Cuộc đua lãi suất mới: Ai lợi, ai thiệt ?

12/06/2008 11:08 GMT+7 | Thế giới

Ngay khi quyết định về việc tăng lãi suất cơ bản đối với VND của NHNN có hiệu lực, các NHTM đã đồng loạt tăng lãi suất, bước vào một cuộc đua mới.

Và như vậy, một làn sóng chuyển tiền từ ngân hàng có lãi suất thấp sang ngân hàng có lãi suất cao hơn, tức tình trạng giành giật vốn giữa các ngân hàng đã hiển hiện...

Lãi suất huy động đã vượt 19%/năm

Ngay sáng 11-6, Ngân hàng Thương mại CP (TMCP) Đông Nam Á (SeABank) đã đưa ra chương trình huy động “Tiết kiệm siêu lãi suất mới” với mức lãi suất cao nhất lên tới 19,2%/năm cho kỳ hạn 13 tháng; 18,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 18%/năm kỳ hạn 6 tháng. Với biểu lãi suất này, đây là một trong những ngân hàng có mức lãi suất hấp dẫn.
Cũng trong ngày 11-6, các ngân hàng TMCP Đại dương (Oceanbank) (Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Kỹ thương (Techcombank)... cũng đồng loạt điều chỉnh lãi suất lên cao nhất đến 17,8%/năm...
 
Mặc dù vừa ký quyết định tăng lãi suất lên mức cao nhất hơn 17%/năm, nhưng một ngân hàng cổ phần đã hủy bỏ ngay quyết định đó khi thấy đơn vị khác có mức lãi suất cao nhất lên tới 18-19%.
 
Theo lãnh đạo ngân hàng này, nếu có đơn vị đã huy động lãi suất là 18-19%/năm, mức lãi suất hơn 17%/năm đưa ra sẽ không thu hút được khách hàng, cần cân nhắc sao cho phù hợp.
 
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) vẫn áp dụng mức lãi suất cũ. Theo ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng Giám đốc, ABBANK, chưa tăng lãi suất vì mức tăng trưởng huy động hiện rất ổn định.
 
Cụ thể, mức lãi suất ABBANK đưa ra là: 15,88%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng; 3 tháng: 16%/năm; 6 tháng: 16,1%/năm; 13 tháng: 16,2%/năm. Ông khẳng định sẽ chấp hành nghiêm túc việc bỏ các loại phí liên quan đến dịch vụ cho vay.

Bài toán vay vốn

Như vậy có thể thấy với cuộc đua lãi suất chưa có hồi kết như hiện nay thì người gửi tiền đang có lợi do hưởng lãi suất cao, ngân hàng thêm nhiều vốn.
 
Nhưng lãi suất tiền gửi cao buộc lãi suất cho vay cũng phải cao - điều này dẫn đến nhiều thiệt hại, nặng nề nhất chính là các doanh nghiệp có nhu cầu đi vay để phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh (theo tính toán, trung bình khoảng 70% vốn của các DN trong nền kinh tế là vốn vay. NH cứ tăng 1% lãi suất, thì tương đương chi phí của DN tăng 0,7%...).
 
Và thiệt hại hơn cả sẽ là giá thành sản phẩm bị đẩy lên kéo theo mặt bằng giá cả lên theo, tác động không nhỏ tới mục tiêu ổn định thị trường, giảm lạm phát... hiện nay của Chính phủ.
 
Theo ông Lê Phụng Hào, Phó tổng Giám đốc Kinh Đô Group, nếu lãi suất cho vay tại ngân hàng tới đây tăng lên khoảng 21%, các doanh nghiệp (DN) có lượng vốn vay lớn sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, bởi chi phí sản xuất và chi phí vốn sẽ bị đội lên.
 
Hiện tại, để thu được lợi nhuận trên 10%/năm, các DN đã phải nỗ lực rất nhiều. Khi chi phí bị đội thêm, DN sẽ phải xem lại cơ cấu vốn vay để ổn định sản xuất, kinh doanh và bảo đảm hiệu quả.
 
Mặt khác sẽ phải xem xét đến việc điều chỉnh giá bán, song điều này không đơn giản, bởi trước khi thực hiện còn phải căn cứ vào khả năng chấp nhận của người tiêu dùng, mặt bằng giá và cả mức giá của đối thủ cạnh tranh.
 
Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng nóng và gặp nhiều khó khăn như hiện nay, các DN sẽ phải tự cân đối để chấp nhận mức lãi suất cho vay dự kiến sẽ lên tới 20-21%.
 
Song vấn đề mấu chốt là, liệu các ngân hàng có thực hiện nghiêm túc chỉ thị của NHNN về việc không thu thêm các khoản phụ phí hay không? Bởi nếu không, lãi suất cho vay thực tế sẽ còn cao hơn.
 
Các DN Dệt may vốn đã rất khó khăn do giá nguyên liệu, giá nhân công tăng, trong khi lại không thể một sớm một chiều tăng giá sản phẩm bởi yếu tố cạnh tranh. Vì vậy, việc thực hiện nghiêm chỉ thị của NHNN sẽ có tác dụng tích cực tới việc kiểm soát chi phí đầu vào của DN, giảm bớt chi phí khi vay vốn.
 
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định, vào năm 1988, lạm phát ở nước ta lên tới 308%.
 
Do Chính phủ thực hiện linh hoạt các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, đến năm 1993, lạm phát đã được khống chế ở con số 5,3%. Một trong những biện pháp để vừa có thể thắt chặt chính sách tiền tệ, vừa giảm bớt gánh nặng cho ngân hàng và DN là lãi suất cho vay tại ngân hàng thương mại sẽ được NHNN duy trì ở mức tương đương hoặc cao hơn một chút so với lãi suất huy động.
 
Phần chênh lệch giữa lãi suất cho vay thực tế và lãi suất cho vay lẽ ra phải áp dụng sẽ được bù. Chính sách này sẽ giúp DN giảm bớt gánh nặng và khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo Hanoimoi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm