01/10/2023 15:21 GMT+7 | GenZ
Nhiều sinh viên năm cuối vất vả chạy đôn chạy đáo học cải thiện những môn điểm thấp để nâng cao điểm tổng kết ra trường.
Sinh viên nào cũng muốn tốt nghiệp với điểm tổng kết cao để có tấm bằng khá, giỏi tự tin bước vào thị trường lao động. Thế nhưng, điểm số là kết quả của 4 năm học dài, nhiều bạn trẻ đến năm cuối mới vất vả chạy ngược xuôi đi học lại, cải thiện môn hy vọng có thể đạt điểm cao hơn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhu cầu học cải thiện của sinh viên, trong đó phần lớn đều cho biết vì khoảng thời gian năm nhất mới lên đại học còn bỡ ngỡ, nhiều người nảy sinh tâm lý chểnh mảng, thiếu tập trung dẫn đến các môn học đại cương không đạt được kết quả tốt. Cuối cùng, chỉ còn cách sửa chữa sai lầm bằng việc học thêm một lần nữa.
Từ "cưỡi ngựa xem hoa" đến tăng tốc học cải thiện
Bắt đầu một chặng đường mới, lần đầu rời xa gia đình đến một thành phố xa lạ, hầu hết các tân sinh viên đều hào hứng làm thế nào để hòa nhập với môi trường mới. Ai cũng muốn được tư do, tự mình quyết định mọi điều hôm nay đi đâu, chi tiêu ra sao,... Cũng từ đây, nhiều bạn sinh viên năm nhất nảy sinh tâm lý muốn nghỉ xả hơi sau 12 năm đèn sách, cho rằng các môn học năm nhất chủ yếu là môn đại cương, không quá nặng nề. Nhiều người bắt đầu mải chơi, đánh mất mục tiêu ban đầu của bản thân là tiếp tục cố gắng học tập.
Học tập ở một môi trường mới khiến nhiều sinh viên năm nhất choáng ngợp, cộng thêm việc chưa nắm rõ các kỹ năng học ở đại học dẫn đến kết quả học tập những kỳ đầu tiên thường không như mong đợi.
Mỹ Linh (sinh viên năm 2 trường đại học tại Hà Nội) cũng cho biết bản thân từng chểnh mảng học hành sau khi buông lỏng bản thân. Từ Tuyên Quang tới Hà Nội học tập, Linh choáng ngợp với nhiều thú vui, tiện ích ở thành phố lớn, cô bạn thừa nhận thời điểm năm nhất gần như không tập trung nhiều cho chuyện học:
"Đầu năm thứ nhất, mình mang tư tưởng học như chơi, cho rằng các môn đại cương học thuộc là được, cộng thêm tâm lý muốn nghỉ ngơi sau kỳ thi tốt nghiệp căng thẳng. Nhưng chơi quá đà nhận hậu quả ngay, kỳ I năm nhất điểm tổng kết của mình hạng trung bình. Lúc này mới tá hỏa chấn chỉnh bản thân gấp vì trước đó kết quả học tập của mình luôn ở mức khá".
Đối tượng cảm nhận rõ nhất hậu quả của việc lơ là học tập từ năm nhất có lẽ là hội sinh viên năm cuối. Sắp ra trường mà nhiều môn điểm thấp lúc này nhiều bạn trẻ mới tăng tốc tìm lớp học cải thiện môn. Không dừng lại ở việc điểm thấp, nhiều bạn còn trượt môn, học lại chồng chất.
Đức Anh (sinh viên năm cuối) chia sẻ: "Năm nay mình bước vào năm cuối đại học, nhìn lại bảng điểm thấy nhiều môn từ năm nhất điểm thấp mà lo lắng mất ăn, mất ngủ, sợ đến lúc ra trường không đủ điểm phẩy để nhận bằng khá. Mình đang cố gắng tìm lớp học cải thiện môn với hy vọng nâng cao điểm tổng kết ra trường. Các bạn năm nhất đừng mải vui quá mà lơ là như mình trước đây để hiện tại vừa mệt vì lịch học dày đặc, vừa tốn kém không ít tiền".
Bài học để trưởng thành
Năm đầu đại học là thời gian lý tưởng để sinh viên phát triển kỹ năng còn thiếu nhưng nhiều bạn lại bào chữa rằng "còn nhiều thời gian đi đâu mà vội, để năm 3, năm 4 học vẫn chưa muộn". Nhưng thực tế, đến những năm cuối nhiều người mới tiếc nuối khoảng thời gian mà bản thân đã bỏ phí.
Là người đi trước và nhận thấy hậu quả khôn lường nếu không tập trung học ngay từ năm nhất, Ngọc Anh chia sẻ: "Năm nhất mà mải mê chơi là dở lắm, lên đại học không còn bố mẹ đốc thúc nên mình lơ là một ly là đi một dặm. Nhiều khi dù có học cải thiện cũng không đủ để kéo điểm ra trường. Tốt nghiệp với tấm bằng trung bình mình còn thất vọng nữa là nhà tuyển dụng. Nên ngay từ năm nhất, các bạn hãy tận dụng quãng thời gian này để trau dồi kỹ năng thay vì mải mê với các cuộc vui bên ngoài.
Không chủ quan với bất kỳ môn học nào. Đặc biệt, mình thấy việc tham gia các câu lạc bộ trường, mở rộng mạng lưới các mối quan hệ cùng giúp bản thân nâng cao sự tự tin và học được nhiều kỹ năng mềm".
Bài học "ngủ quên trên chiến thắng" không phải của riêng ai. Tâm lý muốn nghỉ ngơi sau quãng thời gian ôn thi vất vả là điều dễ hiểu, bạn choáng ngợp và muốn tìm hiểu thế giới sau khi tự lập cũng là lẽ tất nhiên. Thế nhưng, vui chơi, giải trí không quên nhiệm vụ và mục tiêu ban đầu vẫn là học tập, rèn luyện bản thân. Những năm tháng đại học sẽ trở nên lãng phí nếu như chúng ta không nghiêm túc với mục tiêu và dự định của mình. Dù là năm nhất ai cũng cần biết cách quản lý bản thân.
Quan điểm của bạn như thế nào về vấn đề này?
Khi còn ở cùng với gia đình, được chăm sóc kỹ càng đến từng bữa ăn, mọi việc đều có bố mẹ nhắc nhở, đến khi học đại học, nhiều bạn xa nhà phải sống một mình, tự chủ mọi thứ, không ít sinh viên năm thứ nhất buông lỏng bản thân, chểnh mảng học tập với tâm thế "cưỡi ngựa xem hoa". Điều này có thể kéo theo nhiều hệ quả không tốt ảnh hưởng đến kết quả học tập, định hướng tương lai. Trân trọng từng giây phút để cố gắng phát triển bản thân là điều mà người trẻ không nên bỏ lỡ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất