Triển lãm tranh kí họa đặc biệt của Phan Cẩm Thượng

11/01/2012 11:33 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Từ chiều 12/1/2012 tới qua Tết Âm lịch Nhâm Thìn, Trung tâm nghệ thuật Việt tại 42 Yết Kiêu sẽ dành toàn bộ không gian của mình cho một triển lãm đặc biệt. Đó là các bức ký họa, minh họa cho cuốn sách Văn minh Vật chất của Người Việt (NXB Tri thức – 2011) do nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng trực tiếp khảo sát, vẽ tay trong suốt quá trình nghiên cứu tư liệu nhiều chục năm nay.


Tác phẩm của họa sĩ Phan Cẩm Thượng

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho biết, bắt đầu từ những năm 80, khi đi nghiên cứu tư liệu cho cuốn Mỹ thuật của người Việt (viết chung với Nguyễn Quân), ông đã dùng rất nhiều hình ký họa, minh họa vẽ tay bằng bút sắt, hoặc chì vẽ theo phương pháp đồ họa bằng gạch, chấm và nét do ông và các cộng sự thực hiện. Bởi vì lúc đó kỹ thuật in ấn cũng như chất lượng giấy chưa được như bây giờ. Nên việc dùng hình minh họa bằng ảnh khi in vào sách cho hiệu quả không cao bằng hình vẽ. Đến sau này, khi kỹ thuật in ảnh vào sách đã cho chất lượng tốt hơn thì những hình mỹ thuật minh họa vẫn được dùng song song với ảnh chụp trong các sách nghiên cứu mỹ thuật tiếp theo của ông. Bởi có những hiện vật mỹ thuật, nếu chỉ nhìn qua ảnh chụp, dù kỹ thuật chụp và ánh sáng cao đến mấy, người xem vẫn không “nắm” được hết sự cảm nhận về hiện vật đó bằng việc xem qua hình minh họa vẽ đen trắng.

Cuốn sách Văn minh Vật chất của Người Việt dùng tới một số lượng tranh - ảnh minh họa khổng lồ là 1500 hình. Trong đó nguyên tranh vẽ các loại là khoảng 500 hình. Trong số đó, trên 200 hình vẽ các đồ vật có tính “văn minh Việt” suốt từ thời nguyên thủy đến nay vẫn còn là do bàn tay họa sĩ của Phan Cẩm Thượng trực tiếp thực hiện. Ông họa lại tất cả những hình đó từ việc quan sát các hiện vật nằm tại nhiều bảo tàng dân tộc trong và ngoài nước, trong các thôn làng xa xôi trong các chuyến điền dã hoặc du ngoạn khắp đất nước. Ngoài tính chất là những hình minh họa phục vụ cho sách. Họa sĩ còn vẽ chúng với những khái cảm đa chiều của một người sống ở thời hiện đại khi đối diện với những di vật còn lại của cha ông mà hình dung đoán định ra người xưa đã sống oanh liệt hay đau khổ hoặc dung dị như thế nào: Tiền bất kiến cổ nhân/ Hậu bất kiến lai giả/ Niệm thiên địa chi du du/ Độc sảng nhiên nhi thế hạ (Bài thơ Đăng U Châu đài ca của Trần Tử Ngang, tạm dịch: Trước không gặp người xưa/ Sau chẳng thấy ai cả/ Ngẫm trời đất vô cùng/ Lệ riêng ta lã chã)

Người xem, khi đối diện với những bức hình minh họa trên thấy thêm một tầng ý nghĩa khác từ đó. Là một việc hay khi ngắm nhìn những nét vẽ đơn giản mà đầy cảm xúc, mà ngẫm ngợi về thời gian trong thời điểm chuyển giao sang một mùa xuân mới.


Vũ Lâm


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm