Phan Cẩm Thượng - hơn 30 năm tìm về lối vẽ Việt

19/04/2022 06:48 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Phan Cẩm Thượng đang diễn ra tại The Muse Artspace (47 Tràng Tiền, Hà Nội), kéo dài đến hết 9/5. Vậy là hơn 20 năm rồi ông mới có triển lãm cá nhân mới, bày 20 tranh giấy dó khổ lớn, lấy cảm hứng từ tập tục và phục trang của người Việt vùng Bắc bộ hồi thế kỷ 17.

Triển lãm tranh đặc biệt của họa sĩ Phan Cẩm Thượng

Triển lãm tranh đặc biệt của họa sĩ Phan Cẩm Thượng

Triển lãm tranh Phan Cẩm Thượng sẽ trưng bày các tác phẩm mỹ thuật được họa sĩ thể hiện trên chất liệu giấy dó và hướng về văn hóa cổ.

1. Từ đầu thập niên 1990, khi đang là chuyên viên nghiên cứu của trường mỹ thuật, Phan Cẩm Thượng đã theo học hàm thụ về hình họa, rồi từ đó thêm xác tín Việt Nam có lối vẽ đã hơn 2.000 năm tuổi, sao không thử tìm về. Thế là từ khi rời khỏi biên chế năm 1992, ông dần tìm về lối vẽ Việt, thử qua hầu hết các kỹ thuật và vật liệu mang tính truyền thống.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Phan Cẩm Thượng

Khi người Pháp mang kỹ thuật tạo hình và quan niệm viễn/cận (xa/gần) đến Việt Nam, sau đó lập nên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1924, nhiều người cũng đã lấy đây làm cột mốc của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, vì chính 2 điều này làm nên các khác biệt căn bản của hội họa phương Đông và phương Tây. Phan Cẩm Thượng cũng giống tiền bối của mình là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm (1922 - 2016), dù nắm vững kỹ thuật và quan niệm phương Tây về hội họa, nhưng đã nhẩn nha nghiên cứu và tìm về lối vẽ Việt, nơi ít chú trọng luật xa/gần. Chính sự khước từ này đã giúp họ có lối đi riêng, thành tựu riêng.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Hài xanh” (màu tự nhiên trên giấy dó) của Phan Cẩm Thượng

Trong các vật liệu có tính truyền thống như khắc gỗ, giấy dó, lụa, sơn mài… thì Phan Cẩm Thượng vẽ giấy dó và lụa nhiều hơn cả. Điều này có thể do trước đây công việc phê bình và nghiên cứu của ông quá nhiều, giấy dó và lụa phù hợp hơn với người bận rộn chăng. Mà cũng có thể do ông thích thú với các bảng màu tự nhiên, mang tính truyền thống, nên thích lụa và giấy dó hơn, vì khá thuận tiện cho việc thể hiện màu. Tranh của ông có màu vàng hòe, đá son, đen, nâu, xanh chàm… thường thấy trong các bảng màu xưa ở đình chùa, lễ hội Việt. Ông cũng dùng chu sa (son), đằng hoàng (vàng hòe), thái thanh lam (xanh nước biển)… của Trung Quốc và bột màu pigment của phương Tây để tái tạo lại bảng màu Việt xưa.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Soi gương” (màu tự nhiên trên giấy dó) của Phan Cẩm Thượng

Cũng cần nói thêm, từ nhỏ Phan Cẩm Thượng đã học vẽ theo họa phổ đời Thanh là bộ Giới tử viên họa truyền, nên khá rành thủy mặc và thư họa theo lối Trung Quốc xưa. Nhưng hơn 30 năm nay, ông gần như khước từ cả hội họa theo lối Trung Quốc hoặc phương Tây, để vẽ theo lối Việt xưa. Có lẽ một trong những điểm làm nên sự khác biệt của lối vẽ Việt xưa, mà nói theo ngôn ngữ hiện đại, đó là tính đồng hiện. Vì ít chú trọng luật xa/gần, thậm chí khá dân chủ trong bố cục chính/phụ, nên tranh Việt xưa có tính xuyên không, tất cả đều được bày lên trên một mặt phẳng, đồng đẳng với nhau về chủ đề, triết lý, thông điệp.

2. Bộ tranh lần này được Phan Cẩm Thượng lấy cảm hứng từ chân dung các bà hoàng chùa Mật (tỉnh Thanh Hóa) và chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh), vốn định hình từ thế kỷ 17. Mới xem qua, thấy phảng phất hương sắc xưa, nhưng thực tế là một cấu trúc khá tự do, ngẫu hứng, vẽ theo ý niệm mới, chứ không bám vào tích cũ.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Nàng ấy” (màu tự nhiên trên giấy dó) của Phan Cẩm Thượng

Hình tượng váy áo, gương lược, đôi hài xanh và son phấn vừa có tính ước lệ, vừa trần tục, vừa thanh tao và xuyên không. Nghĩa là thế kỷ 17 hoặc 21 thì đây đó ta vẫn có thể nhìn thấy các hình ảnh, các ký hiệu và lối thẩm mỹ này, vì đó đã là bản sắc.

Còn nhìn vào hiệu quả thẩm mỹ, bộ tranh lần này thoải mái hơn ở nhiều khía cạnh, đặc biệt là cách đặt vấn đề. Chuyện các ông hoàng bà chúa tưởng là đời xưa, đã khá xa vời, nhưng thực tế vẫn khá gần gũi, mang dáng dấp thời đại. Cho nên, khán giả trẻ ngày nay vẫn có thể xem câu chuyện trong bộ tranh như chuyện của thời mình, không cần phải liên nối vào lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà từ khi bộ tranh này xuất hiện, đã có nhiều nhà sưu tập sở hữu. Và thực tế, về thị giác, ở nhiều khung cảnh ở Bắc bộ ngày nay vẫn phảng phất hình ảnh và hương vị trong bộ tranh của Phan Cẩm Thượng đó thôi.

“Có thể nói, phải sống đến mấy trăm năm nữa mới khai thác hết những vốn văn hóa dân tộc, cho nên không tội gì phí hoài. Con người thì xưa và nay về bản chất vẫn vậy, nhân duyên và số phận vẫn là những câu hỏi lớn. Còn xưa và nay khác nhau chỉ ở bề ngoài, về chính trị, khoa học và cấu trúc xã hội, còn bản chất nhân văn mà nghệ thuật đề cập mang tính bất biến” - đó là quan điểm nghệ thuật của Phan Cẩm Thượng.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm