"Nghi án" HNACB-TCDK.SLNA: Im lặng là đồng lõa ?

29/07/2008 10:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Nếu người ta lợi dụng thời điểm cả nước lắc lư vũ điệu Samba cùng với người Brazil, để ỉm đi trận đấu đáng ngờ giữa HNACB với TCDK.SLNA thì đó là điều vô cùng tệ hại.

Dư luận được quyền lựa chọn sự kiện và tập trung sự chú ý của họ vào một điểm nhấn nào đó. Nhưng những người trong cuộc thì không. Tuỵêt đối không. Vì điều đó chỉ cho thấy tư tưởng đối phó với dư luận từ phía các nhà tổ chức và điều hành giải.

Để tổ chức trận đấu trong mơ này, người ta có thể chấp nhận việc điều chỉnh lịch thi đấu của V-League, dù điều này cũng ảnh hưởng tới kế hoạch huấn luyện, thi đấu và cả lịch truyền hình trực tiếp (may là vấn đề truyền hình ở Việt Nam chưa tới mức tối quan trọng như ở các nền bóng đá phát triển và được nuôi dưỡng bởi tiền bản quyền).

Để phòng ngừa những sai sót xảy ra của “trận đấu chục tỉ” (nhiều hơn cả chi phí VFF bỏ ra để tổ chức cả giải V-League), người ta cũng có thể hiểu tại sao VFF phải tập trung tối đa lực lượng của cả 2 cấp độ quản lý và điều hành. Nhưng tập trung tới mức các trọng tài tự điều khiển theo sự phân công từ trước và các đội bóng tự ra sân thi đấu rồi VFF chỉ cần cập nhật kết quả, bất chấp kết quả ấy có phải là do dàn xếp hay móc ngoặc, thì rõ ràng là chưa cần thiết.

“Hóa bùn” hay một “vụ án bóng đá” ?

Vậy, phải đặt ra câu hỏi tại sao sau những trận đấu có biểu hiện nghi vấn (Sông Lam “tự sát” 2-4 trước HNACB) và các sự việc nảy sinh (trọng tài Khánh Hưng bị tố đã dọa nạt HNACB ở vòng 21), đòi hỏi phải có những phản ứng khẩn cấp thì tất cả dội lại chỉ là sự im lặng?

Hay họ cho rằng những gì diễn ra trên sân Hàng Đẫy chỉ là một trận đấu hết sức bình thường với những lỗi chuyên môn thuần túy? Liệu có thể như thế được không ? vì những bàn thua của Sông Lam khiến người ta phải nhớ lại bàn thua của Lã Xuân Thắng từng sút thẳng vào lưới nhà CAHN năm nào, vì nó chỉ khác nhau ở mức độ lộ liễu.

Phải chăng, nước sông Lam có thể cạn, nhưng Sông Lam không thể ‘sạch” ?
 
Xem ra, người ta chỉ phải làm 1 việc đó là xác định xem đó là vấn đề của tự bản thân các cầu thủ hay đó là chuyện ở cấp độ lãnh đạo, HLV đội bóng.

Cũng có thể lý giải là để xử lý các trận đấu tiêu cực hay xác minh bản chất của vấn đề thì người ta phải kín đáo, không “đánh rắn” sợ “động rừng”, và cần cả thời gian nữa. Nhưng phải hỏi liệu sự im lặng này sẽ dẫn về đâu: tất cả sẽ hóa bùn hay sẽ là một “vụ án” bóng đá của năm 2008?

V-League: con tàu không người lái ?

Rất nhiều người đã đi “săn” ông tân trưởng giải Nguyễn Hữu Bàng trong những ngày qua đều thất bại. Gặp trực tiếp không thể. Gặp qua điện thoại cũng không thể nốt. Liệu đây có phải là câu trả lời cho câu hỏi tại sao lại có sự im lặng ở trên, bởi ông Bàng đang công du châu Âu cho 1 công việc chẳng có liên quan gì đến V-League?

Cơ chế tổ chức V-League có thừa ban bệ vì nó có cả cấp chỉ đạo và lẫn cấp điều hành, chứ không phải nó “chạy” bởi duy nhất vị trưởng giải.

Năm 2003, Thể Công đã bị trừ 3 điểm và phạt 50 triệu trong trận đấu với Thép Cảng (thua 0-1) dù những biểu hiện của họ còn kín đáo hơn rất nhiều so với SLNA trên sân Hàng Đẫy mới đây.

Thật khó chấp nhận một thực tế là khi trưởng giải đi vắng thì “gà có thể vọc niêu tôm” thoải mái và các vấn đề xảy ra xung quanh các trận đấu của giải là chuyện cháy nhà của người khác.

Người ta cũng đã từng nghe các nhà có trách nhiệm tuyên bố VFF đã và đang tập trung “soi” 1 hoặc 1 vài trận đấu nhạy cảm qua mỗi vòng đấu như một phương pháp phòng chống và xử lý tiêu cực.

Nhưng ngay cả khi phương pháp đó thất bại (có lẽ là thế, vì họ chỉ làm hình thức?) thì người ta cũng đã có đủ cơ sở để ra tay. Sẽ là thừa khi trích ra đây những điều luật được quy định liên quan tới cái gọi là xử lý tiêu cực và “bằng chứng đâu” trong bản Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp và Quy định Kỷ luật bởi VFF chính là tác giả. Nó cho phép VFF xử thẳng tay các trận đấu có biểu hiện tiêu cực, xin khẳng định lại chỉ cần biểu hiện thôi.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm