Park Ji-sung tỏa sáng cùng M.U: Không ai sinh ra đã là ngôi sao!

25/03/2010 12:15 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Ở nước Anh, chẳng ai nhận ra chàng trai 29 tuổi ấy trên đường phố. Bức hình duy nhất của anh chỉ được treo tại nhà hàng Deansgate của Hàn Quốc. Đã từ lâu, người ta xem anh như một tấm gương lớn về nghị lực và sự vươn lên của người châu Á. Nhưng bây giờ, có lẽ tất cả đã phải gọi anh là một biểu tượng từ Viễn Đông xa xôi, một biểu tượng sống của tài năng và nỗ lực, một ngôi sao hiếm có đã tỏa sáng ở một nơi tưởng chừng không bao giờ có chỗ cho anh. Chắc chắn rồi, anh là Ji-Sung Park.

Ngày 12-6-2002, khi Park tung cú demi-vôlê vào lưới Bồ Đào Nha ở vòng bảng World Cup, cả thế giới đã biết đến tên anh. Một sự bắt đầu cực kỳ quan trọng, như anh thừa nhận là “khoảnh khắc lớn nhất trong cuộc đời”, được ăn mừng bàn thắng trong không khí điên cuồng của các CĐV quê nhà, và cả nụ cười của Thủ tướng Hàn Quốc dự khán. Điểm khởi đầu ấy đã đưa anh tới châu Âu cùng Hiddink, để rồi cuộc phiêu lưu bắt đầu.


Park Ji Sung luôn chơi rất "nhiệt" mỗi khi xung trận
Như những người châu Á trọng tình nghĩa, tới tận bây giờ, Park vẫn “cảm thấy có lỗi” khi đồng ý khoác áo Man Utd, thay vì Chelsea như lời khuyên của Hiddink. Năm 2005, việc chàng trai châu Á 24 tuổi rời bỏ PSV để tới Old Trafford là một canh bạc lớn. Lúc ấy, có bao nhiêu người nghĩ anh sẽ thành công? Có bao nhiều nghĩ anh sẽ có 3 chức vô địch Premier League, 1 danh hiệu Champions League, 1 chiến thắng ở FIFA Club World Cup, và hàng tá những màn trình diễn ấn tượng tại châu Âu? Alex Ferguson đã có công tạo nên một Park Ji-Sung siêu việt. Nhưng với Park, cũng như với hàng triệu người Hàn Quốc khác, nếu không có Hiddink, bóng đá châu Âu sẽ chẳng thể chứng kiến một ngôi sao tấn công như hiện tại. Anh cảm thấy có lỗi vì điều đó.

Giản dị, nhiệt thành, nhưng luôn rực lửa trên sân bóng, đó là Park Ji-Sung. Đã quá đủ để nói rằng, anh là một bài học lớn cho những chàng trai châu Á. Giờ đây, không ai qua nổi Park! Trước anh, huyền thoại Cha Bum Kun, người đã từng chơi cho Frankfurt và Leverkusen là niềm tự hào châu Á. Nhưng những người như Cha đã không thể đạt đến thành công ngoài sức tưởng tượng như Park. Sau này, những Nakata, Nakamura, Seol Ki-Hyeon, Kim Do-Heon hay Ahn Jung-Hwan cũng chưa bao giờ đạt tới đỉnh cao như anh.

Sát thủ của những trận cầu lớn

Ở châu Á, các fan hâm mộ vẫn thích miêu tả Park như một người luôn đeo bình ôxi trên vai trong mỗi trận đấu. Còn ở Anh, tiền vệ thấp bé này được gọi với cái tên “Three-Lung Park” – Người 3 phổi. Điểm mạnh của anh là thể lực. Nhưng điều đặc biệt nhất của Park lại là bản lĩnh ở những trận đấu lớn – điều thường không dễ dàng đối với các cầu thủ châu Á.

Bàn thắng quyết định của Park vào lưới Liverpool cuối tuần qua là một minh chứng. Mùa trước, anh mở tỷ số trong trận bán kết lượt về Champions League trước Arsenal, cùng 1 pha lập công tại Stamford Bridge. Mùa này, ngôi sao Hàn Quốc lại ghi bàn ở Emirates hồi tháng Một, và sau đó là một bàn vào lưới Milan tại Old Trafford. Không phải ngẫu nhiên mà một người như Sir Alex đã phải xin lỗi khi không đưa Park vào danh sách thi đấu trận chung kết ở Moskva năm 2008. Ông hiểu rằng, khi Park ở trên sân, Quỷ đỏ không bao giờ thiếu sức chiến đấu. Và khi anh đã ghi bàn, thì M.U ít nhất sẽ không thua.

Giờ đây, Park đã là một biểu tượng. Nhưng hơn ai hết, anh luôn hiểu điều gì đã tạo ra một Park Ji-Sung như hôm nay. Anh, một chàng trai xuất thân nghèo khó, một cậu bé đã từng bị cha cấm đá bóng vì... thiếu sức khỏe, một cầu thủ đã từng bị từ chối ở các CLB hạng bét vì quá nhỏ con, đã trưởng thành như thế. Không ai sinh ra đã là ngôi sao cả, Park đã hiểu điều đó từ năm 11 tuổi, khi anh lần đầu tiên nói lên ước muốn nghiêm túc nhất trong cuộc đời mình: Được chơi bóng như Cha Bum Kun...
 
Yến Thanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm