết định mua một chiếc xe đạp trợ lực - sản phẩm nằm giữa “xe đạp truyền thống” và “xe máy điện”. Mặc dù vẫn có bàn đạp và sử dụng được như một chiếc xe đạp thông thường nhưng vẫn tích hợp pin, động cơ để tăng tốc trong lúc đạp hoặc chạy điện hoàn toàn không cần đạp. Tôi chọn xe điện trợ lực chứ không phải xe đạp thường vì vẫn muốn giữ sức để làm việc, không thể “mồ hôi nhễ nhại” mỗi sáng tới văn phòng làm việc được.
Trong một lần “lướt” trang gọi vốn Indiegogo tôi bắt gặp chiếc ADO Air từ nhà sản xuất Hồng Kông với lượng tiền gọi vốn được cao hơn 3468% dự kiến ban đầu! Vẫn như thường lệ thì các sản phẩm Indiegogo thậm chí còn được bán trước ở Việt Nam vì nước ta rất gần với “Công xưởng Thế giới” Trung Quốc, và tôi đặt mua được chiếc ADO Air ngay tại Hà Nội với giá bán là 20 triệu đồng.
Điểm làm tôi lựa chọn chiếc ADO Air này là những lời hứa hẹn về độ nhỏ, gọn, nhẹ của nó. Xe thuộc cỡ nhỏ với bánh 20 inch, mỏng 1,95 inch không bị cồng kềnh như những chiếc xe trợ lực bánh lớn (Fat bike) hay xe leo núi (Mountain bike). Đây có thể coi là một chiếc xe dạo phố (City bike) và đúng với nhu cầu sử dụng trong thành thị của tôi.
Việc xe có thể gấp gọn lại được cũng là một “bonus”, đem theo thang máy lên nhà chung cư và văn phòng ở tòa nhà cao. Xe này có thể gập giữa thân, phần trục ghi đông và bàn đạp nhưng khi đem vào thang tôi cũng chỉ gập trụ giữa thôi cho tiện, đỡ nhiều thao tác. Việc đem được xe theo người cũng làm tôi yên tâm hơn, không sợ bị trộm hoặc “vặt” linh kiện như việc chiếc Air Blade của tôi bị “vặt” mất gương mặc dù để ở hầm gửi xe chung cư!
Trước khi mua chiếc ADO Air, tôi cũng đã đến một vài cửa hàng bán xe máy, xe đạp điện và thấy rằng không phải sản phẩm nào cũng được phù hợp với người Việt Nam vì từ các hãng châu Âu và cũng làm cho dáng cao to của dân tại đây. ADO là một hãng từ Hồng Kông nên cũng đã nghĩ đến chiều cao “khiêm tốn” hơn của dân châu Á, độ cao yên và ghi đông đều khá hợp lý.
Xe sử dụng 2 linh kiện chất lượng cao khi so với lựa chọn rẻ hơn, nâng cấp sự an toàn cũng như độ “dễ” trong bảo dưỡng là dây curoa carbon và phanh đĩa dầu. Dây curoa không phải vệ sinh thường xuyên như dây xích, cũng không phải tra dầu mỡ để hoạt động, đỡ đi 1 công việc của người dùng là tôi.
Phanh đĩa dầu cũng “ăn” hơn rất nhiều so với phanh dây gắn dạng “kẹp bánh” của những chiếc xe đạp thường. Sự thật là chiếc xe này không đi nhanh được nên cũng chả cần tới phanh chất lượng cao như thế này, nhưng cũng giúp tôi cảm thấy yên tâm hơn trong những ngày mưa gió - thường khiến phanh bánh kém đi rõ rệt.
Màn hình điều khiển của xe cũng có chất lượng tốt, có độ phân giải đủ cao để nhìn không bị “rỗ” rẻ tiền, kèm các nút bấm to bản nên dễ sử dụng kể cả khi đi trên đường. Độ sáng màn hình ở mức ổn, trời râm hoặc nắng nhẹ thì không thành vấn đề còn nếu trời nắng mạnh thì cần xoay đúng hướng để tránh chói.
Điểm cuối cùng tôi thấy đáng khen ở ADO Air là mặc dù sử dụng một viên pin khá nhỏ (chính là cọc yên) nhưng thời lượng sử dụng thực tế không hề tệ, theo như hãng công bố là được 100km. Trong 5 ngày từ thứ 2 tới thứ 6 tôi chỉ đi từ nhà tới công ty và trở về (khoảng 14km), đặt xe ở chế độ trợ lực khi đạp thì tới tối thứ 6 sẽ cần sạc pin để đi chơi cuối tuần. Những ngày trong tuần tôi cũng thường sử dụng song song với xe máy nên không bao giờ thấy ADO Air bị hết pin cả.
2 ngày cuối tuần tôi sẽ đi chơi với bạn bè, đi tập thể dục hồ Gươm, hồ Tây nên sử dụng xe đạp nhiều hơn rất nhiều ngày trong tuần, kèm theo đó cũng sử dụng chế độ chạy điện hoàn toàn (kích hoạt bằng cần gạt bên tay phải) nên xe hết pin nhanh, tới tối ngày chủ nhật tôi sẽ chủ động sạc đầy 1 lần nữa cho tuần sử dụng tiếp theo.
Cuối cùng ta sẽ nói về vấn đề giá bán. 20 triệu Đồng tôi phải khẳng định là một số tiền lớn chứ không hề nhỏ, nó tiệm cận với xe máy điện và xe máy số giá rẻ. Nhưng nếu bạn đã từng xem qua những chiếc xe đạp điện trợ lực khác thì thấy rằng đây vẫn là lựa chọn “tầm trung” thôi, vẫn có các lựa chọn của Engwe có giá trên 30, thậm chí 40 triệu Đồng.
Nhìn một cách tổng thể chiếc xe này “đánh” được đúng vào mục đích sử dụng nên tôi khá hài lòng về nó. Nói như vậy không có nghĩa đây là một chiếc xe hoàn hảo, vẫn tồn tại “cơ số” nhược điểm - cả nhược điểm nhỏ có thể khắc phục bằng các món phụ kiện, cả nhược điểm cố hữu không khắc phục được hoàn toàn.
Đầu tiên đáng nói nhất là tốc độ không được nhanh! Xe bị giới hạn tốc độ trợ lực ở 25 km/giờ, bộ chuyển động cũng chỉ có 1 líp sau vì sử dụng dây curoa nên không thể chuyển tới líp “nặng” hơn để tăng tốc hơn được. Đã sử dụng chiếc xe này thì tôi xác định sẽ đi chậm rãi, đã cần nhanh cần đi gấp thì phải lấy xe máy ra!
Có độ cao đã phù hợp, nhưng một vấn đề công thái học của chiếc xe này là có phần yên khá cứng. Yên nhìn thì dày dặn nhưng sau chỉ khoảng 30 - 40 phút ngồi là đã hơi “ê” phần hạ bộ rồi! Yên có thể đổi được nên chắc chắn lần nâng cấp linh kiện xe tiếp theo của tôi sẽ có phần này.
2 nhược điểm so với xe máy cũng như xe đạp điện là không có chìa khóa và chỗ để đồ, vì đây cuối cùng vẫn là… một chiếc xe đạp. Việc không có chìa khóa để tắt pin, chống trộm thì có thể giải quyết dễ dàng bằng một chiếc khóa dây, khóa cả bánh xe lẫn phần pin vào để không bị trộm “thó” mất. Còn việc không có chỗ để đồ thì tôi phải chấp nhận mà thôi, lắp thêm những chiếc túi vào xe thì lại thành cồng kềnh, mất tính gọn nhẹ.
Hãng công bố rằng xe có thể được điều khiển bằng một ứng dụng điện thoại tên là ADO Smart, nhưng vì một lý do nào đó mà ứng dụng không nhận diện được chiếc xe của tôi. Cá nhân tôi không có thói quen sử dụng điện thoại với xe, đặc biệt là kiểu đặt điện thoại lên ghi đông giống với các anh Grab nên nhược điểm này là không to. Nhưng ai thích sự hiện đại, “sự 4.0” của chiếc xe này thì sẽ phải đợi hãng hoàn thiện phần mềm hơn.
Một thứ cũng không hẳn gọi là “yếu điểm” nhưng cũng được mọi người chỉ ra khi tôi đi chiếc xe này là nó nhìn hơi… nữ tính. Cũng đúng thôi vì mọi người nghĩ tới “xe đạp nam” thì phải là những chiếc xe leo núi hầm hồ hoặc xe đạp đua “xé gió” hơn là xe đạp gấp. Tôi thì không quá quan trọng vấn đề này cho lắm, miễn là bản thân thấy thích và phù hợp với mục đích sử dụng là được rồi!
Khi biết tôi mua chiếc xe trợ lực điện này, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi dạng “Sao không mua cái này, sao không mua cái kia”. Thứ đầu tiên được đưa ra so sánh là một chiếc xe máy số chạy xăng, ví dụ như chiếc Wave Alpha 110cc hiện cũng chỉ 18 triệu Đồng, kèm tất cả đăng ký, giấy tờ cũng không cách quá xa tầm tiền chiếc ADO Air. Hay một lựa chọn cũng “ngon” khác là xe máy điện Vinfast Evo 200 Lite có giá bán 21 triệu Đồng.
Xe máy xăng và xe máy điện chắc chắn sẽ có những ưu điểm lớn so với xe đạp trợ lực: chạy nhanh và có thể dễ dàng đi xa hơn nhờ chạy xăng hoặc pin lớn; ngồi thoải mái hơn vì có yên rộng rãi; chở được nhiều đồ hơn vì có chiếu nghỉ chân phía trước, cốp trong thân xe.
Nhưng như đã đề cập, đây chỉ là chiếc xe phụ để tôi sử dụng song song với xe máy, thường được dùng trong những ngày muốn tập thể dục nâng cao sức khỏe, còn những chuyến đi dài hơn, cần chở người thân bạn bè thì chắc chắn vẫn cần tới chiếc xe máy “đáng tin cậy”. Ngược lại với ai đang chưa có phương tiện di chuyển thì Wave Alpha hay Vinfast Evo 200 Lite đều là những lựa chọn tốt hơn.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất