Sống nhanh, sống chậm hay sống nhịp nhàng?

02/11/2011 11:00 GMT+7 | Đời sống

Sống nhanh, sống chậm hay sống nhịp nhàng?
“Đi đâu mà vội mà vàng
Mà vấp phải đá mà quàng phải dây”

(Ca dao)

“Nhanh lên chứ vội vàng lên với chứ
Em ơi em tình non sắp già rồi”

(Xuân Diệu)


(TT&VH) - Bạn bè tôi luôn bảo là phải biết sống nhanh lên cho cập nhật thời đại, trong khi đó báo chí nói hãy biết sống chậm, vậy phải biết thế nào cho viên mãn?

Tốc độ trung bình của một người đi bộ là 5km/một giờ, của một người cưỡi ngựa (chạy nước kiệu) là 27 km/một giờ, của tàu hỏa Rocket - một trong những xe lửa đầu tiên trên thế giới xuất hiện đầu thế kỷ 19 - là 29 km/giờ, của ô tô Ford Model T (ra đời năm 1908) là 64 km/giờ, của một tên lửa tối thiểu để có thể ra khỏi trái đất là 40,225 km/giờ, và con người đang ở thời đại của tên lửa. Cơ sở hạ tầng cơ bản của xã hội hiện đại là công nghệ thông tin.

Nhịp sống của con người do đó cũng được kéo theo. Chúng ta sống nhanh. Sống nhanh, theo tôi, có thể nói nôm na là chúng ta làm mọi chuyện tính bằng tốc độ, ăn đồ ăn nhanh, đi tàu tốc hành, học tiếng Anh cấp tốc, làm việc với những bộ vi xử lý của máy vi tính, đọc tin nhanh, giải trí bằng đua tốc độ, xem phim hành động tiết tấu nhanh, và hay nghe nhắc đến cụm từ “tình yêu sét đánh”.


 Cảnh trong tập phim “Ngày 20 tháng 10” – Chương trình Sống đẹp

“Nhanh” hiện nay đồng nghĩa “chuyên nghiệp”, hình dung từ “nhanh” làm liên tưởng đến bước chân vội vã của một doanh nhân, làm liên tưởng đến đường đô thị ùn ùn vào lúc hơn 7 giờ sáng.

Khối lượng công việc tăng lên buộc chúng ta phải hối hả hơn để kịp deadline, môi trường cạnh tranh gay gắt hơn buộc chúng ta phải tốc độ hơn vì nếu không “trâu chậm uống nước đục”, nhu cầu công việc cao hơn buộc chúng ta phải nhanh gọn và hiệu quả hơn. Có thể nói chính nhu cầu thời đại khiến chúng ta làm mọi việc nhanh hơn.

Ngày xưa, người ta chỉ đi từ nhà ra đồng, từ làng nọ sang làng kia, cách nhau một con sông. Tuy nhiên, ngày nay người ta cần đi từ Mỹ sang Việt Nam, vượt Đại Tây Dương, người ta đi từ Trái đất lên Mặt trăng và giờ người ta đang có kế hoạch trồng rau trên Sao Hỏa.

Thời trước, một người nông dân làm việc đồng áng thì không cần giờ giấc. Anh có thể ra đồng giờ Sửu, lúc tinh mơ gà gáy hay lúc 7 giờ sáng mặt trời cao bằng ngọn tre không thành vấn đề, vì ngày hôm đó anh vẫn làm việc đến tối mịt. Làm việc nhanh hơn thì lúa vẫn không chín nhanh hơn. Chỉ trừ thời gian thu hoạch, còn lại người nông dân giờ giấc khá tự do, nhanh hay chậm không ảnh hưởng đến kết quả công việc. Hay một ông thợ mộc sau khi ăn trưa xong thì hút thuốc, đánh bài, đàm đạo, dềnh dàng đến 3 giờ chiều mới vào việc, việc không xong thì để sang ngày mai, ngày mai không xong thì sang tháng, tháng không xong thì sang năm.

Ngược lại, hiện nay, công nhân phải cho khuôn ra lò đúng lúc, một nhân viên công sở phải đến đúng giờ, một doanh nhân phải giao dịch kịp thời hạn. Tất cả yêu cầu qui củ và nhanh chóng. Bởi vì tốc độ tác động rất lớn tới hiệu quả công việc. Bởi vì chỉ phút trước phút sau, chỉ số chứng khoán của Sàn giao dịch phố Wall đã thay đổi chóng mặt. Và trong tích tắc, anh mất tiền bạc tỉ.


 Cảnh trong tập phim “Ngày 20 tháng 10” – Chương trình Sống đẹp

Vậy rõ ràng, môi trường, công việc và nhiều yếu tố khách quan buộc chúng ta phải sống với nhịp nhanh hơn. Rõ ràng, sống nhanh nhìn chung là một lối sống phù hợp với thời đại.

Và thậm chí nhịp sống nhanh tác động đến cách con người chúng ta giải trí. Thanh niên ngày nay thường thích những bộ phim hành động tiết tấu nhanh hơn là các cụ ngày xưa thích những vở chèo, vở tuồng mà diễn viên di hia hàng 30 lượt mới đi hết một mét sân khấu. Cả hai lối giải trí này được ưa chuộng ở mỗi thời là một phần bởi chúng ăn khớp với nhịp sống của thời đại đó.

Tuy vậy, sống nhanh cũng có mặt trái của nó. Vội vã, nhanh chóng thường khiến chúng ta chỉ chăm chú vào mục đích, dễ bỏ quên chi tiết. Nó cũng giống như một người cưỡi ngựa nhanh thì không thể ngắm hết vẻ đẹp của một bông lan hài vậy. Nếu chúng ta quá cực đoan về đầu mút nhanh, rất dễ là chúng ta đang quá tiệm cận đến thành rô bốt. Bởi rô bốt chỉ yêu cầu về kỹ thuật, mà thứ làm con người khác rô bốt là có tình cảm, có cảm xúc.

Bạn đọc có thể xem loạt phim cực ngắn với chủ đề chung về tính nết thường gặp của con người như: ghen tị, nói xấu, gian lận, đoàn kết, yêu thương trong Chương trình truyền hình Sống đẹp vào lúc 20g hằng ngày trên kênh VTV1. Hoặc truy cập địa chỉ này trên báo TT&VH.

Chưa kể, vội vàng thường khiến ta dễ sa vào cẩu thả, dễ “vấp phải đá” như câu ca dao đầu bài nhắc nhở. Đưa tin tức báo chí là một ví dụ. Một trong những yêu cầu của báo chí là phải đưa tin thật nhanh, thật nóng hổi. Đưa tin nhanh đến đâu thể hiện thế mạnh của tờ báo đến đó. Song, có rất nhiều trường hợp phóng viên vội vàng mà cẩu thả, đưa tin không chính xác vì để đạt mục tiêu “nhanh”.

Ngược lại, sống chậm dễ làm chúng ta hình dung đến lạc hậu, tụt hậu, chậm chạp, ít sinh khí, không bắt kịp với thời đại. Tôi còn nhớ, những năm 90 ở quê tôi, sau 8 giờ tối, mọi nhà đều tắt điện và đường làng tối om. Có khi giờ đây vẫn vậy.

Nhiều người vốn hay khuyên sống chậm là hãy có giây phút thư thả, hãy biết dừng lại và chiêm nghiệm. Thiết nghĩ, thực chất đó phải là hãy biết sống có nhịp, sống đúng nhịp. Chúng ta vẫn nhanh gọn và hiệu quả khi cần, nhưng chúng ta hãy biết sống hết mình cho từng giây phút của thực tại.

Hãy chuyên nghiệp lên, hãy nhanh chóng lên, nhưng chúng ta cũng hãy biết chùng xuống theo nhịp để ngẫm nghĩ với Đêm thấy ta là thác đổ (Trịnh Công Sơn) và lặng người với bức Mùa thu vàng (Levitan). Đó theo tôi là sống có nhịp, nhịp nhàng.

Phan Khôi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm