TGĐ CTy CP thể thao ACB, Nguyễn Hồng Thanh: Hồi hộp chờ ngày bóng đá Nghệ chuyển giao

01/04/2009 14:05 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Không còn là người của SLNA, nhưng cựu trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh vẫn còn rất nặng lòng khi nói về bóng đá xứ Nghệ, đặc biệt là ở thời khắc trước cuộc chuyển giao với Lilama.
 

* Chỉ một thời gian ngắn nữa, SLNA sẽ được chuyển giao cho doanh nghiệp LILAMA với bao cơ hội và thách thức. Ông có suy nghĩ gì?

- Cũng như bao người từng gắn bó với bóng đá xứ Nghệ, tôi vui trong sự hồi hộp. Việc kết hợp với LILAMA là một xu thế tất yếu. Bởi không thể làm bóng đá chuyên nghiệp bằng tình yêu suông. Có tiền, mà phải nhiều tiền, thì mới có bóng đá chuyên nghiệp được.

Dưới sự bảo trợ của LILAMA, đội bóng không còn phải lo tới chuyện chạy tiền tài trợ trước mỗi mùa bóng. Nhưng có tiền, người ta phải học cách để sử dụng sao cho hợp lý. Nói thì dễ, chứ khi ngồi lên cả một số tiền lớn, áp lực thành tích rất lớn. Chưa kể cơ chế hoạt động - kinh doanh hoàn toàn khác so với thời còn trực thuộc Sở TDTT trước đây.

Doanh nghiệp thông qua bóng đá để quảng bá thương hiệu cho riêng mình. Họ muốn đội bóng thành công ngay lập tức, và đồng tiền bỏ ra phải sinh lời chứ không có chuyện biến mất. Nhưng lo nhất, khi cơ chế mở và tất cả mọi hoạt động đều liên quan tới tiền bạc nhiều hơn, thì một là phát triển, hai là đánh mất mình. Đơn cử như việc giữ được cầu thủ đi đúng hướng cũng rất nan giải.
 
Không còn gắn bó với bóng đá SLNA nhưng ông Hồng Thanh cũng rất hồi hộp trước cuộc chuyển giao.

* Thực ra, với bóng đá xứ Nghệ, nỗi lo cơ bản nhất khi doanh nghiệp hoá đội bóng là phải có người biết làm, uy tín cùng một cơ chế hoạt động thực sự chuyên nghiệp.

- Tôi nghĩ người làm thì không thiếu. Theo tôi, rào cản của Sông Lam vẫn là cơ chế không còn phù hợp với nền bóng đá đang ngày chuyên nghiệp hoá. Nguồn ngân sách nhà nước đổ vào cho CLB có lớn nhưng không thể so với số tiền các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra. Chính vì sự nhập nhằng giữa chế độ bao cấp và cơ chế doanh nghiệp khiến SLNA chậm chân và nảy sinh nhiều chuyện phức tạp. Tất cả phải thay đổi quan điểm rằng doanh nghiệp hoá bóng đá không có nghĩa là đánh mất bản sắc của SLNA. Như Đà Nẵng đấy, chuyển giao họ chỉ mạnh lên, uy tín hơn.

Còn lại, rất nhiều thuận lợi mà không phải địa phương nào cũng có được như Nghệ An. Tình yêu của khán giả dành cho bóng đá địa phương vẫn còn nguyên vẹn. SLNA vẫn có một hệ thống đào tạo trẻ bài bản và quy củ với 20 HLV luôn theo sát và uốn nắn cho các cầu thủ trẻ. CLB còn xây dựng các lớp đào tạo nghiệp dự tại các huyện cho trẻ ở độ tuổi 9 tới 11. Hệ thống tuyển chọn vẫn vô cùng khắt khe.
 
Khi bước vào lứa U12, nếu các em có năng khiếu thật sự sẽ được đưa về TTHL của SLNA để đào tạo chính quy (theo từng nhóm tuổi U13, U15, U17, U19 và U21). Sau đó, họ phải vượt qua rất nhiều thử thách mới được chuyển lên thi đấu và có chỗ đứng trong đội một. Với dàn cầu thủ đông đảo và chất lượng như thế, LILAMA hoàn toàn có thể yên tâm về hệ thống đào tạo trẻ, lực lượng trong tương lai.

Quan trọng nhất, lãnh đạo trong tỉnh vẫn coi bóng đá là một trong những mũi nhọn để phát triển diện mạo địa phương. Ngay từ mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên, CLB đã được tỉnh cấp cho tài khoản riêng, các ban bệ tại CLB cũng đã được hình thành đầy đủ theo đúng mô hình một CLB chuyên nghiệp.

* Xứ Nghệ là nơi phát pháo hiệu trên thị trường chuyển nhượng. Những kinh nghiệm chuyển nhượng vẫn còn đó.

- Tư duy trong mua bán cầu thủ của Sông Lam cũng hợp lý, dựa trên sự đồng ý của ba bên (cầu thủ, hai đội bóng mua-bán). Có tới 85% cầu thủ SLNA có gia cảnh nghèo khó, BLĐ tạo điều kiện cho các em ra đi làm kinh tế sau thời gian dài đóng góp cho quê hương. BLĐ đội còn phải lựa chọn thời điểm thích hợp đảm bảo thu lại lợi nhuận sau mỗi HĐ chuyển nhượng cũng như có cầu thủ kế cận thay vào vị trí người ra đi. Thế nên, cầu thủ khi ra đi vẫn có thể trở về vì chữ tình với quê hương không bị phai nhạt. Đào tạo trẻ không chỉ để phục vụ cho đội một mà còn là kinh doanh thu lại lợi nhuận khi bán những cầu thủ còn lại cho các đội bóng khác. Đáng tiếc là trong thời gian qua, đội bóng không còn đủ tiền nâng thềm tầm dựa trên cơ sở những gì mình đang có.

* Chọn Hà Nội ACB sau khi rời quê hương, điều gì vẫn giữ ông ở lại nơi này, khi nói thực ông không thành công ? Có cảm giác ông đang mệt mỏi.

- Tôi nhận lời làm TGĐ của CLB Hà Nội ACB ngoài chữ tình, còn có lý do tôi thấy rất hợp với cách làm việc của anh Kiên. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn tôn trọng nhau. Tôi biết anh Kiên không dễ gì chấp nhận thất bại khi làm việc gì đó.

Tôi chỉ hợp với công việc quản lý, điều hành và phát triển bóng đá trẻ thôi. Hiện nay, tại đại bản doanh của đội bóng chúng tôi đang có hai đội trẻ ở nhóm tuổi U21 và U17, cùng một đội bóng U13 ở TP Thái Nguyên nhằm phục vụ về lâu về dài cho đội lớn. Tôi giờ cũng đã 59 tuổi rồi, có lúc cũng phải nghỉ. Ước mơ ấp ủ của cuộc đời tôi chính là được mở một trung tâm đào tạo trẻ có đầy đủ cơ sở vật chất. Sau đó, tôi sẽ đi khắp cả nước để tuyển chọn các cầu thủ trẻ đưa về đào tạo. Đó là tâm huyết từ thời trai trẻ mà tới giờ vẫn chưa làm được.

* Ông đánh giá sao về chất lượng giải VĐQG năm nay, nhất là vấn đề trọng tài đang trở thành tranh cãi của rất nhiều đội bóng?

- Từ ngày bóng đá chuyên nghiệp ra đời, sau mỗi năm giải VĐQG đều có sự thay đổi đáng kể. Đáng mừng là tính cạnh tranh được nâng cao, cách làm bóng đá đã quy chuẩn và khoa học hơn. Tính đào thải lớn khiến các trận cầu hấp dẫn và quyết liệt.

Chuyện tranh cãi về trọng tài thì có từ muôn thủa. Giờ đây hậu quả sau một quyết định sai lầm của trọng tài rất nghiêm trọng. Các trọng tài của chúng ta vẫn thiếu kinh nghiệm trong nhiều tình huống nhạy cảm. LĐBĐ Việt Nam cần tổ chức các lớp bồi dưỡng có chất lượng hơn nữa để trang bị cho các TT khả năng xứ lý nhanh trong các tình huống như vậy. Ngoài ra phải việc phân cấp và đưa ra chế độ ưu đãi tốt hơn nữa để các trọng tài yên tâm phấn đấu, hoàn thiện mình cần phải phát huy.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

NHÃ NAM (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm