Ngoại giao bóng đá nơi đầu sóng

08/03/2016 06:08 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Đầu tháng 6/2014, một sự kiện thể thao được tổ chức tại đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã khiến cả thế giới phải chú ý.

Đó là lần đầu tiên Hải quân Nhân dân Việt Nam mời Hải quân Philippines đến đảo Song Tử Tây để thi đấu bóng đá và bóng chuyền.

Đối ngoại thường niên

Song Tử Tây là đảo duy nhất thuộc quần đảo Trường Sa có sân vận động với diện tích rộng và mặt cỏ tự nhiên như SVĐ ở đất liền.

Nhưng khác với các SVĐ ở đất liền, SVĐ ở Song Tử Tây được "khai thác" hàng ngày. Buổi sáng là nơi diễn ra lễ thượng cờ, duyệt đội hình, đội ngũ và nhiều hoạt động tập luyện của binh lính trên đảo. Buổi chiều là nơi để các chiến sĩ chơi các môn thể thao khác nhau, đặc biệt là môn thể thao vua.

Tháng 6/2014, Hải quân Philipines đã "tuyển chọn" và đưa đến đảo Song Tử Tây 30 "vận động viên – binh sĩ" cho cả hai môn bóng đá và bóng chuyền.

Điều đặc biệt là những người lính đảo Việt Nam và Philippines trong lần "đối đầu" ấy không chia đội theo màu cờ, sắc áo mà chia hỗn hợp. Nghĩa là chiến sĩ của hai nước trở thành đồng đội của nhau và ra sân trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết là chính.


Một pha bóng giữa cầu thủ - người lính hải quân Việt Nam và Philipines trên sân bóng đá đảo Song Tử Tây ngày 8/6/2014 - Ảnh: AFP/TTXVN

Hàng loạt hãng thông tấn uy tín của thế giới như AFP, Reuters, Kyodo News, Channel News Asia, Asian TV News (Singapore) đồng loạt đưa tin về sự kiện thể thao lần đầu tiên được tổ chức giữa Hải quân hai nước. Không một hãng tin nào đề cập đến kết quả của trận giao hữu bóng đá và bóng chuyền, chỉ nhấn mạnh đến kết quả tuyệt vời của sự kiện "ngoại giao bằng thể thao" có một không hai này.

Tờ The Philippines Star viết: "Xây dựng tình hữu nghị và quan hệ thân thiện giữa hai nước là mục tiêu trên hết của sự kiện này và nó là bằng chứng cho thấy tinh thần thể thao, sự đoàn kết thân thiện và hữu nghị có thể vượt qua mọi rào cản".

Trong khi đó, AFP của Pháp dẫn lời Thiếu tá Gregory Fabic (Người phát ngôn Hải quân Philippines khi đó): "Cuộc tranh tài thể thao giữa binh sĩ hải quân hai nước chỉ đơn thuần là một hoạt động hữu nghị. Trong sự kiện này không có người thắng, kẻ bại. Sự kiện này chính là cơ sở để Hải quân hai nước tiếp tục củng cố, xây dựng một mô hình hợp tác lâu dài và để cho Hải quân các nước khác làm theo".

Sau cuộc "ngoại giao" bằng thể thao lịch sử mùa Hè năm ấy, đến tháng tháng 5/2015, những người lính đảo Việt Nam tiếp tục thi đấu giao hữu với những người lính đảo Philipine tại đảo Song Tử Đông.

Ở lần tổ chức này số lượng "vận động viên" của Hải quân Philipine nhiều gấp 3 so với lần trước: 100 binh sĩ.

Và không chỉ tăng cường VĐV, ở lần giao lưu thứ hai này, ngoài bóng đá, bóng chuyền, hai bên còn tăng thêm các môn thi đấu khác như bóng đá bãi biển, bóng rổ, kéo co, nhảy bao bố, cử tạ, chạy ngắn, chạy dài và các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Đặc biệt, Hải quân của hai nước, chỉ huy và đại diện của hai đảo đã trao đổi, chia sẻ thông tin về tìm kiếm cứu nạn, an ninh hàng hải, cảnh báo thiên tai và thống nhất các nội dung hoạt động trong lần giao lưu tiếp theo.

Nếu không có gì thay đổi, Hè năm nay, cuộc "ngoại giao bằng thể thao" giữa những người lính đảo của hai nước sẽ lại diễn ra nơi đầu sóng. Thậm chí, có nguồn tin cho biết Hải quân hai nước còn mời thêm Hải quân của một số nước khác trong khu vực cùng tham dự với niềm tin: Tinh thần thể thao sẽ là sợi dây thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị và vượt qua mọi khó khăn, cản trở...

"Đối nội" thường xuyên

Nếu "đối ngoại" bằng thể thao giữa những người lính đảo Việt Nam và Philippines diễn ra thường niên, đang được hai bên tích cực "mở rộng" sang các nước khác, thì việc "đối nội" bằng thể thao giữa những người lính đảo với ngư dân lại diễn ra thường xuyên, nhất là ở đảo Đá Tây.

Bởi lẽ, đảo Đá Tây là một trong 2 đảo thuộc quần đảo Trường Sa có Trung tâm dịch vụ hậu cần cho người đi biển thuộc Công ty một thành viên Dịch vụ khai thác biển Đông (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).

Trung tâm giống như một "siêu thị giữa biển" này có nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ cho tàu thuyền ngư dân Việt Nam như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu bằng với giá ở đất liền. Riêng nước ngọt và sửa chữa tàu thuyền hư hỏng, cứu hộ, cứu nạn trên biển... Trung tâm miễn phí hoàn toàn.

Ông Chu Minh Sơn, Trưởng ban quản lý Trung tâm cho biết: "Ngư dân vào đây "đi chợ" suốt và giao lưu thể thao với chúng tôi thường xuyên. Nhiều ngư dân còn "mách nước" cho chúng tôi nên làm một sân bóng đá trên đảo, vì đa số anh em thuyền viên rất thích môn thể thao vua. Nếu làm sân bóng đá, họ sẽ "tài trợ" bằng việc chở cỏ từ đất liền ra trồng ở sân, để mỗi khi anh em giao lưu, có "va chạm" cũng đỡ "chấn thương" hơn là đá trên sân bê tông..."

"Giấc mơ" ấy của ngư dân, theo ông Minh chưa thể thực hiện lúc này vì vai trò, nhiệm vụ của Trung tâm trên hết là trở thành một "địa chỉ đỏ", một điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

"Ngư dân vào đảo, chúng tôi có thể chơi thể thao với họ. Nhưng cái để chúng tôi "tiếp sức" cho họ không phải là thể thao mà là những nhu yếu phẩm, nguyên liệu khi họ cần đến cho công việc của họ ở ngoài khơi, đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển tiềm năng kinh tế biển đảo của Tổ quốc".

Thể thao ở Trường Sa: Nơi sân bóng chìm trong biển cả

Thể thao ở Trường Sa: Nơi sân bóng chìm trong biển cả

Sân bóng là đường băng của sân bay, hoặc là một bãi phẳng chìm sâu dưới mực nước lúc thủy triều lên, chơi thể thao ở quần đảo Trường Sa cũng trở nên siêu tưởng.


May mắn cho chúng tôi hôm có mặt tại đảo Đá Tây A là gặp được ngư dân Nguyễn Văn Túy, quê ở Phú Yên, chủ tàu cá PY 95041TS.

Ông Túy và "tùy tùng" của ông trong năm 2015 đã ghé đảo Đá Tây A 3 lần để "mua sắm" các nhu yếu phẩm, sửa chữa tàu hoặc xin nước ngọt. Lần ghé đảo này của ông là lần thứ 4 để thay ống van dẫn dầu bị gãy khi đang đánh bắt trên biển.

"Vào đây thăm các anh hay sửa chữa tàu, chúng tôi vẫn hay "rủ rê" các anh chơi thể thao cho đỡ buồn chân, buồn tay. Nếu anh em trên đảo thắng sẽ được chúng tôi biếu 1-2 con cá thu. Nếu các anh thua thì... hít đất 5-10 cái. Đất liền làm gì có những "giải" như ngoài đảo như thế", ông Túy nói.

Đảo trưởng đảo Đá Tây A, đại úy Lâm Thế Phong cho biết: "Vào mùa đánh bắt, đảo Đá Tây nhộn nhịp cảnh tàu thuyền mua bán, trao đổi hàng hóa không khác gì chợ nổi Cái Răng trên biển. Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho các chiến sĩ, cùng với các anh em của Trung tâm dịch vụ hậu cần thường xuyên tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao với ngư dân. Điều đó vừa cho thấy quân với dân dù ở đâu cũng luôn thắm thiết nghĩa tình, vừa giúp quân dân phối kết hợp với nhau tạo thành thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước nơi đầu sóng".

Huy Thông
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm