Quyết định "giãn tiến độ" phim Lý Công Uẩn: Muộn vẫn còn hơn...

23/07/2008 22:44 GMT+7 | Phim

Phác hoạ trường quay phim Thái tổ Lý Công Uẩn
Như vậy, bộ phim sẽ không ra đời đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long

Số phận long đong về bộ phim truyện lịch sử “Thái tổ Lý Công Uẩn” dường như đã được báo trước. Một loạt những vấn đề không ổn ngay từ đầu đã được nhìn thấy rõ, với nhiều cuộc tranh luận nảy lửa trên các phương tiện truyền thông về các vấn đề này, mà nhiều người nghi ngại, một bộ phim tốn hàng trăm tỷ (theo dự tính của Hãng phim truyện Việt Nam - nơi đăng cai thực hiện bộ phim - cần khoảng hơn 108 tỷ đồng), nhưng nếu làm không đến nơi đến chốn, sẽ là một sự lãng phí lớn và có tội với tổ tiên.

Kịch bản là vấn đề then chốt mang tính quyết định sự hay dở của một tác phẩm điện ảnh. Nhưng ngay từ đầu, kịch bản "Thái tổ Lý Công Uẩn" của nhà biên kịch Thiên Phúc chưa phải là một kịch bản xuất sắc (giải B cuộc thi sáng tác phim truyện lịch sử Thăng Long - Hà Nội). Việc lựa chọn kịch bản này giống như một sự "liệu cơm gắp mắm" trước một thực trạng chung của kịch bản phim truyện Việt Nam. Một sự khởi đầu thiếu hoàn thiện như vậy đã dự báo những điều bất trắc.

Ngay từ tháng 9/2006, đạo diễn Hải Ninh, Trưởng ban Giám khảo kịch bản phim truyện nhựa đã khẳng định, nếu "làm lấy được" thì may ra bộ phim mới kịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Thời gian thực hiện một bộ phim truyện lịch sử ở nước ta, cho dù 5 năm, hay 10 năm vẫn không phải là yếu tố đảm bảo cho chất lượng phim, khi mà thực tế điện ảnh Việt Nam chưa hề có một tác phẩm phim truyện lịch sử tới nơi, tới chốn. Phương án thuê đạo diễn nước ngoài (Trung Quốc hoặc Hàn Quốc, khi điện ảnh Việt Nam thiếu những đạo diễn "đủ tầm" cho một bộ phim lịch sử hoành tráng) nhanh chóng được loại bỏ khi lường trước một kết quả chắc chắn sẽ xảy ra: Đây sẽ là một bộ phim truyện lịch sử long lanh, hoành tráng của một cách làm điện ảnh chuyên nghiệp, song dư luận nghi ngờ rằng, chắc chắn sẽ thiếu đi cái cơ bản: một tinh thần Việt, một hồn cốt Việt bởi được làm với con mắt của một người "ngoài cuộc".

108,8 tỷ đồng được dự báo cần thiết cho việc thực hiện bộ phim (nếu thực hiện đúng như kịch bản) khi được đưa ra khiến nhiều người... phát hoảng. Một sự tri ân với tổ tiên là cần thiết, nhưng không phải chỉ có một cách làm duy nhất là điện ảnh, nhất là một nguồn kinh phí khổng lồ trong điều kiện kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn, lạm phát kéo dài. Hơn nữa, 108,8 tỷ đồng sẽ là số tiền bị "ném qua cửa sổ" khi chất lượng bộ phim không tương xứng, và mục đích tốt của những người làm phim sẽ trở thành phản tác dụng. Một bài học nhãn tiền 5 năm về trước, phim truyện "Điện Biên Phủ" do đạo diễn Đỗ Minh Tuấn thực hiện với kinh phí 15 tỷ đồng (trong khi đó kinh phí trung bình thực hiện một bộ phim truyện thời điểm đó là 1,5 - 2 tỷ đồng) đã không đạt chất lượng như mong đợi, gây sự lãng phí tiền của của Nhà nước, dư luận phản ứng...

Chưa bao giờ, việc thực hiện một tác phẩm điện ảnh lại thiếu sự đồng thuận như đối với bộ phim "Thái tổ Lý Công Uẩn", có lẽ vì các yếu tố: ý nghĩa, quy mô, kinh phí thực hiện bộ phim. Mâu thuẫn gay gắt đã diễn ra giữa giám đốc của Hãng phim truyện Việt Nam là ông Lê Đức Tiến với đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, đạo diễn Lưu Trọng Ninh khi chỉ trích nhau trên báo hồi tháng 3/2008. Sự thất bại của "Điện Biên Phủ" 5 năm về trước đã là một bất lợi cho đạo diễn Đỗ Minh Tuấn.

Trước những bất lợi mà tiến trình phim "Thái tổ Lý Công Uẩn" gặp phải, thay vì sẽ bấm máy theo dự kiến vào tháng 11 tới, mới đây, Giám đốc Sở VH-TT và DL Hà Nội, ông Phạm Quang Long, đã có văn bản thông báo việc "giãn tiến độ" thực hiện bộ phim (chứ không phải dừng lại hay huỷ bỏ), có nghĩa, bộ phim sẽ không ra đời đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Cho dù quyết định này ra đời sau khi đã tiêu tốn 2,5 tỷ đồng, thì vẫn là một quyết định hợp lý. Kể cả việc "giãn tiến độ" của bộ phim mà dư luận nghi ngờ bộ phim sẽ chẳng bao giờ thực hiện được nữa khi mốc kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long qua đi (?!), thì vẫn còn tốt là hơn đem dâng tổ tiên một món quà không trọn vẹn.
Theo VOV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm