Nhạc sĩ Dương Thụ: “Tôi chẳng có ham thích giải trí nào ngoài bóng đá”

10/07/2011 18:41 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH Cuối tuần) - Là khách mời quen thuộc của Cà phê thể thao (Cà phê bóng đá trước đây), nhạc sĩ Dương Thụ đã chia sẻ nhiều điều về đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Falko Goetz, về niềm đam mê bóng đá và cả công việc của ông nữa.

Đội tuyển Việt Nam

* Thưa nhạc sĩ, không tính đến 2 trận đấu tập với Đồng Nai và Đồng Tâm Long An, đội tuyển bóng đá Việt Nam đã có 2 trận đấu chính thức dưới triều đại của huấn luyện viên Falko Goetz. Sau hai chiến thắng đậm liên tiếp trước Macau, tâm trạng của nhạc sĩ thế nào ạ?

- Thở phào nhẹ nhõm. Tôi lo lắng cho đội tuyển. Ông Henrique Calisto ra đi để lại khoảng trống quá lớn. HLV nội, như ông Phan Thanh Hùng phát biểu sau trận lượt đi trên sân khách của đội tuyển Olympic như thế là không biết mình, biết người. Sử dụng những người như ông ấy thì chắc bóng đá ta chỉ loanh quanh trong khu vực thôi (mà bây giờ đã thua cả đội dưới cơ như Malaysia và Philippines rồi). HLV Falko Goetz thì quá mới, làm quen được với bóng đá Việt Nam chắc ít nhất cũng phải một hai năm. Hai trận đấu tập không thắng nổi đội hạng Nhì và thua đội đứng đội sổ V-League đến 3-1 thì ớn quá. Tôi nghĩ chắc kỳ này chỉ hòa với Macau (không chừng còn thua như đã thua Philippines) vậy mà thắng với tỷ số cả hai lượt trận tới 13-1. Thế là ổn. Có thể lại bắt đầu hy vọng.

* Đi sâu một chút vào vấn đề chuyên môn của đội tuyển Việt Nam, nhạc sĩ có thấy điều gì đặc biệt, có sự mới mẻ nhất định nào đó về mặt lối chơi không?

- Calisto sử dụng 4-5-1, kéo tiền đạo Công Vinh về đá tiền vệ cánh. Falko Goetz dùng 4-4-2, đẩy Công Vinh lên đá tiền đạo cặp cùng Quang Hải. Hiệu quả thấy liền. Công Vinh ghi 7 bàn 2 trận, một hiệu suất đáng nể. Đá nhanh, tận dụng ưu thế về kỹ thuật để kiểm soát bóng, triển khai bóng ngắn, bật tường đánh trung lộ nhiều hơn là giãn biên câu bổng vào trong. Ngay phạt góc cũng ít đá mà phần lớn là chuyền về cho tiền vệ để tổ chức tấn công... Cả thủ môn cũng ít phát bóng bổng, chủ yếu chuyền bóng bằng tay để triển khai tấn công ngay từ phần sân nhà. Đó là sự phát triển lối chơi có từ thời Calisto nhưng có vẻ triệt để hơn. Tôi thích lối chơi này, đẹp, thiên về tấn công và rất phù hợp với thể hình và sở trường của cầu thủ Việt.

* Đạo diễn Doãn Hoàng Giang từng nói trên Cà phê thể thao số 25 rằng đòi hỏi ông Falko Goetz có dấu ấn ngay là điều vô lý, mà phải dành cho ông ấy một khoảng thời gian nhất định. Về phần mình, nhạc sĩ có quan điểm như thế nào trong chuyện này?

- Anh Giang nói đúng. Jose Mourinho cũng cần phải có 2 năm thì Falko Goetz cũng không phải là ngoại lệ. Tất nhiên cái 2 năm ấy cũng phải bắt đầu từ ngày hôm nay. Cái bắt đầu chúng ta đã nhìn thấy rồi đấy.

* Có vẻ như bóng đá Đông Nam Á đang theo trào lưu huấn luyện viên Đức. Không lâu sau Việt Nam kết duyên với ông Goetz, Thái Lan cũng đã mời một người Đức là ông Winfried Schaefer dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Nhạc sĩ có thấy như vậy không?

- Có lẽ vì Thái Lan mời ông HLV Đức nên ta mới tưởng thế. Trên thế giới, HLV ở các nước có nền bóng đá phát triển như Brazil, Argentina, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Italia, Anh, Pháp, Đức được các nước thuộc nền bóng đá kém phát triển mời làm HLV đội tuyển quốc gia rất nhiều. Nhưng HLV nổi tiếng giá rất cao. Các nước Đông Nam Á chưa giàu nên chỉ dám mời các HLV có chuyên môn tốt nhưng chưa có tiếng tăm kiểu như ông Calisto. HLV loại này giá không cao lắm. Bóng đá Đức có nhiều HLV trẻ và giá cả không “khủng khiếp”. Thái Lan nhiều tiền nên chơi trội mời ông Bryan Robson, nhưng họ đã nhận được bài học. Và có vẻ họ học được kinh nghiệm của Việt Nam (đoán mò thôi) nên mới mời HLV Đức đấy. Mới chỉ Việt Nam và Thái Lan, còn 8 liên đoàn bóng đá khác họ có mời HLV Đức đâu mà ta nói đến trào lưu.

* Qatar, đối thủ tiếp theo của Việt Nam ở vòng loại World Cup 2014, mạnh hơn Macau rất nhiều. Một cách lý trí và thực tế, nhạc sĩ đánh giá cơ hội đi tiếp của chúng ta như thế nào?

- Qatar mạnh hơn Việt Nam là điều không phải bàn cãi. Nhưng không mạnh hơn tới mức giống như ta so với Macau. Olympic Việt Nam của Văn Quyến đã từng thắng đội hạng tư thế giới Hàn Quốc mà. Về lý thuyết thì Qatar sẽ vào vòng trong. Còn về thực tế thì đội mạnh hơn có thể thắng, nhưng... cũng có thể ngậm ngùi rời cuộc chơi giống như đội Pháp, nhà đương kim vô địch thế giới đã bị loại ngay từ vòng đầu tiên của World Cup. Cơ hội đi tiếp ư? Hãy hy vọng đi. Đội tuyển đang “bốc” mà. Nếu hòa có bàn thắng ở Qatar thì điều kỳ diệu sẽ đến. Còn nếu phải rời cuộc chơi thì cũng không có gì phải đau khổ vì như thế mới hợp lý. Mạnh thắng, yếu thua. Lúc ấy hãy chờ đợi những World Cup sau.

Tình yêu bóng đá

* Điều gì khiến nhạc sĩ đam mê bóng đá đến vậy?

- Thời còn đi học, tôi là thủ môn của bóng đá đường phố. Bóng đá là môn thể thao duy nhất mà tôi chơi và am hiểu luật lệ của nó. Đấy là trò giải trí duy nhất mà tôi tham gia. Người khác có nhiều trò giải trí hơn tôi nên có thể họ chỉ thích bóng đá vừa vừa thôi.

* Cà phê thể thao còn nhớ, hồi SEA Games 25, nhạc sĩ đã cất công sang Lào để cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết. Nhiều trận đấu quan trọng khác của đội tuyển Việt Nam, ông cũng có mặt trên khán đài. Đi nhiều, cổ vũ nhiều, hẳn nhạc sĩ cũng có những kỷ niệm đáng nhớ?

- Đáng nhớ nhất là cảnh trên đường về, cổ động viên Việt Nam không kèn không trống, mặt buồn thiu, chẳng ai nói với ai lời nào mà trước đó chưa đến 2 tiếng là cả một câu chuyện khác, cứ ngỡ như ta sắp vô địch thế giới đến nơi.

* Mục tiêu cao nhất của bóng đá Việt Nam trong năm nay là SEA Games 26. Nhạc sĩ có đặt cho mình mục tiêu có mặt tại Indonesia vào tháng 11 tới để sát cánh cùng đội tuyển Việt Nam?

- Dĩ nhiên rồi.

Bóng đá và âm nhạc

* Nhạc sĩ nổi tiếng là người đam mê bóng đá và theo dõi rất kỹ các trận bóng của đội tuyển Việt Nam, Olympic và các câu lạc bộ ở V-League. Dành nhiều thời gian cho bóng đá như vậy, công việc chính của một nhạc sĩ có bị ảnh hưởng không?

- Tôi chẳng có ham thích giải trí nào ngoài bóng đá. Với tôi, theo dõi bóng đá cũng là được sống như khi tôi nghe nhạc, đọc sách hay xem tranh vậy. Nó cũng bổ ích cho việc làm nghề. Như thế sao lại gọi là bị ảnh hưởng.

* Bóng đá, với những cảm xúc bất ngờ và bất tận, có giúp được gì cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật của nhạc sĩ không?

- Bất cứ cái gì ta yêu thích nó đều làm lớn lên những cảm xúc nội tâm. Hoạt động sáng tạo nghệ thuật cần cái “trữ lượng” này lắm.

* Xin chân thành cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trao đổi này.

Cà phê thể thao

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm