Nhớ về những người lính ngã xuống ở Gạc Ma

15/03/2014 07:21 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 13/3, Đà Nẵng đã tổ chức buổi giao lưu với thân nhân các gia đình liệt sĩ và các cựu chiến binh từng tham gia trận hải chiến Gạc Ma với chủ đề Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa.

Buổi giao lưu xúc động đã được Thể thao & Văn hóa chuyển tải trên số báo ra ngày 14/3. Cũng trong ngày 14/3, phóng viên Thể thao & Văn hóa tiếp tục theo chân những người đồng đội, người thân của các anh hùng liệt sĩ đến thắp hương tưởng nhớ các anh tại Khánh Hòa.

Cuộc chiến không cân sức

Đại tá Nguyễn Văn Dân - Nguyên Phó tham mưu trưởng vùng 4 Hải quân tưởng nhớ đến đồng đội

Đại tá Nguyễn Văn Dân - Nguyên Phó tham mưu trưởng vùng 4 Hải quân tưởng nhớ đồng đội

Sáng 14/3/2014, bầu trời Cam Ranh (Khánh Hòa) lộng gió, chúng tôi theo chân những người đồng đội, người thân của 64 anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma (14/3/1988) đến thắp hương tưởng nhớ các anh tại Tượng đài Cam Ranh. Đây là nơi khắc ghi tên của những người con đất Việt đã hy sinh để giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong giai đoạn 1979 - 2006. Sau 26 năm, những người thân, đồng đội vẫn luôn nhớ đến các anh, những người đã cống hiến cả cuộc đời mình vì đất nước.

Trong câu chuyện kể về những người đồng đội của mình năm ấy, Đại tá Nguyễn Văn Dân - nguyên Phó Tham mưu trưởng vùng 4 Hải quân, khi ấy là Chỉ huy trưởng cụm đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Len Đao chia sẻ: “Rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại lòng biển, họ khi ấy còn rất trẻ, chỉ vừa đôi mươi. Đây không phải là một cuộc chiến đúng nghĩa, khi phía bộ đội Việt Nam chủ yếu là lính công binh làm nhiệm vụ xây dựng, giữ đảo.

Ba tàu của chúng ta cũng chỉ là tàu vận tải, không được trang bị hỏa lực hải chiến, nên không thể chống cự được với đạn pháo quân thù. Trong trận chiến ấy, 64 đồng đội của tôi đã ngã xuống, 9 người bị phía địch bắt đi, tàu HQ-604, HQ-605 bị bắn chìm, tàu HQ-505 bị cháy nhưng kịp lao thẳng lên đảo Cô Lin. Đó là một nỗi đau không thể quên”.

Kỷ niệm ngày xưa, vẫn còn đâu đó...

Ảnh cưới của chị Đỗ Thị Hà và liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh (anh Doanh đứng đầu tiên từ bên trái)

Ảnh cưới của chị Đỗ Thị Hà và liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh (anh Doanh đứng đầu tiên từ bên trái)

Chị Hà và anh Doanh nên duyên vợ chồng do sự tác hợp của anh Trần Văn Phương, người anh hùng của Quân chủng Hải quân với câu nói huyền thoại: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”. Chị Hà kể, ngày ấy anh Phương và anh Doanh chơi thân với nhau. Mỗi lần anh Phương đến nhà chị chơi, thường rủ anh Doanh đi cùng, rồi giới thiệu chị và anh Doanh với nhau. Đám cưới diễn ra giản dị, chỉ có những người trong đơn vị anh Doanh tham dự, nhà trai ở Ninh Bình xa xôi không đến được.

Khi con gái anh chị được 13 tháng tuổi, anh Doanh lên tàu ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Rồi chỉ 3 ngày sau, chị Hà nghe tin anh Doanh hy sinh. Chị nghẹn ngào, bầu trời như sụp xuống. “Ngày biết tin anh Doanh hy sinh, tôi như chết lặng, chỉ mong đó là sự nhầm lẫn. Rồi tôi tự nhủ mình phải cố gắng, mạnh mẽ, làm mọi việc để có thể lo cho con gái. Ngày ấy, con gái tôi mới 13 tháng tuổi, chưa nhớ mặt cha” - chị Hà chia sẻ.

Sau khi anh Doanh hy sinh, chị Hà ở vậy nuôi con. Chị làm đủ việc nặng nhọc, phụ hồ mười mấy năm, để có thể nuôi con gái khôn lớn. Bây giờ, con gái anh chị đã 27 tuổi, tốt nghiệp Đại học và ở lại TP.HCM làm việc. Chị cho biết, bây giờ con anh chị đã lớn khôn, ước vọng lớn nhất của cuộc đời chị là đón được hài cốt anh về từ lòng biển, để mộ anh không chỉ là “mộ gió”. Nói đến đây, nước mắt chị Hà lại chảy dài, nấc nghẹn từng hồi.

Những người thuộc thế hệ trẻ như tôi ngày nay chỉ biết đến cuộc chiến ấy qua những hình ảnh tư liệu, qua những câu chuyện kể lại của người trong cuộc... Năm tháng trôi đi, nhưng tấm gương hy sinh của các anh vẫn sống mãi, cổ vũ thế hệ trẻ kiên quyết góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Vẫn còn mãi “Vòng tròn bất tử”

Giữa lồng lộng gió đất trời Cam Ranh, nơi 26 năm trước các anh xuất phát đi làm nhiệm vụ, rồi anh dũng hy sinh, Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trường vùng 4 Hải quân nghẹn ngào đọc bài thơ Vòng tròn bất tử của mình viết về những người đồng đội ngã xuống ở Gạc Ma ngày ấy. Những câu thơ như hòa vào tâm hồn chúng tôi, hòa vào nắng, vào gió biển để gửi tới các anh, những người anh hùng Gạc Ma.

“Mười bốn tháng ba năm tám tám

Xuân Mậu Thìn mãi đau nhói con tim

Người lính Việt Nam dũng khí kiên trinh

Kết “Vòng tròn bất tử”...

Bảo vệ cờ giữ đảo quê hương.

Thanh Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm