Nhạc sĩ Dương Thụ: Ôi bóng đá!

24/06/2012 18:33 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH Cuối tuần) - Vừa vào Cà phê bóng đá, nhạc sĩ Dương Thụ đã thốt một câu cảm thán không rõ là vui hay là buồn. Ông cho biết hầu như không bỏ sót một trận đấu nào của EURO vòng bảng.

* EURO đã qua vòng bảng, ý nghĩ đầu tiên của ông?

“Ôi bóng đá”.

Đội tôi yêu nhất là Hà Lan thì đá dở nhất.

Đội tôi hy vọng nhất là Nga thì làm tôi thất vọng nhất.

Đội tôi muốn bị loại nhất là Hy Lạp thì lại oanh liệt lọt vào vòng trong.

Những trận cầu tưởng là đỉnh cao như Đức-Bồ Đào Nha thì lại “buồn ngủ”.

Đội bóng tấn công hay nhất thế giới là Tây Ban Nha trong trận ra quân quan trọng nhất lại đá với đội hình chiến thuật không có tiền đạo để kiếm một kết quả hòa.

Cầu thủ tưởng đã hết thời như Sheva (Andriy Shevchenko) lại làm sửng sốt thế giới bóng đá với hai pha đánh đầu cắt mặt khủng khiếp trong một trận mang lại hai bàn thắng quí giá hơn vàng cho đội chủ nhà thấp thỏm…

Ôi bóng đá, bóng đá.

Đêm nào tôi cũng thức xem đủ cả hai trận, sút đúng 2 kg. Thế đấy. Bóng đá EURO khiến tôi mệt mỏi, hao mòn. Sau trận Nga thua Hy Lạp tôi bỗng dưng thấy chán… bóng đá.

* Có lẽ EURO có cái gì đó hao hao như  V-League, phải thế không ạ?

Bóng đá mà, cũng hơi giông giống đấy, lắm nghịch lý lắm. Nơi mà người ta yêu bóng đá nhất, cuồng nhiệt nhất như Hải Phòng thì đội bóng của họ lại đá èo uột nhất. Huấn luyện viên Lê Thụy Hải được coi là huấn luyện viên già dơ nhất, có bàn tay vàng trong việc vực dậy một đội bóng đang xuống dốc không phanh thì lại để đội bóng tuột dốc thảm hại nhất trong lịch sử V-League. Đội bóng được người ta kỳ vọng nhất trong giải đấu năm nay là CLB Hà Nội, đội được làm mới bởi bầu Kiên, một ông bầu giầu có và là một “Idol của bóng đá Việt Nam”, thì lại gây thất vọng nhất. Đội bóng khi bước vào giải đấu với tư thế ứng cử viên cho xuất xuống hạng là Thanh Hóa thì lại sống khỏe và đang tìm cách chen chân vào Top 5… Ôi bóng đá, cái trò chơi mà diện mạo giống như một cô nàng đỏng đảnh cẳng biết thế nào mà lần.


Đội tôi yêu nhất thì đá dở nhất. Ông Dương Thụ đã phải chia sẻ trái đắng với các cổ động viên Hà Lan - Ảnh Getty

* Dịch giả Dương Tường đã từng tuyên bối: “Đời tôi được tính bằng những World Coup” . Mê bóng đá như thế chắc chỉ có một. Còn ông?

Nghe nhà văn nói, bạn đừng hiểu theo nghĩa đen. Bạn có nghe các ông ấy xúc động trước người đẹp đã nói những lời có cánh như thế nào chưa? Ta có cảm tưởng các ông ấy sẽ chết nếu bị nàng bỏ rơi. Nhưng không đâu. Tôi đảm bảo chỉ hai tuần sau các ông ấy lại bia bọt khỏe re.

Bóng đá là môn thể thao duy nhất mà tôi có hiểu biết và từng chơi thời còn trẻ. Ngoài ra các môn khác thì mù tịt. Tôi sống vất vả, hầu như không còn thời gian cho giải trí. Nhưng nếu có cũng chẳng biết giải trí với cái gì. Đó là điểm khác biệt giữa tôi với các bạn đồng lứa. Vì lẽ đó tôi coi bóng đá là thú vui gần như duy nhất. Tôi yêu bóng đá sống, ngoài sân cỏ chứ không phải thứ bóng đá tivi. Ngay cả các giải trẻ khu vực tổ chức ở TP.HCM, tôi cũng cố gắng ra sân chứ không ngồi ôm tivi ở nhà. Dĩ nhiên khi không thể đến sân thì đành tivi vậy. World Cup, EURO hay AFF Cup chắc chắn là tivi thôi.  Cái nghịch lý bóng đá mà ta phát hiện ra, khiến ta phải kêu lên chắc là do yêu đấy, yêu nên mới để ý kỹ đến như thế, mới thấy nóng trong người như thế, phải không bạn? Nhưng yêu thôi, mê mẩn thì không đâu. Ở nước ta có hàng triệu người được liệt vào hạng tín đồ bóng đá. Trong danh sách ấy chắc bạn không tìm thấy tên tôi.

* Trở lại chuyện EURO, ở vòng bảng ông thích đội nào?Và tại sao ông lại thích?

Tôi thích hai đội: Đức và Nga. Đức đá chắc chắn, cân bằng giữa vẻ đẹp và tính hợp lý, thắng cả ba trận với chín điểm tuyệt đối và chiếm ngôi đầu trong một bảng được coi là bảng tử thần. Nga chỉ lóe sáng trong một trận, một trận thật quyến rũ nhưng rồi bị loại trong một bảng đấu được coi là dễ thở nhất. Tôi thích Đức vì tôi là một người sống cân bằng, coi trọng thực tế và hiệu quả công việc. Còn sao lại thích Nga, một đội chập cheng và thiếu hiệu quả như thế? Cái này kể ra cũng hơi kỳ kỳ. Con người mà. Tôi thú nhận một điều là càng sống càng thấy trong mình có lắm mâu thuẫn lắm. Vừa thích cái hoàn hảo, nhiều lúc lại vừa thích cái khiếm khuyết. Nga như một cô gái đẹp, ngây thơ nhưng thiếu bản lĩnh và dại dột, phạm những sai lầm không thể tha thứ được, ta tức tối, tức muốn điên lên, nhưng không thể ghét, không thể bỏ và chính cái dại dột này và những lầm lỗi này lại đánh vào tình thương của chúng ta, làm ta rung động, chẳng biết có phải thể không nhỉ.

* Thế còn cầu thủ, EURO lần này, ngoài những tên tuổi lừng lẫy, theo ông ai được coi là một phát hiện mới?

EURO lần này, ngoài những tên tuổi cũ thật khó nhìn ra một cái tên mới. Nhân tài mới như lá mùa thu, cực hiếm. Tuy vậy theo tôi vẫn có một cái tên, dù anh này đã phải xách vali về nước sớm do thất bại của đội nhà. Đó là (Alan) Dzagoev, một cầu thủ có hiệu suất ghi bàn đáng kinh ngạc: chơi ba trận, ghi được ba bàn thắng và một cú đánh đầu chệch cột trong gang tấc suýt nữa thành bàn. Dzagoev có một khuôn mặt trẻ thơ, hơi ngố ngố nhưng mà xinh trai, liều thuốc độc cho mọi hàng thủ. Trong vai trò hộ công, xuất quỉ nhập thần bởi khả năng chơi không bóng, chạy chỗ thật thông minh. Chơi đồng đội, ăn ý. Dẻo dai. Kỹ thuật cá nhân điêu luyện, chuyền bóng hiểm, đột phá dũng mãnh và dứt điểm rất hiểm hóc, nhất là bằng đầu. Phong cách đá bóng nhẹ nhàng tinh tế, của hiếm của bóng đá hiện đại. Ngoài Dzagoev còn ai nữa? Có lẽ chúng ta phải đợi các trận ở vòng trong. Những trận nốc ao khốc liệt sẽ lộ diện tài năng.

* Qua vòng đấu bảng ông có nhận xét gì về chất lượng giải đấu? Đội nào có thể vô địch?

Còn quá sớm để đưa ra nhận xét. Nhưng tôi thấy vòng đấu bảng thiếu hấp dẫn, có nhiều trận buồn ngủ và nhiều đội mà ta kỳ vọng đã khiến ta phải thất vọng não nề. Vẫn chưa thấy đội nào là ngựa ô của giải. Còn đội nào vô địch? Theo đánh giá của tôi sẽ là một trong ba đội: Đức, Tây Ban Nha và Pháp. Tôi mong Pháp lột xác ở các vòng trong. Nếu Pháp vô địch sẽ là một bất ngờ thú vị. Còn Đức hay Tây Ban Nha thì mọi người ai cũng nghĩ thế. “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Chán đấy.

* Vậy thì làm một ly cà phê đã ông. Hy vọng ở vòng tứ kết nhạc sĩ không phải thêm cà phê để khỏi buồn ngủ vì một số trận cầu thiếu hấp dẫn.

Cà phê bóng đá

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm