Mourinho còn phải học Sir Alex nhiều!

03/11/2015 06:31 GMT+7 | Chelsea

(Thethaovanhoa.vn) – Sau thất bại thứ 6 trong 11 vòng đấu Premier League đầu tiên trước Liverpool cuối tuần qua, tương lai của Jose Mourinho đang bị đặt dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, “Người đặc biệt” lại chọn cách né tránh những câu hỏi từ giới báo chí. Về điều này, ông cần phải học hỏi rất nhiều từ Sir Alex Ferguson, một bậc thầy về đối nhân xử thế.

Mặc dù luôn là nhân vật yêu thích của giới truyền thông, điệp khúc “Tôi không có gì để nói” mà Mourinho dành tặng cho các nhà đài trong buổi phỏng vấn sau trận đấu vào thứ Bảy vừa rồi cũng không giúp cho tình hình trở nên sáng sủa hơn với HLV người Bồ Đào Nha. Ai cũng có những lúc cảm thấy khó chịu với cánh báo chí nổi tiếng phiền nhiễu của nước Anh, nhưng cách đối mặt với những vấn đề đã tạo nên sự khác biệt cơ bản giữa Sir Alex Ferguson và Mourinho.

Trốn tránh thực tại không bao giờ là một điều tốt, và hình ảnh của CLB là một trong những điều tối quan trọng. Ferguson có lẽ là người hiểu rõ nhất điều này. Chiến lược gia người Scotland từng nói: “Điều đó (ứng xử với giới truyền thông) giống như đối phó với một vết rách nhỏ xíu trên chiếc áo của bạn. Nếu không nhanh chóng khâu nó lại, vết rách sẽ ngày càng to”.

Cựu HLV trưởng Man United có một câu nói ưa thích với các cầu thủ vào ngày sau trận thua: “Các bạn có hài lòng với những dòng tít báo sáng nay không?”. Đó là một cách làm nhẹ đi nỗi buồn thua trận của họ, đồng thời hạn chế khả năng các học trò sẽ cảm thấy xấu hổ và né tránh HLV sau thất bại. Sau đó, Ferguson chốt lại bằng việc tiết lộ những điều tốt đẹp ông sẽ phát biểu về học trò của mình trong buổi họp báo trước trận tiếp theo.

Có thể ông Ferguson sẽ là “Máy sấy tóc” cộc cằn với các phóng viên sau khi mất điểm, tuy nhiên vào buổi họp báo thứ Sáu tiếp theo, người ta luôn thấy một Ferguson vui vẻ và điểm tĩnh. Thất bại dường như chưa bao giờ xảy ra. Kể cả khi Man United để thua kình địch City 1-6, mọi chuyện vẫn diễn ra đúng theo khuôn mẫu đó.


So với Mourinho, Ferguson được đánh giá cao hơn rất nhiều ở mặt đối nhân xử thế

Ông Ferguson luôn hiểu được những điểm yếu của mình và rút ra kinh nghiệm sau thất bại. Ông đã từng bị Rangers bán đến Falkirk vào năm 1969, tuy nhiên vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với đội bóng cũ. Đồng cảm với người học trò cũ Cantona, ông Ferguson gần đây đã tiết lộ: “Cantona là một cầu thủ bị đánh giá thấp và là một con người thú vị. Anh ấy cần nhận được sự động viên rằng mình đang ở đúng CLB”. Không phải ngẫu nhiên mà ông dành hẳn một chương trong cuốn sách mới, Leading, để nói về thất bại (Failing).

Các ứng viên thay thế Mourinho: Pep là lý tưởng nhất. Ancelotti là phương án ngắn hạn

Các ứng viên thay thế Mourinho: Pep là lý tưởng nhất. Ancelotti là phương án ngắn hạn

Trong số các ứng viên thay thế Mourinho, Pep Guardiola là người lý tưởng nhất, song Chelsea khó có thể giành được chữ kí của ông vào thời điểm này.

Về phía Mourinho, ông chỉ có thể gây ra thêm rắc rối trong cơn hoảng loạn. Điều đó đã được minh chứng sau trận thua 1-3 trước Liverpool.

Từ cuộc phỏng vấn, Alvaro Arbeloa tiết lộ rằng Mourinho không có khả năng giúp các học trò đứng lên sau thất bại. Do thiếu đi sự tự tin, các cầu thủ Real Madrid dưới sự dẫn dắt của “Người đặc biệt” đã không thể bảo vệ chức vô địch La Liga 2012-13. Arbeloa, một trong những cầu thủ thường xuyên đá chính vào thời điểm đó, đã phải chứng kiến Mourinho tự cắt đứt niềm tin vô địch của toàn đội sau trận hòa Espanyol vào ngày 16/12/2012.

Arbeloa tiết lộ: “Tôi thường xuyên trao đổi với Jose (Mourinho) và ông ấy đòi hỏi rất nhiều ở các cầu thủ.  Ông ấy không biết làm gì khác ngoài việc đòi hỏi và đòi hỏi nhiều hơn nữa. Ông ấy sẽ quát thẳng vào mặt những cầu thủ thi đấu tồi: “Tôi không biết nói gì nữa”, “Cái quái gì đang xảy ra vậy?” hay “Anh tự thấy thế nào?”. Ông ấy không thể chịu nổi, cũng như đối mặt với sự thật là toàn đội đang rệu rã”.

Mourinho thường xuyên chỉ trích thậm tệ các cầu thủ của mình và mong rằng họ sẽ tiến bộ từ đó. “Người đặc biệt” từng phát biểu sau thất bại 0-1 trước Sevilla vào tháng 9/2012 về các học trò của mình: “Vấn đề của tôi là bước vào phòng thay đồ và thấy cả đội đang không ở đây”. Điều này đã khiến các cầu thủ chủ chốt như Iker Casillas, Sergio Ramos và Gonzalo Higuain sôi máu và yêu cầu một cuộc họp riêng với Mourinho. HLV người Bồ Đào Nha xem đây như một hành động tuyên chiến từ các cầu thủ.


Từ khi còn ở Real Madrid, "Người đặc biệt" đã nổi tiếng với việc gây ra nhiều rắc rối trong nội bộ đội bóng

Kể từ khi Mourinho trở lại London, chúng ta có thể thấy rõ ràng phong cách quản trị thù địch của ông. Hai tháng vừa qua vẫn tiếp tục là câu chuyện cũ: Mourinho mong muốn các học trò tự rút ra bài học từ những hành động gây sốc của mình. Ông quát tháo Nemanja Matic trên sân tập, tùy ý cất các cầu thủ chính thức trên ghế dự bị, công khai chỉ trích nữ bác sĩ Eva Carneiro, và gần nhất là bài trả lời phỏng vấn chỉ toàn những câu “Tôi không có gì để nói” sau trận thua Liverpool. Mourinho vẫn là tâm điểm của sự chú ý như thường lệ, nhưng chẳng có gì xảy ra.

Tại Madrid, không có ví dụ nào tốt hơn để nói về việc Mourinho thường xuyên hủy hoại mối quan hệ với các học trò như sự việc xảy ra giữa ông và Cristiano Ronaldo. Sau khi trận đấu cuối cùng của mùa bóng 2012-13 - mùa giải trắng tay của đội bóng Hoàng gia - kết thúc, Ronaldo đã không dám nhìn thẳng vào HLV của mình, điều chưa từng xảy ra khi anh còn thi đấu dưới sự dẫn dắt của ông Ferguson, người đã cho anh tất cả. Sau đó, Mourinho trở lại Chelsea và vô địch Premier League. Những cầu thủ vừa mới đem về chức vô địch mùa giải trước cho Chelsea, nay lại phải lắng nghe những lời chỉ trích thậm tệ của Mourinho nhắm vào mình. Chắc rằng họ chỉ chờ để nói với HLV người Bồ Đào Nha: “Ông nghĩ mình là ai vậy?”.

Có thể nói rằng Mourinho cũng giống như Ferguson, đã từng trải qua nhiều thất bại trong quá khứ. Việc không được chọn làm HLV của Barcelona vào năm 2008 và Man United năm 2013 đã khiến HLV người Bồ Đào Nha phải nếm trải những cay đắng. Tuy nhiên, những thất vọng lúc đó phần nhiều chỉ là ảo tưởng. Giờ đây, Mourinho phải chấp nhận sự thật rằng mình cũng phải đấu tranh để giữ ghế như bao HLV khác, và sự yếu đuối cũng là một phần trong con người ông, đồng hành với tài năng xuất chúng cùng cá tính mạnh mẽ đã được khẳng định.

Duy Hải
Theo Independent


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm