12/11/2022 08:28 GMT+7 | Văn hoá
Cánh rừng có tên Na Mận nằm phía Đông theo hướng nhà, cách vài cây số. Đó là cánh rừng già thâm u bên kia sông Công, đất Thái Nguyên nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Tôi có chú em tên Đát được sinh trong cánh rừng ấy, ngay tại "khe đát" trong rừng. Bố mẹ lấy luôn khe nước đặt tên cho chú.
Đó là năm 1947, Tây nhảy dù Bắc Cạn, cả xã sơ tán chạy Tây, chui giữa rừng xanh, ẩn náu cả tháng trong đó.
Cũng xin giải thích để mọi người cùng biết. "Đát" là chỉ cái khe nhỏ nằm giữa 2 triền đất trong rừng sâu, vị trí cao hơn do thế đất nên nước khe đát luôn chảy xuôi. Nhiều khe đát chằng chịt hợp lại tạo thành suối. Nên đát chính là ngọn nguồn của suối. Cũng như suối là ngọn nguồn của sông ngòi và biển cả.
Mùa khô khe đát cũng vẫn luôn ẩm thấp dưới tán lá dày đặc của rừng xanh. Khe đát nước ít luôn chảy, không tù đọng nên không có cá, nhưng đấy lại là nơi cư trú lý tưởng của các loại rùa, cua, trăn, rắn, ếch, chẫu chàng,thằn lằn và kỳ đà cùng đủ loại mòng muỗi ruồi bọ, vì nơi đây mát mẻ và yên tĩnh.
Chú em tôi được sinh ra từ nơi ấy nên tính cũng lành,nhu mì hiền hậu như đất. Có lẽ khe núi trong rừng thẳm có tác động đến tính cách người.
Xuyên sâu qua rừng Na Mận là núi Chúa. Tôi chưa từng được đến nơi ấy bao giờ. Theo tay chỉ của mẹ, núi Chúa xa mờ vẩn trong khói sớm sương chiều. Nghĩ lại giờ cũng tiếc huyền thoại ấy. Nay thì đã mất cả, vì bây giờ rừng Na Mận thành xóm làng đông đúc, núi Chúa cũng nham nhở như cái đầu trốc ghẻ. Dãy núi Tổng Tần đằng sau núi Chúa dựng như mây thành bảo vệ lưng núi Chúa mà hồi bé tôi nhìn lên nóc núi thấy những đàn voi ngựa và lính tráng thầm lặng hành quân mải miết, giờ cũng không còn gì.
Thời ấy trí tưởng tượng tốt hơn bây giờ. Mẹ bảo núi Chúa là nơi rừng thiêng. Trong đó có thú rừng, có nhiều loại hoa, đủ loại cây ăn quả như bưởi, mít na, hồng, dâu da, bứa, hồng phác, mua đất và dâu đất. Nơi đó bà Chúa Thượng Ngàn cai quản. Bà nhân hậu yêu chúng sinh. Trong núi Chúa mùa nào thức ấy trái cây rừng luôn chìa ra mời chào. Bà không giữ, nhưng chỉ cho ăn mà không được lấy mang về. Chỉ cần hạt quả hay mảnh vỏ khi ăn sơ ý rớt vào túi mà không biết bỏ ra thì không thể tìm được đường ra vì đầu óc bị mụ mẫm cả.
Đó là khu núi thiêng, dù giàu sản vật nhưng không mấy ai dám vào, trừ mấy thợ săn có gan cóc tía.
Dư địa chí ấy nay chỉ có tôi và lứa đồng niên biết. Còn con tôi, cháu tôi nghe kể thì chúng bảo là cổ tích. Hơn nửa thế kỷ mà vật đổi sao rời đến chóng mặt.
Đôi lúc tôi nghĩ đến loài người thấy nản. Con người ngu dại hay ngộ nhận, xét cho cùng, cũng chỉ như là loài mối cao cấp biết gặm từ đất đai cây cối cho đến rừng thiêng. "Mối" người chẳng từ thứ gì, chẳng biết sợ là gì. Con người phá đi chính môi trường sống của mình nhưng lại ngộ nhận là chinh phục thiên nhiên. Thật hài hước quá phải không?!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất