Kỷ lục của Messi có còn tốt cho Barcelona?

17/03/2013 13:43 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Lionel Messi vừa lập thêm một kỷ lục nữa sau trận thắng Deportivo 2-0 cuối tuần trước: Ghi bàn trong 17 trận liên tiếp ở Liga. Nhưng quá nhiều kỷ lục cho riêng anh có còn là điều tốt cho Barcelona nữa hay không?

Messi kết thúc năm 2012 với 91 bàn thắng- kỷ lục của sự hiệu quả. Trận gặp Deportivo là lần ra sân liên tiếp thứ 39 của Messi ở Liga, đó lại là kỷ lục của sự bền bỉ. Tức là Messi duy trì được phong độ phi thường của anh ngay cả khi đã “lao động” với cường độ vượt xa trí tưởng tượng của những nhà khoa học thể thao. Nhưng mọi chuyện có đơn giản như thế?



Messi (trái) đã để những đồng đội như Xavi phục vụ quá nhiều mà không biết hy sinh hơn?

Ra sân nhiều nhất, nhưng là người “lười” nhất

Vì Liga không có những thống kê cụ thể về quãng đường di chuyển của các cầu thủ, chúng ta sẽ dựa vào các thống kê tại Champions League được trang chủ của UEFA cung cấp. Kết luận của các con số: Messi ra sân nhiều nhất, ghi bàn nhiều nhất, nhưng chạy ít nhất.

Tiền đạo người Argentina đã chạy tổng cộng 44.027 mét trong 572 phút thi đấu, ghi năm bàn thắng và có ba đường kiến tạo. So sánh với Xavi: 56.552 m trong 531 phút. Bộ não của Barca thi đấu ít hơn Messi chừng nửa tiếng đồng hồ, nhưng lại chạy nhiều hơn khoảng... 12 cây số.

Mỗi phút, Messi chạy khoảng 76,97 m. Cầu thủ hoạt động tích cực nhất của Barca, Cesc Fabregas, chạy hơn 111 m/phút. Tất nhiên, mỗi vị trí đòi hỏi cường độ vận động khác nhau, và các tiền vệ thường chạy nhiều hơn tiền đạo, nhưng khi nhìn vào hàng công, các con số cũng không thay đổi là mấy: Người đứng gần Messi nhất về độ “lười” tại Barca, tiền đạo cánh Pedro, cũng di chuyển xấp xỉ 99 m/phút ở Champions League mùa này.

Tiền đạo cắm của Chelsea, Fernando Torres, thậm chí còn chạy 118 m/phút! Còn Cristiano Ronaldo, đối thủ lớn nhất của Messi, cũng di chuyển 112,9 m/phút.

Tất nhiên, chạy nhiều chưa hẳn đã là tốt (cứ nhìn Torres thì rõ), và quãng đường di chuyển không phản ánh chính xác đóng góp của một cầu thủ cho đội bóng của anh ta, nhưng thực sự là Messi chạy quá ít so với các đồng đội của anh, và thậm chí là quá ít so với mặt bằng chung của các cầu thủ tấn công hiện nay.

Trường hợp phi thường của Messi

Messi thực sự “lười biếng”, hay đơn giản là anh được chỉ đạo rằng chỉ được phép di chuyển chừng ấy, hoặc cả hai? Dù giả thiết nào đúng, thì thực tế là cả đội Barca đã lao động nhiều hơn mức bình thường để tạo điều kiện cho Messi tỏa sáng.

Tất nhiên, tiền đạo người Argentina hoàn toàn xứng đáng với sự tin tưởng ấy, xét về mặt cá nhân. Một cách dễ hình dung, trong khi Ronaldo, hiện dẫn đầu danh sách ghi bàn ở Champions League, phải chạy chừng 10 cây số mới ghi được một bàn, thì Messi chỉ cần di chuyển gần 9 cây. Tốc độ, sự nhanh nhạy hơn người và khả năng nước rút khủng khiếp trong khi vẫn xử lý bóng một cách nhuần nhuyễn trong điều kiện ấy cho phép Messi cần rất ít thời gian để tạo đột biến. Tóm lại, nếu Barca vĩ đại phải phục vụ một ai đó, thì Messi chính là lựa chọn tốt nhất.

Sự phục vụ tận tụy ấy đã giúp Messi không những liên tục phá các kỷ lục ghi bàn, mà còn ra sân không ngừng nghỉ, hầu như không dính chấn thương. Nhưng nghịch lý là trong khi thành tích cá nhân của tiền đạo người Argentina cứ ngày một dày thêm, thì Barcelona lại càng khó khăn hơn với nhiệm vụ giành danh hiệu, hay ít ra là đánh bại các đối thủ trước đây từng là bại tướng quen thuộc của họ, đặc biệt là Real Madrid.

Cái gì quá đều không tốt

Hãy thử nhìn Messi một cách gián tiếp thông qua một “đối tác” trên hàng công của anh: David Villa. Tiền đạo người Tây Ban Nha chuyển sang Barca vào mùa 2010-11, và lập tức ghi 18 bàn sau 34 trận ở Liga. Mùa ấy, Messi ghi 31 bàn sau 33 trận. Mùa tiếp theo, khi Messi lập kỷ lục ghi 50 bàn ở Liga, Villa bắt đầu chấn thương liên miên, chỉ ra sân 15 lần và ghi năm bàn ở giải quốc nội.

Villa, vốn là một tiền đạo cắm khét tiếng, đã phải di chuyển ra cánh khi gia nhập Barca, và chạy nhiều hơn. Cho đến thời điểm này, khi đã 32 tuổi và cơ thể chịu nhiều hậu quả của những chấn thương, anh vẫn phải miệt mài chạy để “phục vụ” cho người đồng đội trẻ hơn mình bảy tuổi, và vốn xuất thân từ một tiền đạo cánh.

Cựu huấn luyện viên Barcelona Pep Guardiola đã thực hiện một thay đổi mang tính cách mạng khi kéo Messi từ cánh vào trung tâm, nhưng vào thời điểm này, việc “đóng đinh” cầu thủ người Argentina vào vị trí “số 9 ảo” đã bắt đầu cho thấy mặt trái.

AC Milan và Real Madrid đã vô hiệu hóa Barcelona với cùng một công thức: Không kèm người với Messi, mà tập trung cắt đứt liên lạc của anh với cả đội bằng cách giữ vị trí để tạo một rào chắn các hướng chuyền bóng cho anh (đặc biệt là từ Xavi và Andres Iniesta) hiệu quả nhất.

Messi phải phục vụ các đồng đội nhiều hơn nữa

Khi bị cô lập và cảm thấy không gian gần khung thành trở nên ngột ngạt, Messi thường lùi về nhận bóng ở khá sâu, nhưng thường là do cá nhân anh muốn thế, không phục vụ cho ý đồ chiến thuật cụ thể.

Chúng ta ít thấy những tình huống đột kích từ cánh phải như giai đoạn Messi mới được đôn lên đội một, hoặc những tình huống di chuyển không bóng liên tục với cường độ cao và phạm vi rộng để tạo ra các khoảng trống cho đồng đội. Những đường kiến tạo của anh cũng thường chỉ xuất phát từ trung lộ và như đã nói, mang tính cá nhân nhiều hơn là sự phục vụ có hệ thống cho lối chơi của Barca.

Hệ quả là khi Messi càng “được phép” chạy ít đi, thì các đồng đội của anh lại phải lao động nhiều hơn. Và khi sự chênh lệch này quá lớn, nó triệt tiêu cảm hứng của các vệ tinh xung quanh Messi: Pedro, Villa đều đã mắc phải vấn đề này. Bây giờ, hiệu ứng ấy lan ra đến cả tuyến tiền vệ, nơi bắt đầu bộc lộ sự mệt mỏi và nhàm chán.

Sẽ tốt hơn cho Barca nếu Messi chịu di chuyển ra khỏi vai trò số 9 ảo của anh và các đồng đội khác được chơi bóng với tư thế bình đẳng hơn một chút với tiền đạo người Argentina. Không thể bắt một cầu thủ xuất chúng như anh hy sinh hơn? Hãy nhìn đội tuyển Tây Ban Nha, nơi không có một Messi nào cả.

Nếu Barca vĩ đại phải phục vụ một ai đó, thì Messi là lựa chọn tốt nhất ?

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm