Nhà báo Yên Ba nói về 'người bạn' 40 năm TT&VH: Chứng nhân đáng tin cậy của lịch sử thể thao, văn hóa

20/08/2022 20:41 GMT+7 | Văn hoá

Một bất ngờ thú vị mở đầu cuộc trò chuyện giữa người viết với Yên Ba: Anh cầm theo tập Tin nhanh Espana 82, dù đã ngả màu thời gian nhưng được đóng bìa rất cẩn thận. Như lời kể, đó chỉ là một phần nhỏ, trong bộ sưu tập báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) mà tác giả này lưu giữ suốt mấy chục năm liền...

Nhà báo Yên Ba và cuộc chiến điệp báo trong ‘Răng sư tử’

Nhà báo Yên Ba và cuộc chiến điệp báo trong ‘Răng sư tử’

Sáng nay 22/11 tại Nhà sách Cá Chép 115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, nhà báo Yên Ba đã ra mắt cuốn biên khảo Răng sư tử, đồng thời trưng bày hàng trăm cuốn sách trinh thám chính trị.

“Tôi xếp chồng lên từng tập, mỗi tập dày tới vài gang tay. Tiếc là khi chuyển nhà, sơ suất để thất lạc đi một ít” - Yên Ba nói với một nụ cười - “Nhưng, ấn tượng về mấy chục năm chờ mua TT&VH mỗi tuần thì vẫn còn lại đến giờ...”

* Chúng ta hãy bắt đầu câu chuyện bằng ký ức của anh về Espana 82?

- Mùa Hè năm ấy, tôi đang là học viên của một học viện quân sự, muốn trốn trại đi xem bóng đá là chuyện khó hơn trên trời. Nhưng rồi cơ hội cũng tới, khi chúng tôi đi trông thi ở một huyện ngoại thành.

Nửa đêm, mấy anh em mê bấm nhau lén vượt rào, băng đồng đi bộ khoảng 5 km để tìm tới một nhà dân nghe nói có tivi. Tới nơi, chúng tôi còn tưởng nhầm nhà: Cả một rừng người ngồi trong khoảng sân tối om, im phăng phắc. Hóa ra, đó là lúc “khởi động”: Điện quá yếu, khổ chủ tắt hết đèn để chuẩn bị bật tivi... (cười)

Chú thích ảnh
Nhà báo Yên Ba trong một chuyến tác nghiệp...

Rồi bóng cũng lăn. Đó là trận tứ kết mà Ý hạ gục Brazil bằng cú hat-trick của Paolo Rossi. Như nhiều khán giả Việt Nam khác, đấy cũng là lần đầu tiên tôi được xem truyền hình trực tiếp một trận bóng trong đời. Không cần nói, bạn cũng hiểu ấn tượng mà nó để lại khủng khiếp đến như thế nào. Bởi trước đó, ở World cup 1978, nhà đài chỉ phát lại một số trận đấu sau vài ngày, từ nguồn tư liệu của Liên Xô.

Như thế, việc truyền hình trực tiếp ở Espana 82 là cuộc cách mạng đầu tiên để đem lại sự sung sướng cho người ham mê bóng đá ở Việt Nam (cười).

* Nghĩa là, chúng ta có cả cuộc cách mạng thứ hai...?

Đó là sự xuất hiện của tờ Tin nhanh Espana 82. Khi đó, giống như truyền hình, sách báo về bóng đá quốc tế cũng khan hiếm vô cùng. Muốn đọc, những người biết tiếng Nga - gồm có tôi - phải mua một tờ tạp chí về bóng đá và khúc côn cầu của Liên Xô tại quầy sách ngoại văn ở Tràng Tiền. Trong bối cảnh ấy, bản tin nhanh của TTXVN lập tức được trở thành một món ăn tinh thần đặc biệt.

Nhà báo Yên Ba sinh năm 1962, là cây bút viết về thời sự quốc tế. Anh cũng là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có các sách về bóng đá như: Từ Espana 82 đến France 98: Nhìn lại và chờ đợi, Từ Pele đến Maradona... Ngoài ra, Yên Ba còn được biết tới như một nhà sưu tập sách cổ có tiếng tại Hà Nội.

Thậm chí đến giờ, tôi vẫn nhớ 2 bài viết trên trang đầu của số Tin nhanh Espana 82 đầu tiên ra mắt trước khi bóng lăn: Một về việc HLV Bearzot của Ý tuyên bố thích khí hậu ở Tây Ban Nha; một về việc nhiều cầu thủ Argentina - đội sẽ đá trận khai mạc - có bạn bè và người thân tham gia cuộc chiến với Anh tại quần đảo Mandivas, và chiến thắng về bóng đá được coi là lối thoát cho quốc gia này. Đơn giản thôi, đó cũng là lần đầu tiên độc giả Việt Nam được tiếp cận với những thông tin ngoài sân cỏ theo cách hấp dẫn như vậy.

* Theo trí nhớ của anh, những độc giả khi ấy đón nhận TT&VH ra sao?

- Tôi muốn kể một câu chuyện thế này. Kế tiếp giải đấu 1982, World Cup 1986 có 2 dấu ấn mà thế hệ chúng tôi đều nhớ. Thứ nhất đó là sự tỏa sáng của huyền thoại Maradona. Thứ hai, phải kể tới số phận của tuyển Liên Xô - đội bóng được khán giả Việt Nam yêu thích nhất. Liên Xô bước vào giải với phong độ cực cao, hạ Hungary 6-0, hòa Pháp trên thế thắng, để rồi bất ngờ gục ngã trước Bỉ ở vòng sau khiến bao người uất ức, bàng hoàng.

Quanh 2 dấu ấn ấy, tôi chứng kiến vô vàn những cuộc tranh luận của khán giả Hà Nội. Chúng diễn ra khắp nơi, ngay giữa những người ít quen biết, ở cả cơ quan, ngoài chợ, hay trên chuyến xe ô tô tôi ngồi để tới chỗ làm. Trên tay ai cũng có tờ TT&VH. Ai cũng trích dẫn những dòng thông tin trên báo để cảm thán, để hào hứng tranh luận tới đỏ mày say mặt (cười).

* Còn với cá nhân anh , chuyện mua - và đọc - TT&VH diễn ra như thế nào cho đến những năm sau này?

- Tôi có thể tự hào rằng trong khoảng ba thập niên kể từ khi tờ báo ra đời, tôi mua và đọc không sót số TT&VH nào. Nhà trên phố Trần Khánh Dư, trong những năm đầu tiên, tôi vẫn đạp xe tới quầy phát hành TTXVN ở số 5 Lý Thường Kiệt để mua báo. Rồi tới khi đi làm ở báo Quân đội nhân dân, trước cửa cơ quan lại là một quầy báo ở góc phố Lý Nam Đế - Phan Đình Phùng. Là khách quen, tôi vẫn dặn chủ sạp luôn để dành một tờ TT&VH cho mình. Có những đợt đi công tác, khi trở về, tôi nhận một xấp báo cả chục tờ. Mọi chuyện chỉ thay đổi cách đây dăm bảy năm, khi báo mạng ngày càng phát triển ở Việt Nam, còn việc đi mua một tờ báo in cũng dần trở nên khó khăn hơn...

Nhiều người bạn tôi cũng rất thích đọc TT&VH. Và chúng tôi vẫn nói đùa với nhau rằng có 2 cách để đọc tờ báo này: Ai ham thể thao thì đọc từ trang một trở đi, còn ai mê văn hóa thì đọc theo chiều ngược lại (cười). Với tôi, ngoài sự yêu thích bóng đá một cách tự nhiên, phần nội dung về văn hóa cũng vô cùng ấn tượng. Trong một chừng mực, có thể coi tờ báo là sự hội tụ của những chuyên gia và cây viết tốt nhất về văn hóa suốt một giai đoạn rất dài, với giọng điệu riêng và cách nhìn cũng rất riêng...

* Còn ở góc độ một nhà sưu tập sách báo có tiếng ở Hà Nội, anh có thể nói gì thêm về những tờ báo TT&VH vốn từng có dịp nằm trong thư viện của mình?

- Sự lên ngôi của báo mạng, khiến những tờ báo in có truyền thống như TT&VH phần nào bị cạnh tranh về vị trí của mình. Nhưng, những tờ báo TT&VH được phát hành trong mấy chục năm qua vẫn có một giá trị đặc biệt. Đó là nguồn tư liệu vô giá cho những ai muốn tìm hiểu cả một giai đoạn rất dài về lịch sử thể thao, văn hóa của chúng ta, cũng như về cách chúng ta từng nhìn những lĩnh vực ấy dưới tư duy và thẩm mỹ của mình.

Chú thích ảnh
... và những tờ "Tin nhanh Espana 1982" được anh lưu giữ sau 4 thập niên

Ở giai đoạn bây giờ, nhiều người có cách nghĩ khá sai lầm rằng tất cả mọi thứ trong quá khứ đều có thể tìm kiếm trên mạng internet. Hoàn toàn không phải vậy, internet thiếu rất nhiều thứ, và không thể thay thế nguồn tư liệu từ báo chí. Và, cũng không phải ngẫu nhiên, nhiều thư viện lớn trên thế giới vẫn đặc biệt quan tâm tới nguồn tư liệu này. Nó có thể bị cạnh tranh hoặc giảm bớt vai trò, nhưng không thể bị loại bỏ khỏi đời sống thường nhật...

* Cuối cùng, anh có thể chia sẻ gì với TT&VH từ góc độ một độc giả thân thiết, khi tờ báo bước qua tuổi 40...

Nói không sai, TT&VH là một người bạn của tôi trong suốt mấy chục năm qua. Người bạn ấy chỉ là một tờ báo, nhưng lại gắn kết với mình một cách bền bỉ và kiên nhẫn không kém gì những người bạn thân ngoài cuộc đời thật. Còn ở góc độ khách quan, TT&VH là một chứng nhân, thậm chí là một chứng nhân thông minh và đáng tin cậy, của lịch sử thể thao, cũng như văn hóa, trong mấy chục năm qua.

Với một người bạn như thế, tôi chỉ muốn có một lời chúc giản dị, rằng TT&VH hãy cứ tiếp tục tồn tại trong dòng chảy báo chí của hiện tại và tương lai - dù là có thể tồn tại như một người bạn âm thầm và lặng lẽ với những độc giả từng yêu quý nó.

Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

“Phần nào, bóng đá trong quá khứ có phần đẹp và lãng mạn hơn, so với sự chi phối của tính thực dụng và công nghệ như bây giờ. Và ngược lại, trong giai đoạn thiếu thốn thông tin, bóng đá cũng là món ăn mà nhiều khán giả tiếp nhận với sự say mê, rạo rực và cả chút hồn nhiên của bối cảnh xã hội thời kì bao cấp và hậu bao cấp. TT&VH là chứng nhân - và cũng là người đồng hành - ở một giai đoạn đặc thù như thế (Nhà báo Yên Ba).

Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm