Nguy hiểm rình rập ở 'bãi tắm' Hồ Tây

08/07/2016 07:33 GMT+7 | Hà Nội ngày nay

(Thethaovanhoa.vn) - Dù các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần đưa tin về các vụ tai nạn đuối nước đồng thời cảnh báo về những nguy hiểm rình rập khi bơi tại những bãi tắm tự phát, thế nhưng bãi tắm tự phát tại hồ Tây vẫn đông đúc người dân đến tắm vào mùa hè.

Hà Nội không thiếu bể bơi, chỉ tính riêng khu vực Tây Hồ đã có bể bơi Thắng Lợi, Sao Mai, Tây Hồ,… giá vé dao động ở mức 80.000 đồng với người lớn, 50.000 đồng với trẻ em. Trong suốt 3 tháng hè tiết trời như đổ lửa, nhu cầu bơi lội của người dân thủ đô đặc biệt tăng cao nên tình trạng các bể bơi luôn đông nghịt người.

Đây có thể là những lí do khiến nhiều người dân chọn bơi ở hồ Tây, một bãi tắm vừa miễn phí vừa không phải chen chúc. Bên cạnh đó, lòng hồ Tây vào dịp hè thường cạn nước, nhiều điểm độ sâu chỉ khoảng 50 - 60 cm.

Do vậy, nhiều người chủ quan cho rằng, nước không sâu lắm, không lo bị đuối nước. Vì vậy, mặc dù chính quyền địa phương đã cho lắp biển báo “Khu vực nguy hiểm, cấm tắm - bơi lội” ở ngay bậc thang lên xuống hồ, song nhiều người vẫn “phớt lờ” để xuống bơi.

Cả người và vật nuôi… cùng bơi

Đoạn hồ Tây thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ là nơi tập trung nhiều người bơi nhất, không chỉ người lớn, mà còn có nhiều trẻ em, thậm chí trẻ nhỏ cũng được bố mẹ đưa đi tắm. Nhiều trẻ xuống bơi không mặc áo phao, trong đó có cả những em dù không biết bơi nhưng cha mẹ chủ quan nghĩ rằng “nước không sâu không lo bị tai nạn đuối nước, hơn nữa ở đây lại rất đông người” - Chị Bùi Bích Phương (27 tuổi, phường Quảng An, quận Tây Hồ) đưa con gái đi tắm nói.


Hồ Tây trở thành “bể bơi” khổng lồ

Những người đến bơi dường như không quan tâm đến nguy cơ mắc bệnh từ nguồn nước, chưa kể rất nhiều rác thải cũng như vật dụng sinh hoạt bị ném xuống hồ, không ai biết dưới lòng hồ ẩn chứa những “dị” vật gì: mảnh chai, thủy tinh hay rác thải... Thậm chí dưới hồ, người lớn, trẻ em và cả vật nuôi cùng thỏa thuê vùng vẫy.

Trên bờ, một số người mang đồ ăn đến bán, trải chiếu phục vụ “khách bơi” nghỉ ngơi. Hồ Tây bỗng nhiên biến thành một bể bơi khổng lồ, khi dịch vụ đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu của người đi bơi.

Hồ Tây là khu dân cư tập trung nhiều người nước ngoài, cũng là một trong những điểm khi tới thăm Hà Nội du khách thường tới. Bởi vậy, ngoài những nguy hiểm rình rập người tắm, tình trạng “bãi tắm hóa” khu vực thơ mộng và lãng mạn này đã khiến hồ Tây bị mất mĩ quan nghiêm trọng.

Khó quản lý

Anh Chiến - người bán nước ven hồ đoạn gần khu vực tập trung đông người tắm nói: “Cứ hè là ở đây đông người bơi, dù bể bơi Sao Mai ở ngay gần, dù phường ráo riết đi qua đi lại nhưng không bảo được đâu, chỉ là giải pháp đối phó thôi, ai tắm thì vẫn cứ tắm”. Anh vừa nói vừa chỉ tay theo người phụ nữ đang chở hai bé gái mang theo chiếc phao chuẩn bị xuống hồ bơi: “Bao năm rồi vẫn thế, chưa có chế tài xử phạt thì quản lý khó lắm!”.


Tổ bảo vệ dân phố phường Quảng An làm nhiệm vụ "canh giữ” hồ Tây

Từ  3 giờ chiều, đã lác đác vài người xuống tắm, càng về chiều thì càng nhiều người tìm tới “bãi biển” hồ Tây song lại phải e dè bởi hơn 4 giờ chiều, công an trật tự phường đã có mặt tại các điểm hay tập trung người dân xuống tắm để nhắc nhở, cảnh báo. Cùng với đó là các tổ công tác tổ chức tuyên truyền về những nguy hiểm cận kề khi xuống tắm ở hồ Tây.

Thế nhưng, khi vắng bóng lực lượng chức năng, một số người dân thiếu ý thức vẫn xuống hồ bơi, lội. Không chỉ dừng ở việc lắp đặt hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm, chính quyền địa phương Quảng An đã chỉ đạo, vào mùa hè trật tự phường sẽ canh ở đây buổi chiều để nhắc nhở, bảo vệ người dân.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Văn Vị - tổ viên tổ bảo vệ dân phố phường Quảng An cho biết: “Bây giờ cũng bớt người xuống tắm so với mấy năm trước rồi, nhưng cứ không có chúng tôi đứng ở đây là họ lại xuống tắm đông lắm. Chúng tôi không có chế tài xử phạt họ, chỉ đứng ở đây canh me nhắc nhở họ đi lên thôi, nhiều người khi chúng tôi gọi lên còn vẫy tay bảo chúng tôi xuống đây mà tắm!”.

Dù nguy hiểm luôn rình rập nhưng một bộ phận người dân vẫn cố tình “phớt lờ” lưỡi hái tử thần. Bơi lội tại ao hồ kéo theo rất nhiều những hệ lụy và ngày hè nắng nóng còn kéo dài, tình trạng này sẽ còn tiếp tục tiếp diễn, để tránh những tai nạn thương tâm, chính quyền địa phương cần phải phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan chức năng, nâng cao công tác tuyên truyền để người dân hiểu và làm theo, cương quyết không để người dân xuống tắm tại các khu vực nguy hiểm.

Theo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm