St. Petersburg chống lại tháp chọc trời

23/12/2010 15:57 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Trước khi thế giới “vấp” phải cơn bão kinh tế, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nga Gazprom đã đề đạt kế hoạch xây dựng một tòa nhà chọc trời cao 403m ở St.Petersburg để làm trụ sở và lấy tên là Trung tâm Okhta. Lập tức, dự án này đã gây nhiều tranh cãi.  

Các nhà bảo tồn kiến trúc cho rằng công trình này sẽ phá hủy thành phố. UNESCO thì coi đó là một sự bắt chước, nhưng nhà chức trách vẫn khăng khăng xúc tiến dự án.

1. Sau nhiều tuyên bố mâu thuẫn từ phía các chính trị gia cao cấp của Nga, trong tuần này, số phận của tòa nhà này đã được định đoạt bởi một phán quyết của tòa án ở St.Petersburg. Theo đó thì chiều cao cho phép của các tòa nhà nằm bên bờ sông Okhta River sẽ không được quá 40m.  

Điều đó có nghĩa là sẽ không có chỗ cho Trung tâm Okhta ở sát trung tâm của thành phố lịch sử St.Petersburg. Sau phán quyết của tòa, theo một số nguồn tin thì các chức trách thành phố đang cố gắng bãi bỏ phán quyết này để dự án Gazprom được tiến hành ổn thỏa. Nếu điều đó trở thành hiện thực thì công trình có bề ngoài bằng kính do Công ty Anh RMJM thiết kế này sẽ là tòa nhà cao nhất châu Âu và cao hơn gấp 10 lần so với chiều cao tối đa được phép ở St.Petersburg.

Mô hình tòa tháp Okhta  
 
Một vấn đề nhạy cảm là trước khi tới điện Kremlin hồi năm 2008, Tổng thống Medvedev là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Gazprom. Tuy nhiên, hồi đầu năm, Tổng thống Medvedev từng nói Gazprom nên suy nghĩ thận trọng về việc xây dựng một tòa nhà cao như vậy ở St.Petersburg và dự án này khó giành được chiến thắng bởi nhà chức trách chịu sức ép quá lớn từ phía công chúng.  

Gazprom là tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới. Toàn Liên minh châu Âu có 25% lượng gas mua từ công ty này. Tháng 12/2007, vốn thị trường của công ty này là 345 tỷ USD và Gazprom hy vọng trước năm 2017 vốn thị trường của tập đoàn sẽ đạt 1.000 tỷ USD.

2. Ngay từ đầu, dự án này đã gây nhiều tranh cãi. Nhiều cuộc biểu tình đường phố đã diễn ra khi dự án lần đầu tiên được công bố.

Không giống với trung tâm thủ đô Moskva, nơi các kiến trúc lớn từ thời Nga hoàng nằm lẫn lộn cùng những tòa nhà thời Xô Viết và những trung tâm kinh doanh bằng kính hiện đại, thì trung tâm St.Petersburg là một bảo tàng của những tòa nhà tân cổ điển. Hơn nữa, do phần lớn của thành phố này là những tòa nhà thấp tầng nên các nhà văn hóa cho rằng không nên “thu nhỏ” phần còn lại của thành phố bằng tòa nhà chọc trời này.  

Tuy nhiên, ông Miller, Giám đốc điều hành của Gazprom, nói rằng nhiều thành phố khác đã tỏ ý quan tâm tới việc xây dựng tòa nhà chọc trời, trong đó có Omsk ở Siberia và Vladivostok, cảng chính của nước Nga. Mặc dù cả 2 thành phố đó đều thuộc vùng hoạt động của Gazprom song dường như công ty này không muốn xây dựng trụ sở ở xa Moskva đến như vậy. Lại có những đề xuất nên xây dựng cao ốc này ở một khu vực phụ cận nào đó ở St.Petersburg và như vậy sẽ không làm “vướng” mắt người dân với một tòa nhà cao như thế.

Hôm 21/12, người phát ngôn của Công ty RMJM - đơn vị thiết kế - đã từ chối bình luận về vấn đề này, song kiến trúc sư trưởng của dự án - ông Filipp Nikandrov - khẳng định với tờ The Moscow Times rằng ông không nhận được bất cứ sự đề xuất nào về việc thay đổi vị trí của dự án. “Chúng tôi đã thiết kế Trung tâm Okhta cho riêng nơi này (trung tâm St.Petersburg) và tôi tin ở nơi đó trông tòa nhà sẽ rất “hoành tráng” và đẹp mắt chứ không hề làm hỏng đường chân trời của thành phố”, Nikandrov tuyên bố.  

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm