Phức tạp như phim tình báo: Chỉ có một phần sự thật

08/08/2014 10:30 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Những fan của dòng phim trinh thám, tình báo đang có cơ hội được thỏa mãn phần nào cơn khát lâu nay.

Từ 23/7, bộ phim Vết dầu loang (35 tập) về ngành tình báo Việt Nam khởi chiếu trên kênh HTV9 và được chiếu định kỳ từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần. Trang web về nhà tình báo, điệp viên lỗi lạc của Việt Nam Phạm Xuân Ẩn bằng hai thứ tiếng (Việt, Anh) cũng vừa ra mắt, tại địa chỉ http://perfectspyx6.com/. Trước đó, tháng 4/2014, một hợp tác sản xuất bộ phim truyền hình dài 32 tập về “Điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn đã được ký kết.

Nhưng không nhiều người biết rằng, đạo diễn Vết dầu loang phải mất 10 năm mới đưa được kịch bản tâm huyết lên màn ảnh vì sự phức tạp và “nhạy cảm” của đề tài này. Và việc đưa cuộc đời của “Điệp viên hoàn hảo” lên màn ảnh vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược.

Nếu tính từ phim câm The German Spy Peril(Họa gián điệp Đức, năm 1914) của đạo diễn Bert Haldane thì thể loại phim tình báo, điệp viên đã có 100 năm lịch sử với nhiều dấu ấn khó phai mờ. Với điện ảnh cách mạng Việt Nam thì thể loại này có thể bắt đầu từ Ván bài lật ngửa (1982 - 1987, 8 tập) của đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Phương cách xây dựng thể loại phim rất phong phú, nhưng để tăng sự hấp dẫn, các phim chỉ khai thác một phần sự thật, còn lại là hư cấu, phóng đại.

Nghề tình báo thường được chia làm 3 hướng: tình báo chiến lược, tình báo chiến thuật và tình báo chiến dịch. Phim thường ít đề cập đến hướng đầu tiên, vì quá bí ẩn, khô khan, “sống để bụng chết mang theo”; và cũng ít đề cập đến hướng cuối cùng, vì quá thiên về hành động chớp nhoáng, nên tình báo chiến thuật là đối tượng được khai thác nhiều nhất. Nhìn vào các bảng xếp hạng kiểu 100 phim tình báo, phim điệp viên hay nhất mọi thời đại thấy rõ sự áp đảo này, với sự có mặt của loạt phim về 007, Harry Palmer, Jack Ryan, Spy Kids, Bourne…, hay cả loạt phim hành động Nhiệm vụ bất khả thi.


Bộ 8 tập Ván bài lật ngửa có thể là phim hư cấu đầu tiên của điện ảnh cách mạng về nghề tình báo

Hướng tình báo nào thì cũng phải “rất bí mật, rất táo bạo, rất khôn ngoan, rất mưu lược, luôn luôn tạo được cho mình một vỏ bọc rất kín đáo qua một công việc hàng ngày” (theo Wikipedia). Thế nhưng đặc thù của tình báo chiến thuật lại là chiếu cầu nối giữa một nhân vật thông tin trong bí mật tuyệt đối và một nhân vật liên quan đến hành động, nên đảm bảo sự cân não và sức hấp dẫn. Nhiều nhà làm phim thích tình báo chiến thuật là vì vậy; còn nếu làm về hai hướng còn lại thì cũng sẽ hư cấu thêm những chi tiết hấp dẫn mà thực tế thì không có (Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa đã được thêm vô số tình tiết gay cấn so với nhân vật thật được dựa vào).

Phim 17 khoảnh khắc mùa Xuân (năm 1973, 12 tập) của đạo diễn Tatyana Lioznova, hay TASS được quyền tuyên bố... (1984, 10 tập) của Vladimir Fokin được xếp vào nhóm các phim gián điệp hấp dẫn nhất của Liên Xô, vì nó làm về tình báo chiến thuật. Ngày 7/7 vừa qua, một kho tài liệu về tổ chức tình báo KGB được tiết lộ tại Anh, cho biết trong hơn 40 năm kể từ 1937, nữ điệp viên xinh đẹp Melita Norwood (1912 - 2005) dưới vỏ bọc là nhân viên cấp cao của nhiều viện nghiên cứu ở Anh đã cung cấp cho Liên Xô rất nhiều tài liệu về công nghệ, quân sự, năng lượng hạt nhân…, nhưng mãi đến 1999 bà mới bị lộ tẩy do Mitrokhin đào tẩu khỏi KGB đến London vào năm 1992, rồi tố giác. Thử hỏi một cuộc đời bình lặng, nếu không bị phản bội thì sẽ chẳng ai biết như Melita Norwood, các nhà làm phim có tìm ra để làm phim không? Chắc là cực khó.

Việt Nam cũng không ngoại lệ, những phim điệp viên hàng kinh điển như Ván bài lật ngửa (1982 - 1987), Ông cố vấn (1995 - 1996)… vẫn phải khai thác theo hướng tình báo chiến thuật, với nhiều yếu tố gây cấn, dù hình tượng mà tiểu thuyết rồi phim dựa vào thì theo hướng chiến lược. Riêng Biệt Động Sài Gòn (1986), hay cả Vết dầu loang (KB-ĐD: Nguyễn Trọng Hải, 35 tập, 2014) đang phát sóng thì quá rõ về khía cạnh chiến thuật. Hình như chỉ có phim Vị tướng và hai bà vợ (ĐD: Bùi Cường, 29 tập, 2013) là thiên nhiều hơn về hướng tình báo chiến lược; nhưng để “giữ chân” người xem, họ phải xoáy vào nỗi đau của hai người vợ, vốn sống trong sự hiểu lầm, kỳ thị.

Trong sách Decent Interval (Khoảng cách vừa phải, năm 1977), Frank Snepp - cựu chuyên viên thẩm vấn của CIA - cho biết trước năm 1975 có khoảng 14.000 tình báo viên cộng sản hoạt động tại địa bàn miền Nam, mà chủ yếu là Sài Gòn. Sự xác thực về con số này có thể còn bàn cãi, nhưng chắc chắn có một điều đúng: số điệp viên tình báo là rất nhiều. Những phim mà Việt Nam đã làm về họ (ngay cả tài liệu) chỉ là một lát cắt rất mỏng, có thể đã trúng vài người tiêu biểu, nhưng không thể đa diện, đầy đủ. Nhiều gương mặt tình báo mà về sau này đã bạch hóa danh tính như Ba Trần, Mười Nho, Nguyễn Thị Ba, Đinh Thị Vân, Đào Phúc Lộc, Trần Ngọc Ban (Mười Hương), Lê Hữu Thúy… vẫn chưa có dịp thành vai chính trong phim.

Ngay cả điệp viên huyền thoại và nhiều giai thoại như Tư Cang (Nguyễn Văn Tàu), cấp trên trực tiếp của Phạm Xuân Ẩn, có khả năng bắn súng 2 tay, dùng thạo nhiều khí tài, tham gia nhiều trận đánh trực tiếp, từng là chiến sĩ quân báo, trung đội trưởng trinh sát…, nghĩa là có vô số tình tiết dễ làm phim, những vẫn chưa lên phim.

Từ đầu năm 2014, GS Larry Berman nói mình có 4 năm để cùng các cộng sự chuẩn bị cho phim điện ảnh (120 phút) mang tên Điệp viên hoàn hảo X6; ông cũng cho biết bộ phim truyền hình (dự kiến 32 tập) sẽ hoàn thành trong 2 năm tới. Tất nhiên, với một nhà tình báo chiến lược như Phạm Xuân Ẩn, khi lên phim không thể hư cấu cảnh đấu súng hay dùng dao găm, thuốc nổ, mà phải là sự khôn khéo và cân não. Phim về sự khôn khéo và cân não thường khó thu hút khán giả đại chúng, nên sẽ rất khó làm. “Chúng tôi sẽ phải đi tìm một diễn viên vào vai Phạm Xuân Ẩn từ lúc trẻ cho đến khi lớn tuổi, từ lúc đấu tranh cho hòa bình đến lúc hàn gắn vết thương chiến tranh sau khi cuộc chiến kết thúc. Vì thế, phim phải làm nổi bật vai trò hàn gắn vết thương sau chiến tranh và thể hiện được nhân cách lớn của một con người như tướng Phạm Xuân Ẩn”, Larry Berman nói. Nếu cả hai dự án này thành hiện thực thì Việt Nam sẽ thực sự có hai phim về một tình báo chiến lược nổi tiếng thế giới.

Như Hà
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm