22/08/2009 19:02 GMT+7 | V-League
Cơ hội trên Tuyển cho một VĐV luôn đi liền với thành tích cấp CLB, đó là điều bình thường rồi. Thỉnh thoảng, HLV gọi lên vài ba cầu thủ chơi ở hạng thấp, vì người ấy đã thể hiện được vai trò của mình. Hoặc nữa, có khi một cầu thủ dự bị cũng được cất nhắc, là bởi HLV phát hiện ra những khả năng tiềm ẩn của anh ta v.v và v.v... Nói thế để thấy rằng, trường hợp như Khoa Điển là cực hiếm.
1. Nếu TP.HCM phải xuống chơi ở hạng Nhất vào năm sau, thì quả là có phần nghiệt ngã. Chỉ nghiệt ngã thôi, chứ không phải không có nguyên do. Lý là bởi quân của TP.HCM quá yếu. Trong đội hình của HLV Lư Đình Tuấn, nói không ngoa chứ chỉ một nhóm người đủ trình độ chơi bóng đỉnh cao. Thậm chí ngay cả Khoa Điển, người bắt chính suốt kể từ ngày V-League 2009 khai cuộc, cũng vẫn bị xem là khá non nớt. Nhưng thế đã là may rồi.
41 bàn để lọt lưới trước vòng 26 là một con số đáng kể. Nhưng người hiểu chuyện sẽ không nghĩ thế. Lỗi trước nhất không thuộc về hàng hậu vệ (vốn rất mỏng) và người gác đền. Đơn giản bởi tuyến 2 và đặc biệt là hàng công của TP.HCM quá yếu. Khi các vị trí phía trên không đảm bảo được về mặt thế trận, hoặc không giải quyết được tình huống tất sẽ cầu môn đội nhà chao đảo là điều tất-lẽ-dĩ-ngẫu. Bóng đá tấn công nhiều, không ghi được bàn thắng, thì dính “chưởng”. TP.HCM không phải lúc nào cũng tấn công nhiều hơn đối thủ trong các trận đấu, nhưng cái chính là họ không biết chắt chiu cơ hội. Và thế, đội thua nhiều hơn thắng. Xong tuyệt nhiên, Khoa Điển lại là người ít bị la rầy nhất. Thủ môn Tuyển U23 QG vẫn chơi rất tròn vai và không ngoa khi nói rằng, Điển xứng đáng được nhận những tràng pháo tay. Trong 8 trận thắng trên sân nhà của TP.HCM ở mùa này, chỉ một đôi bận Điển không bắt chính. Số lần giữ sạch lưới, cũng như tìm được 1 điểm trên sân đối phương, thì đội hình chắc chắn có tên anh. Chỉ riêng chi tiết ấy, cũng nói lên vai trò của thủ môn cao hơn 1m80 này. Điển vẫn còn có thể tự hào, vì it nhất thì số bàn thua của TP.HCM mùa này còn kém Thể Công, HA.GL, QK4 hay Thanh Hóa.
2. Nhiều ý kiến cho rằng, tại một đội bóng có sự hiện diện của trợ lý HLV từng là cựu tuyển thủ QG thuộc “Thế hệ vàng” Nguyễn Văn Phụng, hiếm khi “xuất xưởng” được một thủ môn tầm cỡ. Cách đây nửa thập niên, Cảng Sài Gòn (TMN.CSG) khi ấy còn phải cậy vào một anh chàng Tây balô Livingstone, sau này đến Công Vương, rồi Hoàng Duy..., cũng rất thường. Thực tế thì có cả một nguyên nhân sâu xa của nó.
Cả Vương và Duy đều không xuất thân từ lò Cảng Sài Gòn. Một từ Lâm Đồng xuống, một còn lại là người của Bưu Điện dạt qua. Tức là trong tay trợ lý HLV Nguyễn Văn Phụng không có một “gà nòi” đúng nghĩa. Hết thảy họ đều đã trưởng thành, cho đến khi Phụng mài dũa, để trở nên sáng hơn. Ngay cả Khoa Điển, khi được lấy về từ khóa 13 Trường Năng khiếu Nghiệp vụ Thể thao TP.HCM, thì cũng coi như là được người khác huấn luyện rồi. Điển tập trẻ và chỉ là số 3, từ 3 năm trước. Cho đến khi Vương trở chứng ra đi, Hoàng Duy thiếu tính ổn định, thì Điển được ý thức vai trò. Đó là đầu giai đoạn lượt về V-League 2008. Khoan nói đó là câu chuyện của thời thế, chỉ một sự thật rằng, được bắt nhiều, Khoa Điển ngày một đĩnh đạc hơn.
Nói Điển là “truyền nhân” của thầy Phụng cũng không quá, khi anh là người mang dấu ấn đậm nhất của thủ môn lừng lẫy một thời này. Và không phải ngẫu nhiên, HLV Mai Đức Chung gọi Điển lên Tuyển U22 QG tham dự Merdeka Cup ở Malaysia năm 2008, để rồi là một trong hai thủ thành chính của Tuyển U23 QG chinh phục đấu trường SEA Games vào cuối năm nay. Lục lọi cả 2 giải đấu cao nhất là V-League và Hạng nhất bây giờ, không ai xuất sắc hơn Tấn Trường (TĐCS.ĐT) và Khoa Điển (TP.HCM) ở độ tuổi của họ. Thế nên việc Điển vẫn đi Tuyển, trong bối cảnh đội bóng chủ quản ngấp nghé xuống hạng, thì đó vẫn được xem là niềm an ủi cuối cùng cho bóng đá TP.HCM.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất