Nhà văn Hoài Hương: Nghiêng về cái đẹp thuần mỹ, trong trẻo

10/06/2024 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Ít nhà văn được như Hoài Hương, ở tuổi 60 mà vẫn giữ được sự háo hức, say mê với cái đẹp, cái mới. Đẹp trong trang viết, trong cuộc sống, cả trong cách đi đứng nói cười của một cô gái quê Nam bộ từng sống cùng gia đình tập kết ra Bắc.

Và trong câu chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) nhân tập truyện ngắn Trời xanh màu tình yêu (NXB Quân đội nhân dân) vừa phát hành, cái đẹp nhiều lần được chị nhắc lại, cũng đầy say mê…

Nhà văn Hoài Hương: Nghiêng về cái đẹp thuần mỹ, trong trẻo - Ảnh 1.

Nhà văn Hoài Hương

Viết để người trẻ hiểu được những hy sinh

* Tập truyện ngắn mới của chị tiếp tục về tình yêu người lính. Vì sao mảng đề tài chiến tranh, lực lượng vũ trang lại có nhiều sức hút với chị?

- Vâng! Tôi có một tình yêu màu xanh áo lính rất khó giải thích, giống như một tình yêu có từ trong máu, trong tim mình. Trước hết, có lẽ vì xuất thân con nhà lính và bản thân cũng có thời gian là quân nhân.

Ba của tôi là chiến sĩ của Tiểu đoàn 5 đặc công Nam bộ thời kháng chiến chống Pháp, từng là "Việt Cộng nằm vùng" thời kháng chiến chống Mỹ, rồi trở thành cán bộ tại Tổng cục Nghiên cứu của Bộ Quốc phòng. Em trai tôi cũng từng có 4 năm trong quân đội.

Nhà văn Hoài Hương: Nghiêng về cái đẹp thuần mỹ, trong trẻo - Ảnh 2.

Chính vì luôn được nghe kể lại rất nhiều câu chuyện thời chiến tranh của ba và các đồng đội của ba, cũng như sau này, thời gian trong quân đội, tôi cũng được tiếp cận trực tiếp với rất nhiều các chú, bác từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ và đang tiếp tục chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, làm nghĩa vụ quốc tế… Sau nữa, trong khi cộng tác với các cơ quan truyền thông, tôi lại viết về mảng đề tài lực lượng vũ trang rất nhiều, từ bút ký về các nhân vật tướng lĩnh đến những anh hùng…

Mỗi lần viết, tiếp cận các thông tin về người lính, tôi lại phát hiện ra rất nhiều câu chuyện đằng sau các chiến dịch, các chiến công, các chiến thắng… đầy cảm xúc. Và trong tôi luôn tham vọng, tại sao mình không viết lại những câu chuyện này, để cho các bạn trẻ hôm nay hiểu được chiến tranh, hiểu được những hy sinh thanh xuân của bao thế hệ ông cha để có một Việt Nam hòa bình hôm nay.

Nhà văn Hoài Hương: Nghiêng về cái đẹp thuần mỹ, trong trẻo - Ảnh 3.

Tập truyện ngắn “Trời xanh màu tình yêu” viết về người lính vừa phát hành

* Nhiều truyện ngắn của chị được xây dựng trên những cuộc đời thật. Những tác phẩm trong "Trời xanh màu tình yêu" có như thế?

- Phần lớn những truyện ngắn của tôi đều có một hoặc nhiều nguyên mẫu. Và với Trời xanh màu tình yêu cũng vậy.

Ví dụtruyện ngắn Ở nơi ấy mình mỉm cười an yên là dựa trên nguyên mẫu được một đồng đội của ba tôi kể về chiến công của tình báo kỹ thuật trong kháng chiến chống Mỹ, và câu chuyện khác về bà mẹ Việt Nam anh hùng cả chồng con cùng hy sinh trong hai cuộc chiến tranh, tôi kết vào nhau.

Câu chuyệnThanh xuân trong một gia đình cảnh vệ tôi bám vào sự kiện có thật của Đoàn 180B Cảnh vệ thời chiến tranh chống Mỹ, chuyện họ đã có một trận "huyết chiến cảm tử", đánh nghi binh để kéo dài thời gian cần đủ cho cả cơ quan Trung ương Cục miền Nam rút an toàn sâu trong rừng về bên kia biên giới bạn tạm lánh, và họ hy sinh hết.

Nhà văn Hoài Hương: Nghiêng về cái đẹp thuần mỹ, trong trẻo - Ảnh 4.

* Sắp tới chị vẫn viết về người lính chứ?

- Tôi vẫn giữ sở trường về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Vì tư liệu vẫn còn nhiều lắm. Tôi cũng đang ấp ủ một tác phẩm dài hơi về tình báo chiến lược của chúng ta trong kháng chiến chống Mỹ, vì mảng này các tác phẩm văn học vẫn còn ít, mà tôi cũng có chút dữ liệu về đề tài này.

Tôi cũng thích viết về giới trẻ hôm nay, họ như một thế giới đa sắc, phong phú, gợi cảm và thú vị. Tôi đã có tập truyện ngắn về họ - Phù sa châu thổ - nhưng chưa "đã", vẫn muốn viết về họ nhiều hơn. Rồi còn ấp ủ một tập truyện kiểu ngôn tình du ký, thông qua các câu chuyện tình yêu, là những chuyến du lịch băng qua các vùng đất, các miền văn hóa…

Nhà văn Hoài Hương: Nghiêng về cái đẹp thuần mỹ, trong trẻo - Ảnh 5.

Tập truyện ngắn “Phù sa châu thổ” viết về giới trẻ

"Trong suy nghĩ có phần hơi "xưa" của tôi, văn là phải đẹp, đẹp từ ngôn từ, từ ý nghĩa, đến những thông điệp muốn gửi gắm thông qua tác phẩm của mình"-nhà văn Hoài Hương.

Mỗi cuộc thi là thử thách, trải nghiệm

* Kinh nghiệm viết về lính có giúp cho kịch bản sân khấu đầu tay về "Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân" của chị đoạt giải B năm 2024, do Bộ Công an tổ chức? Theo chị, đây là duyên may hay là sự nỗ lực của tác giả?

- Tôi còn nhớ, khi nghe đọc tên lên nhận giải, tôi run bần bật, người lạnh toát, vì quá bất ngờ. Cũng có nghĩ, mình may mắn, vì có thể chủ đề - câu chuyện của mình có chút mới mẻ, khác lạ, viết về các chiến sĩ công an điều tra phá án thông qua phân tích tâm lý tội phạm, và kết hợp một số kỹ thuật nghiệp vụ của thời công nghệ 4.0. Lúc ấy, tôi có cảm giác như đang bay, đang mơ, vì vượt quá hy vọng của mình.

Nhà văn Hoài Hương: Nghiêng về cái đẹp thuần mỹ, trong trẻo - Ảnh 7.

Tập truyện ngắn “Những khoảnh khắc sinh tử” phát hành năm 2023

Nhưng không chỉ may mắn, còn là nỗ lực của bản thân. Dù đây là lần đầu tiên viết kịch bản sân khấu - một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, tôi đã rất nghiêm túc và cố gắng đến mức có thể để hoàn thành tốt nhất theo ý mình. Và khi viết, cũng không nghĩ đến việc mình có giải hay không, mà là viết sao cho đừng phụ lòng tin của cơ quan tổ chức. (Bên Bộ Công an đã tổ chức 2 đợt cho chúng tôi đi thực tế sáng tác, gặp gỡ, trò chuyện, tiếp cận các đơn vị công an ở một số địa phương…).

Sau cùng thì tôi cũng đã "hoàn thành nhiệm vụ" theo cách nói vui khi chúng tôi tham dự trại sáng tác của Bộ Công an.

* Là nhà văn có duyên với giải thưởng, chị nghĩ thế nào về giải thưởng nhỉ?

- Cũng không biết có phải tôi đang may mắn không, mà trong vòng 4 năm trở lại đây, tính từ năm 2020, thì có hơn 10 giải thưởng văn học của các cơ quan khác nhau. Ban đầu, khi tham gia các cuộc thi, quả thật tôi chỉ nghĩ góp tay vào phong trào, để cuộc thi được rôm rả rộn ràng, và có thể khuyến dụ được nhiều bạn viết cùng "chơi", và cũng là một "kênh" để mình tự xem mình tới đâu, một cách thử thách bản thân, một cách "học" các bạn viết từ cuộc thi.

Với tôi, giải thưởng trước tiên là niềm vui của người viết, như một chứng nhận thành công của mình để khích lệ, động viên. Và cũng là một chứng minh "bút lực" mình vẫn còn. Nhưng tôi cũng rất tỉnh táo, không ảo tưởng thành tích, không xem mình là tài giỏi, mà xem đây cũng như một cách "rèn bút", "luyện chữ", để cho mình không bị thụt lùi, không bị mòn cũ, nhàm chán, không bị "ì" trong tư duy.

Nhà văn Hoài Hương: Nghiêng về cái đẹp thuần mỹ, trong trẻo - Ảnh 8.

Mỗi một cuộc thi có một tiêu chí khác nhau, khi mình tham gia thì cũng xem như là một cuộc thử thách, một trải nghiệm cho chính mình. Và chính từ các cuộc thi, lại có thêm kinh nghiệm, có thêm hiểu biết về một chủ đề, một lĩnh vực mới nào đó. Ví dụ như khi tôi tham gia cuộc thi viết truyện ngắn về hình ảnh cảnh sát hình sự, lực lượng cảnh vệ hoặc công an xã…, những đề tài rất mới. Hoặc khi thi viết về "tam nông", dân thành phố mà viết về nông dân, thật sự là một thách thức…

Là nhà văn 6X nhưng thường thân thiết, chơi cùng các nhà văn trẻ 8X, 9X. Điều gì gắn kết tình thân giữa những người sáng tác "vong niên"?

- Trước tiên, tôi luôn nghĩ mình "bình đẳng" với các bạn trẻ, là bạn bè, chứ không phải là "đàn chị". Sau nữa, khi kết bạn với các nhà văn trẻ, là trước tiên mình cũng phải đọc tác phẩm của họ, đọc để biết họ viết gì, họ viết ra sao, vấn đề họ đang quan tâm…, để hiểu họ. Và tất cả các điều đó là để khi gặp nhau, nói chuyện được với họ, có những giao cảm, có những hiểu biết về họ. Ngoài ra, khi đã là một mối giao kết bạn bè, để có được tình thân, thì trước tiên mình phải chân tình, rồi trân trọng, tôn trọng, kể cả có những khác biệt.

Nhà văn Hoài Hương: Nghiêng về cái đẹp thuần mỹ, trong trẻo - Ảnh 9.

Nhà văn Hoài Hương (bìa trái) đi trao nhà nhân ái cùng nhà văn Nguyễn Hoàng Trung Hiếu (ngoài cùng, bên phải)

Riêng với tôi, mỗi bạn nhà văn trẻ mà tôi thân quen như một thế giới đầy thú vị, để không chỉ được các bạn văn trẻ đó lan tỏa những năng lượng tích cực, mà còn học được rất nhiều từ các bạn về "nghề viết". Vâng! Tác phẩm của tôi thường hướng đối tượng độc giả trẻ, nên khi chơi với các bạn trẻ, tôi học được phong cách trẻ, ngôn từ trẻ, hiểu được xu thế và xu hướng các bạn trẻ thích gì, không thích gì…, mà trang viết của mình phù hợp.

* Còn về tác phẩm và con người chính mình, nhà văn Hoài Hương muốn chia sẻ điều gì?

- Tôi hiểu bản thân mình đang "đứng" ở đâu so với các nhà văn đương thời, nên chưa bao giờ ảo tưởng về những thành công của mình. Nhưng với tôi, cho dù chưa phải là hay, là xuất sắc, thì tác phẩm của mình vẫn cần có những giá trị chân - thiện - mỹ nhất định.

Trong suy nghĩ có phần hơi "bảo thủ", hơi "xưa" của tôi, văn là phải đẹp, đẹp từ ngôn từ, từ ý nghĩa, đến những thông điệp muốn gửi gắm thông qua tác phẩm của mình. Và vì thế, tôi thường hướng tác phẩm của mình nghiêng về cái đẹp, cái đẹp thuần mỹ, trong trẻo.

Ngay cả khi viết truyện về chiến tranh, về sự hy sinh, mất mát, về sự khốc liệt của cuộc chiến, thì tôi vẫn muốn cho các nhân vật của mình phải thật đẹp. Bởi vì thế, sự hy sinh của họ mới càng có ý nghĩa hơn.

* Cảm ơn chị.

Vài nét về nhà văn Hoài Hương

Tên trong giấy tờ là Đặng Diệu Hà. Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm đã in: Trời xanh màu tình yêu (tập truyện ngắn), Ngọc Sương - Giọt sương mai long lanh (truyện vừa), Những khoảnh khắc sinh tử (tập truyện ngắn), Sài Gòn! Em thương anh (tập tản văn), Phù sa châu thổ (tập truyện ngắn), Hà Nội hoa tình (tản văn), Tham - sân - si (tập truyện ngắn), Lãng du tình (tản văn và tùy bút), Trong tim tôi có một vị tướng (tập truyện ngắn)…

Khôi Nguyên Thảo (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm