Bảo Sơn Paradise – cú đầu tư văn hóa quy mô lớn

20/09/2008 12:23 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Tập đoàn Bảo Sơn vừa cho ra mắt công viên giải trí "Thiên đường Bảo Sơn", khu vui chơi giải trí lớn nhất miền Bắc, với vốn đầu tư ban đầu lên tới 50 triệu USD. Không nhiều doanh nghiệp tư nhân dám bỏ khoản tiền không nhỏ này đầu tư cho văn hóa.

Phố cổ Hà Nội trong khu công viên


Phố cổ Hà Nội trong công viên

Cách hồ Hoàn Kiếm 12km, cách trung tâm Hội nghị quốc tế 4km, cách SVĐ Mỹ Đình chỉ 3km, nằm bên trái đường Láng - Hòa Lạc tại km số 8, công viên rộng khoảng 20ha này là một phần trong tổng thể dự án xây dựng, phát triển khu đô thị mới Lê Trọng Tấn -  An Khánh, Hà Nội. Vị trí này được xem là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Hà Nội mới.

Tọa lạc trên một không gian rộng lớn và thoáng đãng, dự án này có các hạng mục chính như khu biệt thự, khu vui chơi giải trí, khu biểu diễn bao gồm khu vực chiếu phim nổi laser, nhạc nước kết hợp sân khấu đa năng và thế giới đại dương, khu làng nghề truyền thống Việt Nam, khu du lịch sinh thái Việt Nam, khu phố cổ, khu ẩm thực và biểu diễn nghệ thuật với món ăn đặc sắc 3 miền.

Điểm đặc trưng nổi bật là khu phố cổ Hà Nội được phục dựng lại, tái hiện cuộc sống sinh hoạt của người dân Trường An cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, với hơn 20 căn nhà liền kề được thiết kế và xây dựng theo kiến trúc Hà Nội cổ. Mỗi căn nhà là các cửa hàng trưng bày và kinh doanh sản phẩm truyền thống được sắp xếp đảm bảo sự hài hòa sinh động về Hà Nội xưa.

Khu vực phố cổ này được nhà sử học Dương Trung Quốc và GS Lê Văn Lan tư vấn, ngăn cách với phần còn lại của công viên bằng cổng ra vào mang kiến trúc cổng Ô Quan Chưởng. Các sản phẩm được trưng bày và kinh doanh trong khu phố cổ bao gồm: nhà trưng bày về Hà Nội; tiệm ảnh; tranh đá quý; quán cà phê cổ; cửa hàng đồng hồ kính bút; cửa hàng chim cá cảnh; cửa hàng đồ gốm; cửa hàng đồ giả cổ; cửa hàng đồ đồng; cửa hàng sơn mài; cửa hàng tơ lụa; cửa hàng thuốc bắc; cửa hàng tẩm quất, hát ả đào; cửa hàng vàng bạc; cửa hàng nhạc cụ dân tộc; cửa hàng ô mai, bánh mứt kẹo dân tộc và nhà thành hoàng. Mái cong, mái vẩy, hàng cà-phê rồi hàng tào phớ, xanh đỏ hàng tò he bên những bóng áo nâu non quẩy gánh cốm xanh, cột điện giăng mắc, đèn lồng bên những đầu ngói hình rồng Việt. Có người cho rằng, phố cổ Hà Nội ở đây hiện lên đẹp, thoáng giống tranh Bùi Xuân Phái hơn là những gì đang diễn ra ở khu 36 phố phường.

Khách đến nơi có thể dựng thành “phim trường phố cổ” này có thể thưởng ngoạn, thưởng thức những món ăn và những dịch vụ đã từng có trong lịch sử Hà Nội. Khách cũng có thể ngồi xe kéo, xích lô hoặc thả bộ trên những vỉa hè đượm không khí cổ. Thật tiếc, khi diện tích khu vực phố cổ này mới chỉ có 5.000m2.

Làng nghề truyền thống


15 làng nghề truyền thống

Khu làng nghề truyền thống với diện tích 10.000m2, rộng gấp đôi khu phố cổ, là nơi hội tụ và tái hiện 15 làng nghề cha truyền con nối nổi tiếng nhất Việt Nam, giới thiệu từ quy trình sản xuất, chế tác đến phong cảnh, bối cảnh làm ra từng sản vật cụ thể. Khu làng nghề là những ngôi nhà cổ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 được đưa về đây, cùng với cây đa, giếng nước, đình làng.

Khu vực này được chia theo các phân khu tương ứng với từng nghề đặc trưng. Theo đó, mỗi căn nhà đều là nơi tổ chức thao diễn sản xuất trực tiếp, và du khách có thể tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, đồng thời là nơi trưng bày sản phẩm cũng như bán hàng cho khách tham quan. Các sản phẩm và dây chuyền sản xuất đưa vào trưng bày giới thiệu trong khu làng nghề khá đa dạng: nghề dệt vải lụa Vạn Phúc; nghề tranh đá quý; nghề gốm Phù Lãng; nghề vàng bạc đá quý; nghề song mây; nghề gốm; nghề gỗ chạm khảm; nghề gò đúc đồng; nghề nhuộm thổ cẩm sáp người Dao; nghề dệt thổ cẩm dân tộc Thái; nghề túi mỹ nghệ; nghề khảm gỗ; nghề thêu ren; nghề giả cổ. Cụ thể tới từng chi tiết, ví dụ nghề dệt lụa, khách có thể quan sát từ việc cho tằm ăn dâu, thả nhộng vào nước ấm rút tơ cho đến xe sợi, dệt lụa.

Nhà chính khu ẩm thực được mua ở Thái Bình, xây dựng từ năm 1861, còn đình làng trước khu làng nghề được mua tại Nam Định, cũng đã có tuổi đời 126 năm. Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn kinh tế tư nhân này cho hay, đây là một cách để đông người chiêm ngưỡng, và cũng là để bảo tồn.

Công viên Thiên đường Bảo Sơn còn có các khu du lịch sinh thái, thế giới đại dương thu nhỏ, khu vườn Thượng uyển, vườn bướm, vườn cau vua, vườn phong lan, dàn hoa đường đạo, hồ tâm linh... Bên cạnh đó là khu vui chơi giải trí, gồm các trò chơi cảm giác mạnh, như rồng thép, đu quay vòng tròn, đu quay cưỡi ngựa 2 tầng, khu vũ trụ tàu Discovery, ô tô xuyên núi... Khu chiếu phim 4 chiều và khu biểu diễn công cộng, khu bể bơi với công nghệ giải trí hiện đại, phục vụ bốn mùa; khu siêu thị là nơi trưng bày các sản phẩm của VN và của các hãng nổi tiếng trên thế giới cũng có mặt trong công viên này. Khu ẩm thực có 31 kios, do 31 gia đình từ Nam chí Bắc có những món ăn nổi danh như phở, bánh tôm, bánh cuốn, bún chả, xôi xéo, xôi lạc, bánh giầy, kẹo vừng, kẹo bột… về phục vụ. Ông Sơn khẳng định, hồ La Hán trong công viên là hồ đẹp nhất Việt Nam với 12 vị La Hán và tượng Phật Adiđà đúc bằng gang nặng 50 tấn. Dự kiến quý I năm 2009 sẽ khánh thành khu thế giới đại dương với có 2 ngọn núi nhân tạo lấy từ tích hòn Trống Mái có chiều cao 35m trên diện tích 10.000m2, cùng 2.000 loài cá đến từ các đại dương, trong đó có cá mập, cá heo, hải cẩu…

Đầu tư lớn vào văn hóa

Tập đoàn Bảo Sơn cho hay, tổng vốn đầu tư cho dự án này vào khoảng 50 triệu đô la Mỹ, có thể sẽ thu hồi được vốn trong vòng 15 năm. Bảo Sơn Paradise dự kiến thu hút khoảng 10.000 khách trong và ngoài nước tham quan  mỗi ngày. Khai trương đầu tháng 9, lượng khách tới đông nhất là vào dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua đạt trên 2 vạn người. Với dự án đầu tư nói trên, Bảo Sơn Paradise tạo ra khoảng 15.000 vị trí làm việc, từ người lãnh đạo, nhân viên chuyên ngành có trình độ cao đến các nhân viên lao động phổ thông.

Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, khu vực này trước đây có những ao sâu tới 10m, là một vùng lầy. Tổng cộng đã có 1,6 triệu m3 đất đá đã được đổ xuống để san nền. Có những ngày huy động tới 500 xe 14 tấn chuyên chở đất đá, nhưng công việc san lấp này cũng mất 3 năm.

Ông Vũ Thế Bình - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch – đánh giá, khu giải trí Thiên đường Bảo Sơn là điểm du lịch mới đầy hấp dẫn. Nếu làm tốt công tác quảng bá, đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành, chắc chắn đây sẽ là điểm nhấn “hút” khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, tăng thời gian lưu trú của khách tại Hà Nội bởi kiến trúc truyền thống, hài hòa về phong thủy, tôn vinh văn hóa Việt Nam và đạt tiêu chuẩn quốc tế về điều kiện, môi trường và an ninh.

Hiện Bảo Sơn Paradise vẫn đang trong quá trình vận hành thử, bởi còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện. Kinh doanh vui chơi giải trí thường là một lĩnh vực có lợi nhuận không cao. Với khoản tiền này có thể đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác ngoài văn hóa. Tuy nhiên sự đầu tư lớn của tập đoàn tư nhân này cho thấy ý thức của họ đối với cộng đồng. Và là một cách nghĩ khác khi đời sống từng bước ổn định, trình độ nhận thức của xã hội được nâng lên.

Hoài Thu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm