Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam: 'Thiếu thông tin sẽ xác định sai chỉ tiêu'

17/10/2014 15:12 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Khép lại ASIAD 17 với chỉ duy nhất tấm HCV wushu của võ sỹ Dương Thuý Vi, đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) đã không hoàn thành chỉ tiêu có từ 2 -3 HCV như đã đề ra. Một trong những nguyên nhân được nguyên Vụ trưởng vụ Thể thao thành tích cao 1, Tổng cục TDTT, nguyên Trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng Minh chỉ ra là do công tác thông tin về các đối thủ chúng ta làm chưa tốt.

*Ông đánh giá thế nào về vai trò của công tác thông tin trong thi đấu thể thao đỉnh cao hiện nay?

-Trước hết phải khẳng định, với thể thao thành tích cao việc thông tin đầy đủ về tính chất các cuộc thi đấu hết sức quan trọng. Tính chất của cuộc thi bao gồm phạm vi, mức độ khốc liệt, vai trò ảnh hưởng của cuộc thi đó với thể thao thế giới nói chung. Thứ hai là trình độ của các đối thủ, bao gồm lực lượng tham gia là lực lượng nào, trình độ ra sao, những đối thủ chính trình độ của họ như thế nào? Thứ ba là lực lượng trọng tài và cơ quan quản lý điều hành.

Nếu lực lượng quản lý điều hành mà mình không nắm được hoặc không có người tham gia lực lượng này chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích thi đấu của các VĐV.

*Phải chăng TTVN hiện không có đội ngũ nhân sự chuyên biệt làm công tác thông tin vào không góp mặt trong nhiều Liên đoàn, Hiệp hội của khu vực và thế giới?

-Tôi lấy một ví dụ, Malaysia vừa rồi lấy 2 HCV ASIAD ở môn karatedo, họ có người đứng đầu Hội đồng trọng tài châu Á. Khi VĐV Bùi Thị Ngọc Hân thi đấu ngang ngửa với VĐV Malaysia, trong luật môn karatedo có quy định trọng tài được quyền quyết định người thắng cuộc, lực lượng trọng tài khi đó đã hội ý và quyết định loại VĐV Việt Nam, nếu còn ở lại, Ngọc Hân thậm chí còn có thể giành HCB.

Lâu nay, chúng ta hầu như không có người tham gia lực lượng trọng tài và quản lý ở các môn thi đấu và TTVN cũng không mấy quan tâm đến vấn đề này. Luật lệ thì người ta phổ biến rộng rãi nhưng trong quá trình thi đấu người ta sử dụng luật như thế nào mình phải nắm được. Như môn boxing tiến hành chấm điểm bằng bảng điện tử, mình cũng phải biết cách tính điểm của 5 trọng tài trong quá trình thi đấu là như thế nào? Nếu như anh không nắm được có thể anh sẽ gặp bất lợi trong quá trình thi đấu.

*Vậy công tác thông tin TDTT ở Việt Nam hiện nay là do bộ phận nào đảm trách và hoạt động hiệu quả là do kinh phí hay còn nguyên nhân nào khác?

-Tôi thấy đáng tiếc là hiện nay công tác thông tin thể thao phụ thuộc hoàn toàn vào các HLV hay Trưởng bộ môn, còn về tổng thể, Thể thao thành tích cao Việt Nam chưa có chủ trương, chính sách lớn để giải quyết vấn đề này. Chúng ta phải đào tạo và đưa người tham gia vào các tổ chức quản lý điều hành.

 Đồng thời, TTVN phải chi một khoản kinh phí để cử những người có năng lực đi đào tạo, tham gia các Hội nghị quốc tế của lãnh đạo các liên đoàn, trọng tài... Xưa nay mình chỉ cử đoàn đi thi đấu còn các lớp bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ quản lý hay trọng tài thì không có.

Tại Olympic London 2012, TTVN có 2 người được cử tham gia đội ngũ trọng tài môn TDDC còn ở ASIAD mới đây, môn taekwondo, anh Vũ Xuân Thành cũng tham gia giám sát trọng tài, đây là điều rất vinh dự cho TTVN. Quan trọng nhất, nếu mình có người trong hội đồng điều hành sẽ giúp rất nhiều cho các VĐV khi thi đấu và khi chấm điểm, các trọng tài sẽ kiêng nể và khách quan hơn. Đó là vai trò của việc nắm vững đối thủ và công tác thông tin.

Công tác thông tin phải có hệ thống và có sự rõ ràng nhưng hiện nay TTVN chưa có bộ phận riêng biệt và rõ ràng để xử lý mà phụ thuộc hoàn toàn vào các HLV và Trưởng bộ môn trong quá trình thi đấu.

*Sự yếu kém trong công tác thông tin sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kết quả thi đấu của các VĐV cũng như chỉ tiêu huy chương được đặt ra?

-Đương nhiên, việc dự báo, tìm hiểu thông tin về các đối thủ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi đấu của các VĐV. Như tại ASIAD 17, ở môn karatedo chúng ta có VĐV Nguyễn Hoàng Ngân được kỳ vọng giành HCV vì có bề dày thành tích, kinh nghiệm. Nhưng lãnh đạo đoàn TTVN chưa đánh giá đúng đối thủ.

VĐV Nhật Bản còn trẻ (21 tuổi), chưa có kinh nghiệm thi đấu nhiều trên đấu trường thế giới như Hoàng Ngân nhưng một số nhà chuyên môn có kinh nghiệm đánh giá cô này không bằng Hoàng Ngân. Khi ấy, tôi có trao đổi với anh Vũ Xuân Hà và Phạm Quốc Trọng là những người thầy của Nguyễn Hoàng Ngân các anh ấy nhận định cơ hội giành HCV của Hoàng Ngân chỉ là 50/50 thôi.

Chính vì đánh giá không đúng khả năng, sức mạnh của đối thủ mà ở chung kết, bài thi của Hoàng Ngân được chuẩn bị không thực sự khó, chưa phù hợp và trở thành đối trọng thật sự với bài thi của VĐV người Nhật Bản Shimizu Kiyou.

Thạch Kim Tuấn thì mình thua tâm phục, khẩu phục nhưng anh VĐV Triều Tiên (Om Yun Chol - PV) rất mạnh cử đẩy, không khoẻ cử giật. HLV Huỳnh Hữu Chí chuẩn bị để Kim Tuấn thắng từ 6-8kg cử giật nhưng cuối cùng trong quá trình thi đấu VĐV sai sót ở lần cử giật thứ nhất nên không thành công để đẩy tốt lên những lần sau... Như vậy, ở môn cử tạ Trưởng bộ môn Đỗ Đình Kháng và HLV Huỳnh Hữu Chí đã đánh giá chính xác đối thủ

Rõ ràng vấn đề nắm thông tin để xác định chỉ tiêu chúng ta làm chưa khách quan và chuẩn xác, không nên áp đặt. Cách đặt chỉ tiêu của TTVN là 6 môn phải lấy HCV ASIAD 17 là rất khó như bơi lội, TDDC, taekwondo. Thế nhưng, bắn súng và cử tạ là chúng ta có khả năng giành HCV.

Chúng ta đặt vấn đề như vậy là chưa chính xác và chỉ tiêu giành 2-3 HCV là không chuẩn. Nếu ai hiểu vấn đề thì thấy Hà Thanh không thể lấy HCV TDDC vì bài thi độ khó còn kém nhiều người. Tại ASIAD, các VĐV Trung Quốc để đội 1 tập trung chuẩn bị cho giải VĐTG, không dự ASIAD nếu không thì Hà Thanh còn khó khăn trong việc giành huy chương.

Cuối cùng tôi xin nhấn mạnh, khi  chúng ta xây dựng chỉ tiêu huy chương cho bất kỳ đại hội thể thao lớn nhỏ nào thì cũng phải khách quan và nắm vững được thông tin về các đối thủ.

*Xin cảm ơn ông!

“Không biết đối thủ, sao thi đấu tốt được”?!

Liên quan đến công tác thông tin trong TDTT, một cán bộ lâu năm trong ngành xin được giấu tên nêu ý kiến: "Ở các nước, người ta đều có chiến lược phát triển của từng môn thể thao trọng điểm, trong đó có việc cập nhật thông tin thường xuyên, từ đó có phương án dự phòng…

Còn mình không có kế hoạch tổng thể mà từng bộ môn trực tiếp làm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích thi đấu vì không biết đối phương thì mình làm sao thi đấu tốt được.

Tìm hiểu thông tin về đối thủ là việc tất yếu. Tại ASIAD 17, chúng ta cứ tin Ánh Viên giành HCV bơi lội ở nội dung tủ, Hà Thanh giành HCV TDDC nhưng kỳ thực, ăn thua gì so với người ta".



Thành Đạt (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm