Nhớ Phan Bảo

27/10/2023 14:02 GMT+7 | Văn hoá

(LTS) Họa sĩ Phan Bảo đã qua đời vào hồi 8 giờ 30 phút, ngày 25/10/2023, hưởng thọ 75 tuổi. Vị họa sĩ xứ Thanh này nổi tiếng với bức Lão Tạ được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông đã vinh dự được tặng giải thưởng Mỹ thuật Toàn quốc năm 1980, 1985, 1990. Trước sự ra đi của ông, họa sĩ - nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã có bài viết dành cho Thể thao và Văn hóa.

Hoành mi lãnh đối thiên phu chỉ

Đốn thủ cam vi nhụ tử ngưu

(Trừng mắt coi khinh ngàn lực sỹ

Cúi đầu làm ngựa chú nhi đồng)

                                       (Lỗ Tấn)

Từ xưa người ta vẫn nói Thanh Hóa không chỉ là một tỉnh, mà đúng hơn là một xứ. Thanh Hóa có rừng có biển, có đồng bằng trải rộng và có nhiều cộng đồng sắc tộc. Thanh Hóa cũng là nơi phát tích của nhiều thế hệ vua Lê dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, cũng là quê hương của các chúa Trịnh, Nguyễn làm vương bá trong suốt 300 năm, từ thế kỷ 16. Mảnh đất người ta coi là phên dậu của quốc gia phong kiến cổ xưa, và mỗi khi có ngoại xâm thì triều đình lại lui về Thanh Hóa.

Nhớ Phan Bảo - Ảnh 1.

Họa sĩ Phan Bảo

Một miền địa linh nhân kiệt như vậy, thời nay đã sinh ra Phan Bảo, chỉ đóng vai một họa sỹ nhưng ông thực sự là nhà "Thanh Hóa học" đến mức cực đoan, ông coi tất cả văn vật Việt Nam đều xuất phát từ xứ Thanh.

Tôi được cùng ông du ngoạn khắp xứ Thanh, từ các miền sơn cước như Quan Hóa, Thạch Thành, Cẩm Thủy, đi vào Mường Trong với người Mường và người Thái, lại xuống biển Hoa Lộc, Hậu Lộc, Tĩnh Gia ở với ngư dân, đi thăm các lăng mộ vua Lê ở Lam Kinh, đến thành Nhà Hồ hùng vĩ và những hang động tu tiên của đạo sỹ xưa… đi đâu ông cũng mang theo cuốn Thanh Hóa Quan phong bằng chữ Hán, một cuốn sách cổ về phong vật, con người Thanh Hóa, đối chiếu nó với thực tế còn lại. Chỗ nào Phan Bảo tiên sinh cũng biết tường tận và tỉ mỉ. Ông hoàn toàn tự học tiếng Pháp và tiếng Hán, ở mức đọc viết được, và cả lối vẽ thủy mặc sau này, nhưng hầu như không đưa ra ngoài.

Nhớ Phan Bảo - Ảnh 2.

Phan Bảo được biết đến từ bức tranh sơn dầu Lão Tạ, được giải thưởng trong Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, 1980, từ đó ông hầu như không tham dự triển lãm nữa, mà tập trung nghiên cứu và vẽ cho mình, đặc biệt các đề tài lịch sử. Ông có bức tranh Hội thề Lũng Nhai với các nghĩa quân Lam Sơn đứng đầu là Lê Lợi. Phan Bảo thích lối vẽ đông người phức tạp, từ những câu chuyện lịch sử, với ông hội họa và lịch sử gắn bó với nhau. Mặc dù nghèo, nhưng ông rất sợ tranh bị thị trường hóa, kết quả là một trí thức có tầm cỡ, nhưng chẳng có địa vị, tiền bạc gì, ngoài sự hiểu biết sâu sắc đất nước mình.

Nhớ Phan Bảo - Ảnh 3.

Hoạ sĩ Phan Bảo (phải) với hoạ sĩ Nguyễn Quân

Những năm 2010, tôi biên soạn hai cuốn sách Văn minh vật chất của người Việt và Tập tục đời người, ông là người viết nhận xét, phản biện, một cách chi tiết và thú vị, cho thấy cái kiến thức thực tế và sở học hơn người của ông. Phần phản biện của ông đã trở thành một chương lớn trong công trình của tôi mà tôi giữ nguyên.

Sinh năm 1949, từng làm thầy giáo ở Hải Phòng, rồi rút lui về Thành phố Thanh Hóa, đi lại nghiên cứu quê hương mình. Những năm 2020, ở tuổi 70, ông bắt đầu lâm bệnh, nhưng tự lực tập tành dưỡng sinh và tỉnh táo cho đến lúc cuối, năm nay 2023, tự nhiên đã bẻ gẫy một đạo nhân như vậy, hay nói cách khác toại nguyện cho ông về trời, dù tham vọng viết và vẽ còn nhiều.

Nhớ Phan Bảo - Ảnh 4.

Hoạ sĩ Phan Bảo (phải) với hoạ sĩ - nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng (tác giả bài viết)

Ông để lại một di cảo tranh và nghiên cứu đồ sộ, nhưng hầu hết chưa công bố. Nhưng những gì ông tham gia trong cuộc đời nghiên cứu Thanh Hóa của mình, như Lam Sơn thực lục, Văn bia Thanh Hóa cũng là rất đáng nể, và đáng nể hơn nữa, nếu giở những cuốn sách đó ra, ông dường như chẳng có tên tuổi và đóng vai trò gì. Cái gì là thực chất của một con người có lẽ chỉ có trời đất biết, Phan Bảo là một người như vậy.

Nhớ Phan Bảo - Ảnh 6.

Bức tranh "Khởi nghĩa Ba Đình" của hoạ sĩ Phan Bảo vẽ năm 1986 nhân kỷ niệm 100 năm sự kiện lịch sử này

Nhớ Phan Bảo - Ảnh 7.

Tranh của họa sĩ Phan Bảo

Nhớ Phan Bảo - Ảnh 8.

Nhớ Phan Bảo - Ảnh 9.

Vài nét về họa sĩ Phan Bảo

Hoạ Phan Bảo tức Phan Thế Bảo là Hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội viên Hội Sử học Việt Nam. Ông sinh năm 1949, nguyên quán xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá, trú quán 328 Lê Hoàn phường Ba Đình, TP Thanh Hoá. Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh, ông làm giảng viên Trường Sư phạm Hải Phòng, rồi là hoạ sĩ Nhà xuất bản Thanh Hoá…

Trong lĩnh vực hội hoạ, họa Phan Bảo đã tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật. Đặc biệt, bức tranh Lão Tạ của ông được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông đã vinh dự được tặng giải thưởng Mỹ thuật Toàn quốc năm 1980, 1985, 1990.

Họa Phan Bảo đã tổ chức thành công triển lãm cá nhân tại Hội Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Quân đội vào năm 1997, năm 2000.

Ngoài sáng tác tranh, ông là chuyên gia nghiên cứu và phê bình mỹ thuật với nhiều bài báo và tham luận sâu sắc.

Không chỉ là một họa sĩ tài hoa, ông còn am hiểu nhiều lĩnh vực như văn hóa dân gian, nghiên cứu lịch sử, Hán Nôm và là nhà thư pháp danh tiếng.

Ngôi nhà của ông - 328 Lê Hoàn, TP Thanh Hóa - là điểm hẹn yêu thích của trí thức, văn nghệ sĩ cả nước. Trong tâm tưởng, bạn bè, đồng nghiệp luôn nhớ đến hình ảnh một Phan Bảo dáng dấp cao to, gương mặt vuông vức, ria mép dày cứng, bạc trắng như thép đúc, trông ông như một võ tướng bước ra từ cổ sử. Giọng nói, tiếng cười của ông rổn rảng, hào sảng mà ấm áp, thân tình, cùng với tướng mạo phi phàm là phong thái của một văn nhân.

Với nhiều thế hệ học trò, họa sĩ Phan Bảo là người thầy lớn truyền cảm hứng lao động sáng tạo, lan tỏa tình yêu đối với nghệ thuật. Nhiều người chịu ảnh hưởng sâu sắc từ ông về kiến thức, tư duy khoa học và nhân cách sống.

T.H

Phan Cẩm Thượng

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm