Trần Bảo Sơn: Đau như kim đâm vào tim!

02/02/2012 10:15 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Ban đầu, doanh nhân Trần Bảo Sơn (phu quân của Trương Ngọc Ánh) đến với điện ảnh bằng một vai rất nhỏ trong Sài Gòn nhật thực chỉ vì lời xúi giục của vợ. Xem phim này, ai cũng nghĩ anh chiều vợ và ham vui, chứ chẳng có tương lai gì, vì điện ảnh đang đất chật người đông, thêm một người tay ngang, cũng vậy. Thế nhưng, đến nay, sau 2 vai diễn rất thành công (trong Huyền thoại bất tử Giao lộ định mệnh), cái tên Trần Bảo Sơn lại trở thành “điểm ngắm” của nhiều nhà sản xuất.

Dạo một vòng qua các trang mạng hiện nay đủ thấy độ “hot” của phim tâm lý - rùng rợn Căn nhà trong hẻm (KB-ĐD: Lê Văn Kiệt), mà Trần Bảo Sơn vào vai chính tên Thành và Ngô Thanh Vân vào vai Thảo, sẽ khởi chiếu ngày 14/2/2012 trên toàn quốc. Phim này được hệ thống rạp “chảnh” hiện nay là MegaStar nhận phát hành vì cái nhìn xuyên suốt, không gây xao lãng hay bối rối cho khán giả về sự biến đổi tâm lý đến rùng rợn của nhân vật sau một biến cố tưởng như không thể vượt qua được.

Báo TT&VH có cuộc trò chuyện với Trần Bảo Sơn về vai diễn “nặng đô” này.

Dằn vặt nội tâm

* So với vai giang hồ đấm đá Sơn “đại ca” trong Huyền thoại bất tử thì rõ ràng Thành “tâm lý” trong phim này đã có nhiều điểm khác biệt, từ tạo hình, nét diễn cho tới tính cách. Thế nhưng, nếu so với vai Mạnh cũng thiên về diễn biến nội tâm, tìm lại ký ức trong Giao lộ định mệnh thì anh phải làm thế nào cho có sự khác biệt ở vai này?

- Thực lòng mà nói, phần nhiều sự khác biệt trong vai diễn phải đến từ ý đồ kịch bản và yêu cầu diễn xuất của đạo diễn, diễn viên chỉ góp thêm một phần để làm cho rõ nét hơn. Bởi như chúng ta từng biết, có nhiều diễn viên nổi tiếng nhưng “bị chết” vào vài kiểu vai cố định, vì họ được đo ni cho các vai ấy.

Khi đọc kịch bản Ngôi nhà trong hẻm, tôi thấy thích vai này ngay vì nó đủ chiều sâu, sự khác biệt và thách thức với khả năng diễn xuất của bản thân, nên rất cố gắng trau dồi để làm cho nó phong phú và góc cạnh hơn nữa. Vai này có hành động, có kịch tính, nhưng có lẽ làm cho người diễn viên mệt nhất là ở sự dằn vặt tâm lý. Bởi không người đàn ông nào muốn gia đình mình rơi vào hoàn cảnh bất thường và tuyệt vọng như gia đình Thành; mà ngoài đời, khi tuyệt vọng, người ta có thể tìm quên bằng nhiều thứ, trong phim này chỉ có đối diện và vượt qua, nên càng mệt mỏi hơn. Tôi không muốn so sánh, nhưng nếu phải chỉ ra, thì Sơn đại ca đau về thân thể, Mạnh đau về tâm trí, Thành đau như kim đâm vào tim.

Trần Bảo Sơn trong vai Thành. Ảnh: Psycho Lĩnh

* Tôi được biết với phim này, đạo diễn chọn lối quay tuyến tính từ đầu chí cuối nhằm giữ kịch tính và cảm xúc cho diễn viên, nên mất khá nhiều thời gian ở phim trường. Trong cách diễn, anh cảm thấy mình bị lệ thuộc vào chỉ đạo của đạo diễn đến mức độ nào?

- Lê Văn Kiệt thuộc nhóm những đạo diễn mới của làn sóng Việt kiều, chủ quan mà nói, tôi thấy Kiệt rất có triển vọng với phim trong nước, anh sẽ còn đi xa hơn nữa.

Trong phim này, càng về sau tôi càng thấy “diễn đã” vì hoàn tất được những trường đoạn quan trọng và then chốt nhất - đó chính là lợi thế của lối quay phim tuyến tính. Tôi cũng chọn cách làm việc chủ động, sau các đúp diễn đạt yêu cầu của đạo diễn, nếu mình thấy chưa thật thích thì xin trình bày cách của mình, thật vui là Kiệt đã chấp thuận cách này và đã chọn nhiều đề nghị của tôi vào phim.

Một phim thành công thường phải trải qua ít nhất bốn giai đoạn để hoàn tất nó, mà quay phim chỉ là một giai đoạn quan trọng trong đó. Tuy nhiên, tôi có cái cảm giác rất tốt về phim này, khi ở phim trường, đạo diễn đã cho thấy nhiều cách xử lý tinh tế, ví dụ như ngôi nhà với Kiệt cũng là nhân vật chính nên anh buộc nó phải luôn biến đổi cho hợp tâm lý của chủ nhân. Kiệt cũng luôn tạo xúc tác để tôi bị chìm vào sự dằn vặt nội tâm, cho nên, dù thời gian quay khá dài, nhưng các diễn viên vẫn giữ được cảm giác của mình.

Phim Ngôi nhà trong hẻm sẽ công chiếu dịp Lễ Tình nhân - 14/2/2012

Dần chuyên nghiệp hơn

* Hãng phim riêng của gia đình anh và cộng sự từng tham gia sản xuất Áo lụa Hà Đông, Để Mai tính… - những phim không có sự diễn xuất của anh. Nghe nói anh với Sơn Phạm vừa hoàn tất kịch bản với tên gọi tạm thời là Con đường vô tận, một phim tình cảm pha trộn chất hành động - xã hội đen, sẽ bấm máy trong năm nay tại TP.HCM và New York. Vừa là nhà sản xuất, vừa đóng vai chính, anh cho biết mức đầu tư của nó sẽ thế nào?

- Ồ, từ đâu mà bạn anh biết thông tin vậy, thực sự tôi chưa muốn nói nhiều về dự án này, vì mọi thứ dù đã được chuẩn bị khá chu đáo, nhưng thời khắc để công bố còn chưa chọn được, năm Nhâm Thìn này sẽ rất dài. Phim quay ở hai quốc gia, pha trộn thể loại, nên chắc chắn mức đầu tư không thể thấp, nhưng nó cũng không được phép quá cao so với mức trần mà thị trường điện ảnh trong nước cho phép. Không phải vì đóng vai chính mà tôi sẽ rời bỏ sự tỉnh táo của người làm kinh doanh để có một phim thiệt đã, bởi chúng tôi muốn ngày một chuyên nghiệp hơn, nên sẽ đi chầm chậm.

* Nếu các dự án phim sau này thành công, anh có nghĩ mình sẽ bỏ công việc kinh doanh hiện tại để theo hẳn cái ước mơ điện ảnh mà từ nhỏ không được gia đình khuyến khích?

- Chắc không, vì tôi thích song hành, khi ở lĩnh vực này, dường như mình tỉnh táo hơn để nghĩ về lĩnh vực kia và ngược lại. Hơn nữa, sản xuất điện ảnh vẫn là chuyện của nghệ thuật, mà nghệ thuật thì không thể làm đều đều, phải có sự ngắt quãng để tìm kiếm và suy tư. Những lúc ấy, tôi lại làm công việc đã giúp bản thân có được như ngày hôm nay.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm