23/05/2019 19:10 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Cục Đường bộ Nam Phi đã đề xuất tăng cường chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, trong đó bộ luật hình sự cần đưa tội danh lái xe uống rượu lên cùng cấp độ với tội hiếp dâm và giết người.
Trong văn bản gửi Bộ Tư pháp Nam Phi, Cục Đường bộ kiến nghị cần nâng hành vi lái xe sử dụng rượu bia từ phân loại nguy hiểm cấp độ 2 hiện tại lên nguy hiểm cấp độ 5. Ngoài ra, trong thời gian trước mắt, các lái xe vi phạm nồng độ cồn cần phải bị giam giữ ít nhất 7 ngày trước khi được xem xét nộp tiền tại ngoại.
Lý giải về đề xuất trên, Giám đốc Cục Đường bộ Makhosini Msibi cho biết trong số hơn 10.000 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông mỗi năm ở Nam Phi, hơn một nửa trong số này là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của hành vi lái xe xử dụng rượu bia. Bên cạnh đó, hằng năm, Chính phủ Nam Phi cũng phải chi một khoản ngân sách khổng lồ để giải quyết hậu quả những vụ tai nạn từ những tài xế "ma men" này.
Liên quan đề xuất tạm giam 7 ngày, ông Msibi cho rằng theo quy định hiện tại, nếu không gây ra tai nạn thì ngay sau khi bị bắt, lái xe sử dụng rượu bia có thể nộp một khoản tiền tại ngoại để được thả ngay lập tức. Tuy nhiên, theo ông, quy định này không hề mang tính răn đe. Do đó, cần phải tạm giam ít nhất 7 ngày để đương sự có thời gian suy nghĩ về hành động của mình rồi sau đó mới tính đến chuyện làm đơn xin được nộp tiền tại ngoại.
Theo quy định hiện hành, các tài xế bị phát hiện có nồng độ cồn từ 0,05 milligam/lít khí thở trở lên sau khi gây tai nạn có thể phải ngồi tù tới 6 năm và nộp phạt một khoản tiền ít nhất là 120.000 Rand (tương đương 200 triệu VND). Ngoài ra, tên người vi phạm sẽ được cho vào sổ đen của cảnh sát và đây sẽ được xem là một tình tiết tăng nặng cho những lần vi phạm sau.
Theo Cục Đường bộ Nam Phi, ngay trong dịp nghỉ lễ Phục sinh hồi tháng Tư vừa rồi, cảnh sát nước này đã bắt giữ hơn 300 lái xe sử dụng rượu bia trong khi tham gia giao thông, bao gồm các trường hợp điều khiển ô tô với vận tốc lên tới 200km/h, trong khi phần lớn đường cao tốc tại Nam Phi hiện giới hạn tốc độ tối đa ở mức 120km/h. Trước đó, vào dịp Giáng sinh và năm mới 2019, cảnh sát nước này cũng đã bắt giữ hơn 1.000 trường hợp vi phạm luật giao thông các loại, trong đó hơn 50% liên quan đến việc sử dụng rượu bia khi lái xe. Đặc biệt, theo cảnh sát Nam Phi, số lượng tài xế nữ sử dụng rượu bia trong khi tham gia giao thông ngày càng tăng tại nước này.
Theo một cuộc khảo sát quốc tế thực hiện năm 2015, Nam Phi đứng đầu thế giới về tỷ lệ vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với tỷ lệ 58% vụ tai nạn giao thông tại nước này có liên quan đến rượu bia, đứng sau là Canada với 34%.
Liên quan việc quản lý sản xuất và kinh doanh loại đồ uống có cồn, Quốc hội Nam Phi mới đây đã thông qua dự luật sửa đổi nhằm giảm thiểu tình trạng lạm dụng đồ uống này trong giới trẻ cũng như giảm tình trạng lái xe sử dụng rượu bia. Một trong những thay đổi quan trọng nhất của dự luật này là việc giảm tỷ lệ cồn tối thiểu từ 1% hiện nay xuống còn 0,5% đối với đồ uống được dán nhãn có cồn. Thay đổi này đồng nghĩa với việc bất cứ loại nước uống nào có tỷ lệ cồn từ 0,5% trở lên buộc phải dán nhãn là đồ uống có cồn, bất kể nguồn gốc của loại nguyên liệu dùng để chưng cất.
Bên cạnh đó, dự luật trên thay đổi quy định về những loại đồ uống nào được phân loại là bia, trong đó bao gồm bia đóng chai, bia tươi, bia truyền thống của Nam Phi và các loại bia được lên men bằng các hình thức khác trong quá trình chưng cất. Trước đó, lợi dụng lỗ hổng về quy định này, nhiều nhà sản xuất đã dán nhãn bia cho nhiều loại đồ uống có cồn khác nhau với mục đích có thể tiêu thụ được tại thị trường Nam Phi.
Một thay đổi đáng chú ý khác trong dự luật là việc nâng cao lứa tuổi được phép mua rượu - bia từ 18 tuổi như hiện nay lên 21 tuổi. Thay đổi này cũng sẽ đi kèm với quy định cấm các loại hình quảng cáo đồ uống có cồn nhằm vào lứa tuổi dưới 21. Ngoài ra, các điểm bán đồ uống có cồn bắt buộc phải cách xa tối thiểu 500 mét tính từ các cơ sở giáo dục, trung tâm giải trí, bệnh viện, khu dân cư và các cơ sở nghiên cứu.
Thay đổi cuối cùng trong dự luật là đề xuất yêu cầu gia tăng trách nhiệm hình sự đối với các công ty sản xuất và kinh doanh đồ uống có cồn, trong đó các công ty này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra cho người sử dụng nếu họ mua phải các sản phẩm của công ty từ những cửa hàng không phép.
Theo một nghiên cứu của tạp chí Y khoa doanh tiếng BMC Medicine có trụ sở tại Anh, mỗi ngày có khoảng 170 người tại Nam Phi chết vì các nguyên nhân liên quan đến lạm dụng bia rượu, gấp đôi so với con số trung bình tại các quốc gia trong khu vực miền Nam châu Phi. Đặc biệt, 60% trong số này thuộc tầng lớp có thu nhập thấp và chỉ 15% là thuộc tầng lớp giàu có.
Khoảng 20% phụ nữ và 50% đàn ông Nam Phi tự nhận mình trong nhóm những người nghiện rượu và đa số thường xuyên tham dự các buổi nhậu thâu đêm. Đặc biệt, có tới 56% thanh niên ở lứa tuổi từ 18-22 tiêu thụ tới 10 chai bia cho mỗi buổi nhậu, trong đó đối tượng nữ thường uống lượng bia bằng khoảng 70% so với nam giới.
Phi Hùng - Phóng viên TTXVN tại Nam Phi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất