Bài toán chiến thuật của Italia: “Chelsea hóa” để hạ “Bò tót”

10/06/2012 15:03 GMT+7 | Bảng C

(TT&VH) - Không nghi ngờ gì nữa, Cesare Prandelli sẽ sử dụng sơ đồ 3-5-2 và tất cả những con người có thể của Juventus để dàn thế trận đợi “cơn cuồng phong đỏ” Tây Ban Nha. Nhưng bí quyết tạo nên hy vọng chiến thắng cho Italia lại không đến từ Juve, mà là từ… Chelsea, đội bóng Anh đã truất ngôi Barcelona ở Champions League mùa giải vừa qua.

Chiến thắng “xấu xí” của Chelsea ở Champions League 2012 được coi là “chứng chỉ Vàng” cho chất lượng chiến thuật của người Italia thông qua nhà cầm quân trẻ Roberto Di Matteo. Cựu danh thủ Lazio và Chelsea này vốn không ưa chuộng tư tưởng phòng ngự, nhưng khi thứ đặc sản của người Italia đã ngấm vào máu, Di Matteo chẳng khó khăn gì để tạo ra một pháo đài màu xanh mang tên Chelsea từ đám “tàn quân” dưới tay người tiền nhiệm Villas-Boas. Cũng như Inter hai năm trước, Chelsea của Di Matteo đã tiến đến ngôi vương nhờ trình diễn “công nghệ phòng thủ” đỉnh cao để đánh bại đương kim vô địch Barcelona ở bán kết, xuất sắc trong cả hai lượt trận, đặc biệt là trận lượt về tại thánh địa Camp Nou của đối thủ.



Prandelli sẽ học cách phòng ngự từ đàn em Di Matteo?

Đến Camp Nou với mục tiêu phòng ngự tối đa hòng bảo vệ lợi thế dẫn 1-0 lượt đi, Di Matteo bố trí Chelsea đá 4-5-1, chỉ cắm duy nhất Drogba trên tuyến đầu. Ngay cả sau khi Terry bị thẻ đỏ giữa hiệp 1, sơ đồ vẫn cứ là 4-5-1, chỉ khác là không còn tiền đạo cắm nữa bởi Drogba phải về đá tiền vệ. Tất cả mục đích chỉ là nhằm tạo ra một mê cung người phía trước vòng cung 16m50 của đội nhà, ngăn chặn hoặc làm nản chí những pha tấn công trung lộ trứ danh của Barcelona. Để đối phó với bộ tứ huyền ảo Xavi-Iniesta-Fabregas-Messi, thường xuyên có từ 5 đến 7 cầu thủ Chelsea sẵn sàng áp sát, chiếm lĩnh hầu hết không gian nhờ thể lực của các tiền vệ hàng đầu như Mikel, Meireles và Ramires. Với việc ngay cả Drogba cũng tham gia vào cuộc “hỗn chiến” từ lúc chơi thiếu người, Chelsea càng trở nên chắc chắn. Thế trận đó là cái bẫy dụ Barca say mồi, để khi có cơ hội, hàng tiền vệ 5 người của Chelsea như cánh cung bật lên đưa đối thủ vào chỗ chết bằng những pha phản công như điện xẹt.

Ngoài ra, Di Matteo còn chứng minh được rằng sự chắc chắn trong lối chơi của Chelsea không phụ thuộc vào việc đá với sơ đồ và con người thế nào. Chelsea đá 4-3-3 ở trận lượt đi với Barca, đá 4-5-1 ở lượt về và 4-2-3-1 trước Bayern Munich ở trận chung kết, nhưng hiệu quả vẫn đều ở mức tối đa.

Bài học cho Italia

Thành công của Chelsea có gợi nên điều gì cho Prandelli trong nhiệm vụ ngăn chặn Tây Ban Nha, đội bóng mang linh hồn của Barcelona suốt bốn năm qua? Chắc chắn là có. Italia sẽ đá với lối đá của Juventus, với tinh thần mạnh mẽ của Juventus, với rất nhiều cầu thủ Juventus trong đội hình, nhưng cách phòng thủ có phần phản cảm của Chelsea là một giải pháp hỗ trợ cho lối phòng ngự vốn đã rất chặt chẽ của Juventus ở mùa vừa qua. Ba trung vệ và ba tiền vệ trung tâm đều sẽ lo nhiệm vụ phòng ngự để phong tỏa bộ đôi Xavi-Iniesta (Fabregas), trong khi các tiền vệ cánh thường xuyên lui về bảo vệ trước những pha đánh biên không thực sự đáng ngại của đối thủ. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng cho sự thành bại là khả năng hỗ trợ phòng ngự từ xa của cặp tiền đạo và khả năng chuyển từ thủ sang công chỉ trong tích tắc để tận dụng những đường mở bóng của Pirlo hay De Rossi, rất cần đến tốc độ, sức càn lướt và dứt điểm hiệu quả (kiểu Drogba). Về điểm này, Cassano và Balotelli chưa thực sự đáng tin cậy.

Mười tháng trước, Italia của Prandelli đã thắng Tây Ban Nha 2-1 trong một trận giao hữu bằng lối đá quen thuộc 4-3-1-2. Nhưng tình thế lúc này đã đổi khác hoàn toàn và để làm được điều gì đó trước các nhà vô địch, Azzurra không thể không thức thời.

Vĩnh Nguyên


0 Tây Ban Nha chưa bao giờ ghi được bàn thắng vào lưới đội tuyển Italia trong khuôn khổ các kỳ EURO. Ở EURO 1980, hai đội hòa nhau 0-0. 8 năm sau đó, Italia thắng 1-0 nhờ bàn thắng của Gianluca Vialli. Ở tứ kết EURO 2008, họ lại hòa 0-0 trước khi Tây Ban Nha đi tiếp nhờ thắng ở loạt luân lưu.

20 Juventus là đội sở hữu hàng thủ hay nhất trong số 94 CLB thuộc 5 giải đấu hàng đầu châu Âu mùa vừa qua. Cả mùa giải (38 trận), Juve chỉ thủng lưới vẻn vẹn 20 bàn thua, trung bình 0,53 bàn/trận. Xếp nhì là Porto, đội để thua 19 bàn/32 trận (0,6 bàn/trận).

+ Barzagli được giữ lại

Cuối cùng thì HLV Prandelli đã quyết định giữ lại trung vệ Andrea Barzagli sau khi nhận được các tín hiệu khá tích cực từ bộ phận y tế về chấn thương bắp chân mà cầu thủ Juve này dính phải hôm 4/6. Theo bác sỹ trưởng Enrico Castellacci, nếu tình hình diễn biến thuận lợi, Barzagli có thể sẽ kịp dự trận đấu cuối của Italia tại vòng bảng, gặp Ireland ngày 18/6. Theo chẩn đoán ban đầu, trung vệ 31 tuổi này sẽ phải nghỉ ít nhất là đến hết vòng đấu bảng. Việc giữ lại Barzagli thể hiện rằng HLV Prandelli tin tưởng vào hàng thủ hiện tại và khả năng vượt qua vòng bảng của Italia. Trung vệ dự phòng Davide Astori đã được phép trở về nhà sau quyết định nói trên.

+ De Rossi “Tôi không chỉ là một hậu vệ”

Với việc chấp nhận mất Barzagli trong hai trận đầu tiên, Prandelli sẽ sử dụng tiền vệ Daniele De Rossi cho vị trí trung vệ, thế vào chỗ của cầu thủ Juventus. De Rossi chẳng những không có phàn nàn gì về việc này, mà còn tự tin rằng anh sẽ làm tốt hơn vai trò của một hậu vệ thuần túy: “99,99% tôi sẽ đá ở hàng thủ, nhưng tôi không chỉ là một hậu vệ. Tôi sẽ là thứ keo kết dính hàng hậu vệ và hàng tiền vệ của đội trong trận đấu với Tây Ban Nha. Tuy luôn sẵn sàng chơi ở bất cứ vị trí nào được yêu cầu, tôi chỉ xem mình là một hậu vệ trong tình thế khẩn cấp mà thôi”. De Rossi từng nhiều lần phải “đóng thế” ở hàng thủ Roma mùa giải vừa qua, do đội bóng này thường xuyên rơi vào cảnh tan tác bởi chấn thương và thẻ phạt.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm