Thái Lan ghi tên trên bản đồ điện ảnh thế giới

30/05/2010 07:00 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Điện ảnh Thái Lan vừa được vinh danh tại Cannes 2010 bằng giải Cành cọ vàng cho bộ phim Lung Boonmee raluek chat (Bác Boonmee, người có thể nhớ những kiếp trước) của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul. Cho dù có không ít dấu hỏi được đặt ra sau màu vàng của Cành cọ 2010 nhưng những gì điện ảnh Thái làm được tại Cannes năm nay xứng đáng nhận được tràng pháo tay tán thưởng.

MÀU SẮC CHÍNH TRỊ?


 Đạo diễn Apichatpong Weerasethakul nhận giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 63
Hầu hết những tờ báo lớn của Pháp như Le Parisien, Le Figaro, Libération đều đặt dấu hỏi cho việc phim của Thái Lan đoạt giải cao nhất năm nay của Cannes mà không phải là phim của nước khác, đơn cử như Pháp (phim Des hommes et des dieux). Tờ Le point cho rằng việc trao giải Cành cọ vàng năm nay cho phim Bác Boonmee là khá “bạo”, cho dù phim có gây cảm xúc thơ ca, với không gian siêu tự nhiên và sự thuần khiết đến lạ kỳ. “Phải chăng việc trao giải Cành cọ vàng cho bộ phim này là một cử chỉ mang tính chính trị, khi mà đất nước Thái Lan đang trong giai đoạn xung đột nội chiến? Có thể là vậy, dù rằng lúc đầu, bộ phim này không có ý đồ chính trị nào cả”.


“Chúng tôi không hình dung được rằng đạo diễn người Thái Apichatpong Weerasethakul sẽ nhận được một giải thưởng cao quý như vậy. Bộ phim của ông đã đánh lạc hướng các phóng viên khi được trình chiếu. Hình ảnh một con cá da trơn làm tình dưới nước với một công chúa trong một khung cảnh đầy lãng mạn lập tức gây ra nhiều câu hỏi. Cảnh này khá dài đã khiến chúng tôi nghĩ đến một phiên bản rất nghệ thuật và thể nghiệm”.

Bài viết cũng ghi nhận nhân vật “bác Boonmee” có khả năng nhớ lại kiếp trước và việc vợ và con trai ông dù đã chết nhưng đã quay về dùng bữa cơm với ông và nhắc lại những kỷ niệm xưa, những cảnh đó đối với khán giả châu Âu là “gây tác động cảm xúc rất lớn”. Tuy nhiên, những cảnh còn lại hoàn toàn là sự hình dung chủ quan của đạo diễn, bởi ông có thể đưa ra nhiều giải đáp về sự đầu thai và kiếp luân hồi.

Được lấy cảm hứng từ cuốn sách, tác giả là tu sĩ Phật giáo viết về một người đàn ông có thể kể lại cuộc sống kiếp trước của mình, phim Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Life lấy lại một trong những chủ đề mà đạo diễn Apichatpong Weerasethakul ưa thích, đó là sự hóa kiếp và sự đầu thai. Song, đây không phải là lần đầu tiên đạo diễn Apichatpong Weerasethakul mang phim đến Cannes, bởi ông đã có phim Blissfully Yours đến Cannes năm 2002, và đã đoạt được giải chuyên đề Một Góc nhìn khác (Un Certain Regard). Hai năm sau, ông đã có dịp quay lại LHP danh giá này với Tropical Malady, và nhận giải của Ban giám khảo đồng thời trở thành bộ phim đầu tiên của Thái Lan giật giải chính thức tại LHP này. Đạo diễn Apichatpong Weerasethakul là người quá quen thuộc với LHP Cannes bởi ông đã từng đứng chân trong ban giám khảo chấm giải chính thức của Cannes năm 2008 dưới sự chủ tọa của đạo diễn/diễn viên người Mỹ, Sean Penn.

CẤT CÁNH TỪ KHỦNG HOẢNG

Có thể đánh giá Apichatpong Weerasethakul là đạo diễn nổi tiếng nhất Thái Lan hiện nay. Tuy nhiên, việc chinh chiến ngoài biên giới và thành công vang dội của ông lại không được mặn mà lắm với người xem trong nước. Lí do đơn giản, bởi người dân của đất nước nụ cười lại chuộng các bộ phim “bom tấn” hơn.


Cảnh trong phim Lung Boonmee raluek chat
Bên cạnh đó, năm 2006, đạo diễn Apichatpong Weerasethakul đã giới thiệu bộ phim Syndromes and a Century tại LHP Venise lần thứ 63. Bộ phim này dự định ra mắt khán giả Thái Lan vào năm 2007, nhưng sau đó bị Hội đồng Kiểm duyệt phim Thái Lan cắt đi 4 cảnh bị cho là không phù hợp. Đạo diễn không hài lòng và quyết định cho dừng phát hành bộ phim. Đã có những xích mích xảy ra giữa ông và các nhà kiểm duyệt. Cuối cùng, bộ phim Syndromes and a Century cũng được phổ biến hạn chế tại Thái Lan và 4 cảnh gây tranh cãi đã được thay thế bằng một màn hình đen.

Tuy nhiên, tài năng của Apichatpong Weerasethakul luôn được đánh giá cao và ông cũng là đại diện của trào lưu mới trong việc thay đổi hình ảnh điện ảnh Thái Lan.

Từ hơn 10 năm nay, điện ảnh Thái Lan đã ngày càng có nhiều phim được xuất khẩu ra nước ngoài và do đó đã phần nào làm cho điện ảnh Thái được nhiều nước trên thế giới biết đến.


Năm 2000, bộ phim Tears of the Black Tiger của đạo diễn Wisit Sasanatieng, một bộ phim mang âm hưởng cao bồi miền Viễn Tây Hoa Kỳ, đã vượt ra được khỏi biên giới Thái và đã giới thiệu cho công chúng phương Tây hình ảnh mới của một đất nước Thái Lan.

Tính trung bình mỗi năm, có hơn 30 bộ phim được sản xuất tại Thái Lan, và đa số trong các bộ phim đó là những phim kinh dị, ví dụ như phim ma Shutter vào năm 2004, sau đó là những phim hành động như phim Ong-Bak, bộ phim đã giúp võ sư Panom Yeerum được thế giới biết đến với biệt danh “Tony Jaa”.

Hai anh em nhà họ Pang, là người Hong Kong nhưng quay phim tại Thái Lan, cũng đã góp phần không nhỏ vào việc quảng bá cho nền điện ảnh Thái với các bộ phim như Bangkok Dangerous và The Eye.

Hiện tượng bùng nổ của điện ảnh Thái Lan được ghi nhận trong một giai đoạn lịch sử ít nhiều biến động. Năm 1977, trong khi chính phủ Thái áp đặt một khoản thuế lên tất cả các bộ phim nhập khẩu, các nhà sản xuất điện ảnh trong nước đã nhân cơ hội này mà đua nhau quay thật nhiều phim. Vào cuối thập niên 1970 và cả trong suốt thập niên 1980, đã có hơn 100 phim được sản xuất mỗi năm tại Thái Lan, đơn cử như năm 1978 có 150 được phát hành. Song, sau giai đoạn đó, các đạo diễn Thái dường như đã “hụt hơi” và “đi xuống”.

Thập niên 1990 được ghi nhận như một giai đoạn trầm lắng của điện ảnh Thái, với không quá 10 phim được quay mỗi năm, cho mãi đến năm 1997, khi Thái Lan đang rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á và điện ảnh của xứ chùa Tháp nhận ra rằng đây là thời điểm thích hợp nhất để thay đổi, từ quan điểm cho đến cốt lõi của nền điện ảnh ì ạch và không được định hướng rõ ràng. Một số nhân tố mới của điện ảnh xứ chùa Tháp đã xuất hiện và họ đại diện cho một thế hệ điện ảnh mới có tên “Khởi sắc”. Những Nonze Nimibutr, Pen-Ek Ratanaruang và Wisit Sasanatieng chính là những gương mặt mới và những phim của họ đã khiến người ta phải có một cái nhìn khác. Từ kinh dị, ma, hành động cho đến đồng tính, tâm lý xã hội và cả erotic (hoa tình) liên tục thể hiện một cái nhìn mới về điện ảnh của đất nước nụ cười. Nang Nak (kỉ lục doanh thu), Tears of the Black Tiger, Bang Rajan, Iron Ladies, Monrak Transitor, Dang Bireley’s and Young Gangsters… là những phim sáng giá của điện ảnh Thái trong vòng một thập niên qua.

Vào thời hoàng kim của mình trong thập niên 1970 – 1980, các bộ phim Thái Lan thường được so sánh với phim Hong Kong. Nhưng giờ đây điện ảnh Thái Lan đang từng bước một chinh phục khán giả và có tầm nhìn xa hơn. Và để tăng cường việc quảng bá hình ảnh của điện ảnh Thái Lan, chính công chúa Ubolratana đã đến Cannes vào năm ngoái nhân LHP Cannes lần thứ 62. Hình ảnh đạo diễn Apichatpong Weerasethakul nâng cao Cành cọ vàng tại Cannes năm nay như trở thành câu trả lời cho hơn 10 năm chuẩn bị của điện ảnh Thái Lan. Họ đã chuẩn bị rất tốt, đa dạng dòng phim, đạo diễn tài năng, kịch bản hay và cả thị trường tiêu thụ rất khả quan.

Tường Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm