Khi Nam Mỹ chỉ là 'sân sau' của châu Âu

21/12/2015 20:50 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Trên lý thuyết, trận đấu giữa Barca (ĐKVĐ UEFA Champions League) với River Plate (ĐKVĐ Copa Libertadores) là cuộc chạm trán giữa đội bóng hay nhất của châu Âu với đội bóng mạnh nhất của Nam Mỹ.

1. Nhưng trên thực tế, đó lại là cuộc đối đầu giữa những nghệ sỹ Nam Mỹ đang khoác áo Barca với những “công nhân” thuộc biên chế River. Hay nói cách khác, thay vì bảo vệ màu áo của một đội bóng Nam Mỹ, những cầu thủ hay nhất của khu vực này lại chống lại chính đội bóng quê hương của họ.

Điều này chứng tỏ một thực tế rằng những cầu thủ hay nhất của bóng đá Nam Mỹ đều đang không chơi bóng cho một CLB thuộc khu vực này, mà đều đã chuyển sang khoác áo những đội bóng lớn của châu Âu. Trong khi đó, những người còn ở lại Nam Mỹ chỉ thuộc tầm trung bình khá, nếu như không muốn nói là kém cỏi nếu so với những người đã sang châu Âu. Chỉ khi nào không có một đội bóng nào của châu Âu ngỏ ý, họ mới chấp nhận ở lại.

Barca đã đoạt cú “ăn ba” lịch sử mùa trước và đang thăng hoa trên mọi giải đấu mùa này nhờ bộ ba tấn công Nam Mỹ của họ gồm Lionel Messi (Argentina), Neymar (Brazil) và Luis Suarez (Uruguay), tác giả của một cú hat-trick trong trận thắng 3-0 của Barca trước Quảng Châu Evergrande ở Bán kết. Messi, Neymar, Suarez chính là 3 cầu thủ hay nhất của 3 nền bóng đá hàng đầu Nam Mỹ vào thời điểm hiện tại.

2. Trái lại, River vô địch Copa Libertadores với tập hợp của những “công nhân” bản địa, dưới sự dẫn dắt của Marcelo Gallardo, tiền vệ tấn công người Argentina từng khoác áo Monaco, PSG trước khi hồi hương Nam Mỹ. Nhìn vào đội hình thi đấu của River với Barca, người ta không thấy bất cứ tên tuổi sáng giá thực sự nào, cho dù là chỉ của nền bóng đá Argentina. Người nổi tiếng nhất có lẽ là tiền vệ Lucho Gonzalez, vốn đã 34 tuổi. Nhưng thực ra Lucho chỉ về River “dối già” sau khi đã kinh qua hai CLB ở châu Âu (Porto, Marseille) và thậm chí là cả châu Á (Al Rayyan).

Tính thực dụng của nền bóng đá hiện đại cũng đồng nghĩa với việc những cầu thủ hay nhất Nam Mỹ muốn sang chơi bóng ở châu Âu, thậm chí là cả châu Á, hơn là ở lại. Ngoại lệ hiếm hoi ở River hiện tại là những cầu thủ trẻ vốn sắp chuyển sang châu Âu chơi bóng là Eder Alvarez và Matias Kranevitter. Alvarez sẽ sớm rời Argentina còn Kranevitter vốn đã thuộc về Atletico Madrid của TBN, và tiền vệ phòng ngự này sẽ chính thức khoác áo đội chủ sân Vicente Calderon từ tháng 1 tới.

Trong khi Barca đã chi xấp xỉ 81 triệu euro chỉ cho chữ ký của Luis Suarez từ Liverpool thì đội hình xuất phát của River chỉ có phí chuyển nhượng vào khoảng 5 triệu euro. Tất nhiên, kinh nghiệm thi đấu quốc tế của các cầu thủ River cũng là rất khiêm tốn, trái ngược hoàn toàn so với Barca.

Trong đội hình của River hiện tại, Carlos Sanchez là cầu thủ có nhiều lần khoác áo ĐTQG nhất với 11 lần xuất hiện trong màu áo đội tuyển Uruguay. Nhưng Sanchez cũng như các cầu thủ khác của River chỉ thường xuyên xuất hiện ở những trận giao hữu vô bổ, chứ không phải các trận đấu lớn.

3. Phần lớn đội hình River hiện tại từng chơi bóng ở châu Âu nhưng đó không phải là những đội bóng lớn. Trường hợp thành công nhất có lẽ là tiền vệ Leonardo Ponzio, người đã có 3 mùa khá thành công ở Real Zaragoza (TBN). Hậu vệ Jonathan Maidana từng có 2 mùa khoác áo Metalist Kharkiv (Ukraine) trong khi nhạc trưởng Leonardo Pisculichi khiêm tốn hơn với 5 mùa giải chinh chiến ở Qatar. Tiền đạo Rodrigo Mora từng được Benfica chiêu mộ nhưng chỉ có đúng 1 lần ra sân cho đội bóng này.

Trước khi tình trạng chảy máu tài năng bắt đầu xảy ra những năm 1980, các đội bóng Nam Mỹ đã thống trị Cúp Liên lục địa (đội vô địch châu Âu đá với đội vô địch Nam Mỹ ở Tokyo). Nhưng kể từ khi chuyển sang thể thức mới từ năm 2005 tới nay, mới có 3 lần các đội Nam Mỹ giành chiến thắng, khi họ chơi với tư cách “cửa dưới”.

Vũ Mạnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm