Sao Mai 2011- khu vực phía Bắc: Đều màu nhưng chưa đậm sắc

16/07/2011 15:30 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Online) - Đêm sơ loại thứ 3 của Sao Mai 2011 khu vực phía Bắc đã diễn ra tối qua (15/7) tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. 15 gương mặt đã cố gắng thể hiện hết mình trên sân khấu, nhưng cuộc thi vẫn chưa có sự đột phá, thiếu bùng nổ và ít cá tính.


Thí sinh Nguyễn Tiến Hưng

* Đêm của "nhạc đỏ"

Có thể gọi đêm sơ loại này là đêm của “nhạc đỏ” khi dòng nhạc truyền thống chiếm ưu thế. Dường như các ca khúc cách mạng luôn là thử thách nhưng đồng thời  là mảnh đất màu mỡ để các thí sinh khoe giọng và thể hiện kỹ thuật của mình. Chính vì thế mà Phạm Đăng Định, Nguyễn Thanh Hòa hay thí sinh chỉ mới 19 tuổi Nguyễn Tiến Hưng không hẹn mà đều chọn  các ca khúc cách mạng cho hai phần trình diễn của mình. Ngoài ra, thí sinh đến từ Hải Phòng Nguyễn Huyền Hương hay cô gái quê Tuyên Quang Vũ Thị Ngân cũng không ngần ngại chọn những ca khúc “khó” như Người là niềm tin tất thắng hay Cô dân quân làng Đỏ ngay trong lần đầu tiên đứng trên sân khấu chính thức của Sao Mai năm nay.

Có vẻ như theo quan niệm của các thí sinh, “nhạc đỏ” vẫn là dòng nhạc an toàn và có khả năng ghi điểm cao, còn với khán giả tất nhiên họ luôn dành tình cảm yêu mến cho những khúc ca đi cùng năm tháng này và vì thế mỗi khi tiếng nhạc vang lên là đã nhận được những tràng pháo tay hưởng ứng và tiếng ngân nga của rất nhiều khán giả ngồi dưới.

* Không đột phá, thiếu bùng nổ, ít cá tính

Sân khấu của vòng sơ loại Sao Mai 2011 khu vực phía Bắc năm nay khá trầm lắng và bình lặng, khi các thí sinh tỏ ra e dè và cầu toàn.

Hoàng Lệ Quyên với ca khúc Chợ quê nhưng trang phục lại “thành thị” đến độ khó coi và lối hát gằn “già dặn” khiến cô ca sĩ từng giành giải Nhất Tiếng hát mùa Thu 2010 không thể thổi hồn “quê” vào từng câu từ, giai điệu… Hơn nữa, có lẽ Hoàng Lệ Quyên đã bị ảnh hưởng khá nhiều lối trình diễn của các đàn chị đi trước nên tiết mục của cô khá gượng. Hoàng Thị Tốt, thí sinh đến từ Lạng Sơn có giọng ca đẹp nhưng trình diễn lại lúng túng, thiếu tiết chế nên hiệu ứng của tiết mục giảm nhiều. Trịnh Tuấn Quỳnh sau ca khúc Phố chiều “khuấy động” sân khấu lại khá “an toàn” trong ca khúc Hà Nội của tôi ơi… Các thí sinh khác, nhìn chung cũng chưa thể hiện tính đa dạng, khả năng biến hóa về chất giọng cũng như cách xử lí bài hát khi hầu hết các trường hợp hai ca khúc lựa chọn đều cùng hoặc không có sự khác biệt rõ rệt về phong cách.

* Và nốt nhạc vui

Trong một dàn đồng ca đều nhưng hơi nhạt, đêm sơ loại thứ 3 vẫn có những điểm nhấn khó quên. Đó là Nguyễn Khánh Ly đầy chiều sâu, giàu xúc cảm và khả năng biểu cảm khá tốt trong ca khúc Miền xa thẳm của nhạc sĩ Đức Trịnh. Ly được đánh giá là có chất giọng nữ cao và lối trình diễn khá chuyên nghiệp khi thể hiện một bài hát  gắn liền với tên tuổi của nhiều ca sĩ đã thành danh. Bên cạnh Khánh Ly, thí sinh nam Nguyễn Tiến với cách xử lý bài hát tự nhiên, tình cảm; Nguyễn Huyền Hương với giọng ca cao vút, tinh tế và nồng nàn trong ca khúc “là lạ” Tháng Giêng mùa xuân còn sót lại.

  

Thí sinh Nguyễn Khánh Ly (Bắc Giang) tự tin thể hiện bài hát “Miền xa thẳm” của Nhạc sĩ Đức Trịnh



Cô gái dân tộc Sán Chỉ Hoàng Thị Tốt với chất quê thể hiện bài hát Vỗ sóng lam chiều của nhạc sĩ Trần Hoàn



Thí sinh Hoàng Lệ Quyên



Thí sinh Nguyễn Thanh Hòa

Bài: Thùy Dung - Ảnh: An Thành Đạt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm