Không ngủ ở Saint Petersburg

11/07/2018 15:37 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Khách sạn nằm ngay trên đại lộ chính Nevsky, đóng cửa vào là đối mặt với một thế giới yên bình nhưng buồn tẻ. Chỉ cần mở cửa sổ ra là một thế giới đầy mới mẻ và vui tươi ùa vào. Có tiếng xe chạy ầm ỹ, tiếng người hát ở góc khố, tiếng các đôi trai gái đi qua cười trong trẻo, tiếng nói cười từ những quán ăn trên hè phố, các đám cổ động viên World Cup đang nhảy múa.

Những gương mặt Saint Petersburg

Đấy là một đêm tháng Bảy mát rượi ở thành phố châu Âu nhất của nước Nga, nơi mà người ta đang sống một cách ngấu nghiến và hưởng thụ cuộc sống, vui đùa với tuổi trẻ nhiều nhất có thể, lâu nhất có thể, trước khi mùa hạ qua, mùa thu và rồi đông tới với tuyết trắng trời, ngày ngắn lại và khiến cuộc sống của họ trở nên buồn tẻ. Đây chính là lúc mà người ta sống nhiều nhất, gấp gáp nhất.

Chú thích ảnh
Cung điện Mùa Đông, trong một đêm mùa Hạ. Ảnh: Anh Ngọc

Đêm trắng, ánh sáng dìu dịu của màn đêm đến tận khuya giống như ánh trăng quyến rũ và mời gọi tất cả ra đường, để sống, để yêu, để ngắm mọi thứ xung quanh, để cảm nhận được Saint Petersburg là gì, ngoài những kiến trúc đồ sộ in lên nền trời. Trời đêm vẫn sáng trong vắt, và ở xa kia, những cột, những mái vòm, các khối nhà vuông vức cùng những lâu đài với các bức tượng chạm trổ trên đó in hình lên trời.

'Đấu trường Zenit' xứng đáng là biểu tượng mới của thể thao Nga

'Đấu trường Zenit' xứng đáng là biểu tượng mới của thể thao Nga

Nằm trên một hòn đảo thuộc biển Baltic, sân vận động Saint Petersburg là một trong những sân bóng hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Công trình này được ví như là một biểu tượng mới của thể thao nước Nga

Người lữ khách khoác lên mình chiếc áo mỏng và bước ra đường, hít thật sâu bầu không khí lành lạnh của buổi tối, chợt nhớ đến những câu mở đầu trong tác phẩm "Đêm trắng" của Dostoevsky. Ông viết: "Đó là một đêm kỳ diệu, một đêm mà có lẽ chỉ có thể có được khi chúng ta còn trẻ. Bầu trời đầy sao, một bầu trời lộng lẫy đến mức ngước nhìn lên nó ta phải bất giác tự hỏi mình: chẳng lẽ những người cau có, trái tính trái nết đủ loại lại có thể sống dưới một bầu trời như thế?". Nhưng trên đại lộ Nevsky, không hề thấy đâu những khuôn mặt cau có, những nụ cười buồn rầu và những tâm trạng u ám theo kiểu Dostoyevsky. Ông sống ở đây, viết ở đây, đau đời cũng ở đây. Saint Petersburg chính là hình ảnh của Dostoyevsky lúc ông còn sống và sáng tác, to lớn, đồ sộ, kiêu hãnh, nhưng buồn. Ở cái đêm tháng Bảy mà người lữ khách rảo bước trên đại lộ Nevsky ấy, chỉ có những khuôn mặt rạng rỡ và vui tươi lãng mạn theo kiểu Pushkin, ông hoàng thi ca Nga, người cũng đã sống và chết ở nơi này, người đã ca ngợi cuộc sống, đã yêu nó bằng cả trái tim và tuổi trẻ.

Chú thích ảnh
Con kênh lung linh bóng nước như một bức tranh của Chủ nghĩa ấn tượng. Ảnh: Anh Ngọc

Đối với những lữ khách lần đầu đặt chân đến đây, những ấn tượng về Saint Petersburg thật mạnh. Thành phố được lập nên năm 1703 trên đầm lầy có mệnh danh là "thành phố xương" ấy (do hàng biết bao người tù khổ sai và lính đã chết ở đây trong quá trình xây dựng ở thế kỷ 18) là một dạng Venice trên mặt nước và những dòng kênh, nhưng nó lớn hơn, kì vĩ hơn, nguy nga và đồ sộ hơn, có cảm giác như nuốt chửng những ai vừa thấy nó.

Đối với những người đã choáng ngợp trước sự tráng lệ của Paris, một đô thị khổng lồ và đôi khi có vẻ diêm dúa, ngạo nghễ vì vẻ đẹp của nó thì Saint Petersburg nguy nga, nhưng dữ dội hơn, mạnh mẽ hơn, chủ yếu vì những dinh thự, lâu đài, những cây cột, những bức tượng đồng và quảng trường mênh mông của nó, khiến cho chúng ta cảm thấy nhỏ bé và bị lọt thỏm giữa những biểu tượng của quyền lực nằm trong những con đại bàng, những hàng cột cao vút, những khối nhà vuông vức ấy. Không ngạc nhiên khi người ta đã làm tất cả để thoát khỏi sự áp bức nghiệt ngã ấy của một đế chế, dù đã già cỗi. Những cuộc cách mạng đã nổ ra ở nơi đây để lật đổ nó, và cuộc Cách mạng 1917 đã tạo ra một bước ngoặt lớn lao cho lịch sử không chỉ nước Nga, mà còn của cả nhân loại. Rồi một cuộc bao vây Saint Petersburg kéo dài gần 900 ngày dẫn đến cái chết của gần 1 triệu người, vì súng đạn, vì đói (đến mức phải ăn cả thắt lưng) cũng chỉ để phục vụ ý tưởng điên rồ là muốn san phẳng một biểu tượng của chủ nghĩa vô sản của Hitler.

Chú thích ảnh
Người nghệ sĩ đường phố đang chơi bản "And I love her" của Beatles bên một dòng kênh. Ảnh: Anh Ngọc

Đêm trắng, bởi người ta muốn sống

Bây giờ, Saint Petersburg không chỉ lôi cuốn tất cả vì tầm vóc văn hóa của nó. Nó vẫn là thủ đô văn hóa của Nga. Những buổi hòa nhạc, ballet, các buổi đọc thơ đã diễn ra từ nhiều thế kỷ, và chưa từng bị đình trệ vì cuộc bao vây của phát xít Đức trong Thế chiến II, cho thấy người ta có đói lòng, nhưng không bao giờ được để đói khát về văn hóa và sự bình yên trong tâm hồn. Saint Petersburg cũng không chỉ là một tập hợp tuyệt diệu của những cây cầu tuyệt đẹp bắc qua dòng Neva, kìa là Cung điện Mùa đông, Cung điện Mùa hè, bảo tàng Hermitage, xa xa là nhà thờ thánh Isaac và tượng đồng cưỡi ngựa của Hoàng đế Peter, những ngôi nhà-bảo tàng mà các vĩ nhân văn học như Dostoevsky và Pushkin đã sống và chết. Saint Petersburg còn là những đêm trắng theo đúng nghĩa đen của nó, khi người trẻ ùa ra đường và thế giới ào ạt đến đây để cảm nhận những hơi thở của cuộc sống giữa những khối kiến trúc tưởng như lạnh lẽo mà hóa ra dễ thương nhường ấy, một khi người ta cởi mở lòng với cuộc sống, và người ta yêu. Đương nhiên, những người cô độc không hợp với nơi này. Saint Petersburg vẫn có thể là một tập hợp của những cảm xúc trái ngược, giữa quay cuồng của cuộc sống hiện tại với những bóng ma của quá khứ đè nặng lên từng khối nhà, sự hối hả đối lập với tĩnh tại và sự hân hoan sống đối chọi với nỗi cô đơn.

Chú thích ảnh
Một góc đại lộ Nevsky. Ảnh: Anh Ngọc

... Người lữ khách xuống một quán bar, nằm sâu trong tầng hầm của một căn nhà lớn trên phố Nevsky và uống chút gì đó cho đỡ lạnh. Thanh niên đang tụ tập ở đó. Họ uống. Họ cười đùa. Họ hôn nhau trong một không khí đậm đặc mùi hưởng thụ. Những cốc bia và rượu được rót ra. Tất cả cùng uống. Trên vỉa hè, hàng quán vẫn mở thâu đêm. Không chỉ có người trẻ ngồi với nhau ở đó, mà rất nhiều những người trung niên. Ở một góc phố sát với bờ kênh, một phụ nữ đang lặng lẽ hút thuốc. Trên một cây cầu, một nghệ sĩ đường phố đang đánh guitar bản "And I love her" của Beatlles. Khu Fanfest tập trung biết bao cổ động viên đang rùng mình trong tiếng nhạc rock, ngay cạnh nhà thờ Chúa cứu thế trên máu đổ đứng trầm mặc bên dòng kênh Griboyedov. Tất cả đang sống mạnh mẽ nhất, giống như những động vật đi kiếm ăn và hối hả giao phối trong mùa hè, trước khi sống nhiều tháng dưới hang khi đông về.

Dostoevsky lại viết trong "Tội ác và trừng phạt": "Đây là thành phố của những người dở điên dở dại... Hiếm có nơi nào có những ảnh hưởng đen tối, sắc cạnh và kì dị đối với tâm hồn con người như Saint Petersburg". Thời của ông khác lắm rồi. Bản thân những người như ông, nếu còn sống ở thế kỷ 21 này, chắc cũng lạc lõng và sẽ được đưa vào trại thương điên. Đương nhiên, Saint Petersburg hiện đại cũng có không ít vấn đề mà nó đang phải đối mặt. Nhưng với những người trẻ đầy năng động, tội ác có khi lại là ngồi nhà và không ra đường trong những đêm như thế này, và trừng phạt là tuổi thanh xuân sẽ bị nhanh chóng lãng quên.

Hơn 3 giờ sáng, sự yên bình trở lại với Saint Petersburg. Những chiếc xe rú ga và bật nhạc ầm ỹ với cửa kính mở đã không còn chạy nữa. Đường phố đã vắng lặng. Những người nghệ sĩ hát rong trên cầu cũng đã trở về nhà. Có một đôi trẻ đang hôn nhau đắm đuối bên một con kênh. Có một gã say rượu đang ngồi hát vu vơ trên bậc tam cấp của một tòa nhà lớn gần nhà của thi sĩ Pushkin, nay đã thành bảo tàng. Người lữ khách lững thững rời quán bar để trở về khách sạn, môi khẽ hát một câu rất vui vẻ. Ở cái nơi đầy sức sống này, có lẽ chẳng cần uống nhiều lắm cũng đã thấy say.

Đêm sắp tàn. Một ngày mới đang gõ cửa.

Saint Petersburg cũng là quyền lực

Saint Petersburg đã từng được coi là một đối trọng về quyền lực trong mọi lĩnh vực đối với Moskva.

Zenit Saint Petersburg là một ngọn cờ của bóng đá nước Nga chống lại Moskva. Luôn luôn khao khát và tìm tòi những hướng đi mới, đội bóng này đã luôn thách thức các quyền lực Moskva, vốn chiếm thế thượng phong ở giải vô địch Liên bang Nga. Lần gần nhất Zenit vô địch Nga cách đây đã 3 năm, cũng là thời kỳ đỉnh cao với 4 chức vô địch đoạt được trong 7 năm từ 2007 đến 2015, với sự tỏa sáng rực rỡ của người hùng Arshavin. Trong thời gian ấy, Zenit đã từng đoạt Europa League và Siêu Cúp châu Âu 2008.

Chú thích ảnh
Zenit St Petersburg giành Siêu Cúp châu Âu 2008 sau khi đánh bại M.U 2-1

Người chủ sở hữu của Zenit không phải ai khác mà chính là người khổng lồ về khai thác dầu mỏ và khí đốt Nga Gazprom. Mà người từng đứng đầu nó, Dmitri Medvedev, người vô cùng thân cận với Vladimir Putin, chính là người đã quyết định tặng Saint Petersburg một món quà lớn trước khi trở thành Tổng thống Nga: Đặt trụ sở của Gazprom ở đây và cho phép tập đoàn này tham gia các kế hoạch đồ sộ nhằm tạo ra bộ mặt mới của Saint Petersburg thế kỷ 21.

Chính Medvedev, và đặc biệt Putin, những con người đi ra từ thành phố cố đô này, là những quyền lực của nước Nga, những người đang tạo nên chính nước Nga hiện tại.

Anh Ngọc (từ Saint Petersburg, Nga)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm