Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về nhận xét của HLV Miura: Hãy học cách nghe những lời nói thật

25/12/2014 09:08 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ dừng lại trong khuôn khổ "chuyên môn", những nhận xét của HLV Miura hiện đang được chú ý đặc biệt khi mở rộng sang những vấn đề khác về con người, thói quen sinh hoạt hoặc cách làm việc của chúng ta trong xã hội hiện nay. Ở góc độ một nhà sử học cũng như một người yêu bóng đá, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trao đổi với Thể thao & Văn hóa.

Ông Dương Trung Quốc nói:

- Tôi đọc những ý kiến của HLV Miura trên Thể thao & Văn hóa với cảm giác khá thú vị. Và kèm theo đó là sự băn khoăn rằng người đọc có biết vượt qua cảm giác tự ái để lắng nghe những lời nói thật không? Bởi, một cách vô thức, chúng ta dường như rất nhiệt tình lên án những thói xấu về sự vô cảm, thói vô trách nhiệm, sự xuống cấp của đạo đức... nhưng lại dễ tự tìm những lý do nào đó để thoái thác hoặc tự đánh lừa bản thân khi câu chuyện liên quan trực tiếp đến mình.

Những nhận xét của ông Miura gắn liền với góc nhìn, với phương pháp luận của người đến từ một nền văn hóa khác. Và tôi tin, sự khác biệt giữa Việt Nam và các quốc gia khác là lý do khiến nhiều người nước ngoài tới đây cũng có chung cảm nhận như Miura. Chỉ có điều, họ chưa có dịp phát biểu ý kiến, hoặc phát biểu nhưng hạn chế nói về những mặt tiêu cực bởi phép xã giao thông thường.


Nhà sử học - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

* Trước hết, chúng ta sẽ bàn về sự đúng/sai trong những nhận xét của ông Miura. Theo ông, đâu là phần chính xác trong những nhận xét này?

- Khá nhiều. Đó là những câu chuyện về sự đúng giờ trong công việc, về thói quen uống bia buổi trưa, về sự chuyên nghiệp trong đào tạo kỹ năng cho cầu thủ, hoặc rộng hơn là trong điều hành một nền bóng đá... Nói thẳng thắn, tôi tin đa số độc giả đều hiểu rằng ông Miura có lý khi nói vậy. Và trước hay sau, chúng ta cũng phải biết xóa bỏ những nhược điểm ấy, không chỉ trong bóng đá mà cả với hàng loạt lĩnh vực xã hội khác.

Ngược lại, có những nhận xét mà nghe qua chúng ta tưởng rằng nói về sự "đáng yêu" của xã hội Việt Nam, nhưng lại là một lời góp ý rất trực diện. Tôi muốn nói tới câu chuyện xe ô tô của ông Miura. (5 lần phạm luật giao thông, nhưng đều được cảnh sát "xí xóa" khi lái xe nói rằng đây là HLV trưởng của Đội tuyển Quốc gia - PV).

Không hay ho gì đâu khi nói tới cách xử lý theo kiểu "tình cảm" như vậy. Những quốc gia phát triển đều đề cao tối đa luật pháp, bởi đó là nền móng căn bản để vận hành xã hội. Ở vào địa vị ông Miura, nhiều người Việt Nam sẽ thấy thỏa mãn bởi sự nổi tiếng và ưu ái dành cho mình. Còn người nước ngoài thì ngược lại, họ cảm thấy không bình thường trong một xã hội mà nền pháp trị chưa cao.


Nhận xét của  HLV Miura (giữa) về người Việt nên được lắng nghe với sự bình tĩnh và cầu thị

* Ngược lại, cũng có những ý kiến của ông Miura được cho là chưa chính xác vì không xét tới bối cảnh của Việt Nam. Chẳng hạn như chuyện bóng đá Việt Nam chưa nhiệt tình với mục tiêu dự World Cup, trong khi nhiều HLV trong nước nói rằng mọi thứ phải có lộ trình, và chúng ta trước hết phải khẳng định mình ở các giải đấu khu vực...

- Đây là một sự khác biệt rất thú vị, bắt nguồn từ những phương pháp luận và cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Nói thẳng thì không chỉ trong bóng đá mà ở hàng loạt lĩnh vực khác, Việt Nam và Nhật Bản cũng có sự khác nhau như vậy. Người Việt Nam luôn muốn tiếp cận mọi thứ một cách từ từ từng bước một, theo kiểu chậm mà chắc. Còn người Nhật quan niệm rằng họ dám chấp nhận thất bại để vươn tới những ước mơ xa.

* Theo như ông biết, trong khảo cứu của các sử gia Phương Tây trước đây, tính xấu của người Việt được nhắc tới như thế nào và có độ chính xác tới mức nào?

- Đây là một câu chuyện rất phức tạp, bởi khá khó để phân biệt tính xấu đặc thù của người Việt theo nghĩa khác hẳn với tính xấu của các dân tộc khác. Hơn nữa, chúng ta còn phải xét tới "tính xấu" ấy trong sự gắn liền với một xã hội nông nghiệp lạc hậu, dưới ghi chép của nhà nghiên cứu đến từ một quốc gia phát triển hơn.

Tôi nhớ có câu chuyện của một học giả Phương Tây cách đây vài thế kỷ. Ông tới Việt Nam, được căn dặn rằng đừng hở ra "món gì" hay, bởi người bản xứ có tính rất thích xin xỏ và luôn thử xin những gì mình thích. Ông quan sát thì thấy đúng - cho tới khi tình cờ gặp một ngư dân nghèo vừa đánh xong mẻ cá để chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Thử "thí nghiệm" theo chiều ngược lại, học giả cất lời xin vài con cá tươi, và được người ngư dân nghèo hồn nhiên tặng luôn. Để rồi, học giả ấy viết đại ý rằng dân tộc này cũng có nhiều tính cách mà mình chưa hiểu hết, chẳng hạn chuyện "hay xin" ấy lại xuất phát từ mối quan hệ cộng đồng mà chỉ ở vào hoàn cảnh cụ thể mới bộc lộ hết những mặt tốt của mình.

Tôi nói như vậy không phải để biện minh. Ông Miura mới tới Việt Nam được nửa năm và có những ý kiến thẳng thắn, vậy chúng ta phải học cách vượt qua mặc cảm của một xã hội chưa phát triển bằng Nhật Bản để lắng nghe đã. Có sự bình tĩnh để lắng nghe, thì chúng ta sẽ dần học được sự bình tĩnh để cân nhắc để tiếp thu có chọn lọc, dựa trên quan điểm độc lập của mình.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện thẳng thắn!

Cúc Đường (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm