Li Na và nguồn cảm hứng cho quần vợt Trung Quốc

19/10/2023 06:25 GMT+7 | Thể thao

Dù đã rời xa ánh sáng của những trận đấu quần vợt, cựu tay vợt Li Na vẫn để lại tầm ảnh hưởng lớn lao cho làng quần vợt Trung Quốc, để những tay vợt đi sau tìm thấy con đường tiếp cận đỉnh cao quần vợt thế giới.

Khi tạp chí Time công bố danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2013, đáng ngạc nhiên trong số những cái tên mang tính biểu tượng ở nhiều ngành nghề khác nhau lại có sự hiện diện của nữ tay vợt Li Na, khi ấy là một hiện tượng mới nổi của làng quần vợt nữ thế giới.

Li Na những định kiến của Trung Quốc về quần vợt

Ngoài những thành công đáng ghi nhận trong làng banh nỉ, cựu tay vợt người Trung Quốc khi ấy còn là biểu tượng về sự chuyển dịch văn hóa, xóa bỏ những quan niệm truyền thống có phần lạc hậu và mở ra một kỷ nguyên nhận thức mới. Tinh thần của một chiến binh giúp Li Na giúp quần vợt bùng nổ mạnh mẽ ở Trung Quốc, thu hút khán giả đồng thời củng cố vị thế của nữ tay vợt sinh năm 1982 này. Có người còn nói rằng tầm ảnh hưởng của Li Na không thua gì những tiền bối như Billie Jean King hay Martina Navratilova từng làm.

Một thập kỷ sau, dù đã rời bỏ quần vợt, vị thế của Li Na không hề bị xoay chuyển. Điều này được thể hiện qua phát biểu của Zheng Qinwen, một tay vợt nữ mới nổi người Trung Quốc tham dự US Open năm nay. Khi được hỏi liệu Li Na có phải thần tượng của mình, nữ tay vợt sinh năm 2002 này thẳng thắn chia sẻ: "Bạn đã nói đúng tên thần tượng của tôi rồi. Đó chính là Li Na. Nếu bạn muốn nhắc về kỷ niệm đầu tiên, đó chính là việc cô ấy vô địch Roland Garros 2011. Đó là lần đầu tiên một tay vợt châu Á vô địch một giải Grand Slam. Điều này truyền cảm hứng cho những người trẻ như tôi. Trong khoảnh khắc ấy, tôi chợt nghĩ: Oh, là một tay vợt châu Á, tôi có quyền nghĩ đến hy vọng vô địch một giải Grand Slam, một sân khấu lớn cho các tay vợt. Trước kỳ tích ấy (của Li Na), quần vợt không phổ biến lắm ở Trung Quốc".

Li Na rõ ràng đã đi trước thời đại, mở ra bộ mặt mới cho những tay vợt người châu Á tranh tài tại các giải đấu lớn, không phân biệt nam hay nữ. Sau khi vô địch Roland Garros 2011, cô mất ba năm nữa để giành danh hiệu Grand Slam tiếp theo ở Australian Open. Bên ngoài làng banh nỉ, con đường sự nghiệp của Li Na được gây dựng trên nền tảng của hệ thống thể thao nhà nước Trung Quốc vốn có những quy định gây cản trở. Nữ tay vợt này không ngần ngại lên tiếng để thay đổi những luật lệ không còn phù hợp. Cụ thể hơn, từ sau Olympic Bắc Kinh năm 2008, các tay vợt người Trung Quốc đã được quyền tự sắp xếp lịch thi đấu, tự chọn đội ngũ và được nhận tiền thưởng nhiều hơn. Đó là một sự khác biệt đáng kể với quy định cũ khi họ phải nộp 65% tiền thưởng cho ngân sách quốc gia, một sự dịch chuyển đáng kể. Còn về phía cá nhân Li Na, thành tích của cô thăng tiến đáng kinh ngạc. Nữ tay vợt sinh năm 1982 này thường xuyên lọt vào Top 10, giành hai chức vô địch Grand Slam.

Li Na: Nguồn cảm hứng cho quần vợt Trung Quốc - Ảnh 1.

Dù đã rời quần vợt gần một thập kỷ, Li Na đã tạo cảm hứng để quần vợt Trung Quốc phát triển với lứa tay vợt trẻ trung tài năng

Các tay vợt Trung Quốc xâm chiếm WTA

Tầm ảnh hưởng của Li Na với những tay vợt người Trung Quốc không thua gì chị em nhà Williams (Venus Williams-Serena Williams), những người mở ra chân trời mới cho những tay vợt da màu người Mỹ. Điều này quan trọng bởi thị trường Trung Quốc với dân số lên đến 1,4 tỷ người hoàn toàn có tiềm năng phát triển những tay vợt hàng đầu. Nguồn cảm hứng Li Na tạo ra giúp quần vợt Trung Quốc ngày càng tìm thấy chỗ đứng trên bảng xếp hạng của WTA. Có 5 tay vợt đến từ Trung Quốc nằm trong Top 100 (và đều là những tay vợt ở độ tuổi trên dưới 20), bao gồm: Zheng Qinwen (hạng 23), Zhu Lin (hạng 34), Wang Xinyu (hạng 37), Wang Xiyu (hạng 57) và Wang Yafan (hạng 95). Hai trong số này là những tay vợt từng lọt vào tứ kết tại các giải Grand Slam, còn ba người còn lại từng vô địch ở các giải đấu thấp hơn.

Sự phát triển mạnh mẽ của quần vợt Trung Quốc như đã thấy ở các giải đấu thuộc hệ thống WTA và IMF, có dấu ấn không nhỏ từ thành công của Li Na. Điều này giúp các tay vợt Trung Quốc tự tin hơn trong việc tiến sâu vào những nấc thang của quần vợt chuyên nghiệp. Với Zheng Qinwen, cô gái 21 tuổi này đang đặt mục tiêu sẽ sớm lọt vào Top 10. Nữ tay vợt này vừa lọt vào tứ kết US Open sau khi đánh bại một tay vợt đáng gờm là Ons Jabeur ở vòng 4 đồng thời giành danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp ở Palermo. Về phía các tay vợt nam, Zhang Zhizhen cũng đang cho thấy những bước tiến đáng khen ngợi. Một năm trước, nam tay vợt sinh năm 1996 này lần đầu tiên lọt vào Top 100 trên bảng xếp hạng ATP và giờ thứ hạng của anh là 52.

Rõ ràng, Li Na đang mở lối cho một nền quần vợt đầy triển vọng ở Trung Quốc. Như lời phát biểu của Zheng Qinwen: "Quần vợt đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc và Li Na đã để lại hạt giống ước mơ trong trái tim tôi". 

Li Na

Sinh năm 1982

Bắt đầu sự nghiệp năm 1999, giải nghệ năm 2014

Thành tích thi đấu: thắng 503 trong 728 trận (tỷ lệ chiến thắng đạt 72,8%)

Số danh hiệu: 9 (trong đó có 1 lần vô địch Australian Open, 1 lần vô địch Roland Garros)

Vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng WTA: thứ 2 (ngày 17/2/2014)

 

Đức Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm