NSƯT Bảo Quốc: Như chúng tôi, cầu thủ rất cần khán giả!

23/10/2010 19:04 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH Cuối tuần) - Các đội bóng luôn mạnh trên sân nhà vì ở đó họ thường thi đấu với 12 cầu thủ, đôi khi cầu thủ thứ 12 đó - các cổ động viên (CĐV) - lại đóng vai trò quyết định cho chiến thắng khi là niềm phấn khích của đội nhà và nguyên nhân ức chế của đối phương. CĐV luôn là phần không thể thiếu của bóng đá, đó là niềm cảm hứng và đôi khi là cả rắc rối nữa. Và giải Hội CĐV xuất sắc nhất V-League 2010 là một rắc rối ngoài dự tính.

NSƯT Bảo Quốc đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình với Cà phê bóng đá về các hội CĐV và phong cách cổ vũ của người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

* Là người theo dõi khá sát sao bóng đá Việt Nam, ông ấn tượng với CĐV của đội bóng nào nhất?

- Tôi ấn tượng nhất với các CĐV của Bình Dương. Họ có một phong cách cổ vũ rất hay. Với đội nhà thì rất nhiệt tình, luôn tạo ra không khí sôi động trên khán đài để tiếp sức cho các cầu thủ. Nhưng với đội bạn họ vẫn rất vô tư, không có hành động châm chọc, khiêu khích đối phương. Như CĐV của nhiều đội bóng khi thấy cầu thủ đội bạn bị té, bị nằm sân thì thường thổi kèn, đàn những bản kiểu… đưa tiễn linh hồn như Hồn tử sĩ (các CĐV mình khi đi cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam cũng thường xài chiêu này lắm nè). Đó có thể chỉ là để đùa vui một chút, đem lại những tràng cười lớn trên khán đài nhưng với con mắt khách quan ở ngoài nhìn vô thì có vẻ không hay cho lắm. Nhưng CĐV của Bình Dương thì không như vậy, vẫn tôn trọng cầu thủ đội bạn, khi đội bạn thay người họ vẫn vỗ tay chúc mừng cầu thủ đó đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trên sân. Đó là một nét văn hóa cổ vũ rất đẹp, nên phổ biến.

* Còn với các sân bóng, ở đâu có không khí sôi động nhất?

- Tôi thấy dẫn đầu phải là sân của Hải Phòng, rồi Đồng Tháp, Bình Dương, cả sân của Đà Nẵng nữa, có điều về sau thì khán giả của Đà Nẵng có phần giảm, còn các sân khác vẫn duy trì lực lượng CĐV rất đông đảo và một không khí cổ vũ rất sôi động. Đã là nghệ thuật thì luôn cần khán giả. Ở nghệ thuật sân khấu khi khán giả đông thì người nghệ sĩ diễn hay hơn. Với nghệ thuật sân cỏ thì CĐV đến sân đông dĩ nhiên cầu thủ đá hay hơn. Khán giả trên sân giúp đội bóng nhiều lắm, là một nguồn khích lệ tinh thần rất lớn. Như các đội bị phạt treo sân, phải đá trên sân trung lập không có khán giả rất là buồn, đội bóng cũng thiếu động lực để đá hết mình.

* Việc hội CĐV của HN.T&T, chỉ vừa mới thành lập vào đầu năm 2010, số lượng thành viên còn khiêm tốn, ngay trong lễ đăng quang mà cầu thủ cùng với người nhà còn nhiều hơn CĐV, được báo chí bầu chọn là Hội CĐV xuất sắc nhất V-League 2010 đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Ông suy nghĩ sao về vấn đề này?

- Tôi nghĩ bất cứ một việc gì mà không bình thường tất sẽ dẫn đến sự phản ứng. Mà giải dành cho hội CĐV vừa qua cho HN.T&T thì không chỉ các hội CĐV các đội khác phản ứng mà ngay cả các phóng viên báo chí (tức những người bình chọn) cũng có phản ứng. Phản ứng của số đông ít khi sai lắm, BTC nên xem xét lại và rút kinh nghiệm cho những lần sau.

* Theo ông, giải thưởng này có cần thiết hay không?

- Cần thiết, vì CĐV là phần không thể thiếu, là nét đẹp của bóng đá. Tuy nhiên đã có cơ cấu giải thì cần có tiêu chí rõ ràng: hội CĐV đó phải tổ chức ra sao, phong cách cổ vũ như thế nào, nhiệt tình với đội nhà nhưng vẫn phải vô tư, fairplay với đội bạn… Tôi nghĩ cần có bộ phận giám sát quan sát và báo cáo tình hình các hội CĐV trong từng trận đấu rồi đánh giá trên những quan sát đó chứ chỉ bình chọn thôi thì không được sâu sát lắm. Tôi đã có dịp tham gia ngày mừng công của Bình Dương khi họ đoạt chức vô địch 2008 thì thấy CĐV của họ đông không tưởng tượng được, lại rất có “trình độ” về cổ vũ, họ chuẩn bị từng cái áo, băng-rôn, treo cờ, kèn trống, khẩu hiệu… rất kỹ, mọi sự chuẩn bị giao lưu, chia vui với các cầu thủ đều được hội CĐV tổ chức chu đáo, kỹ lưỡng, đó đúng là không khí của lễ đăng quang, của một ngày hội.

* Cám ơn những chia sẻ của ông!

CÀ PHÊ BÓNG ĐÁ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm