17/02/2017 08:11 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Đã gần hết tháng Giêng Xuân mà trời vẫn lặng tờ. Thỉnh thoảng cơn giá lạnh kéo về vài ngày rồi trời lại nóng bừng như chưa tan men rượu.
Không khí khô và ngái do cái nắng hanh chà xát lên, có cây héo úa cuối mùa đông toát ra vì thiếu những giọt mưa phùn và gió nồm Nam mang hơi nước về cho đồng ruộng. Thời tiết này người thành phố thích lắm. Không mưa để còn tung tẩy hội hè, đường sá khô ráo… Nhưng với đồng quê thì đó là dấu hiệu thảm họa cho mùa màng.Chưa năm nào như năm nay, phía Bắc khô hạn kéo dài từ đầu mùa Thu, nhưng miền Trung lại bị bầm dập lũ lụt triền miên. Trời giáng họa xuống mọi miền, mỗi nơi mỗi kiểu, còn nhân tai thì vụ Formosa đến giờ vẫn chưa yên, và chắc di họa còn dài lâu, người dân còn phải vất vả chống chọi với môi trường lâu dài để ổn định.
Tết chính là ngày đoàn viên của mọi gia đình
Năm nay tôi ăn Tết ở quê, vùng trung du núi đất giáp chân Tam Đảo. Mấy chục năm bôn ba, Tết này được trở về nơi mình được sinh ra, tôi nhanh chóng tìm lại được hơi thở đồng quê, thứ mà dư âm tuổi thơ còn rất mờ nhạt.
Vẫn như xưa, người nhà quê vẫn giữ thói quen sống chậm. Mà không hẳn thói quen, có lẽ đồng quê nó thế. Trồng rau cấy lúa việc cũng chẳng nhiều nhặn gì lắm, vào giáp tháng Tết, rơm lên đống, thóc vào bồ. Những ngày này, bắt nước, ngả ruộng... Việc cuối cùng là cắm cây mạ xong rồi đủng đỉnh ăn Tết, còn lúa thì để nó bén chân. Năm nay ấm nhiều rét ít, cắm cây mạ nào là cây ấy sống, nhưng đang lo hạn. Khan mưa là cái vui của người thành thị lại thành nỗi lo của người nhà quê…
Ăn Tết ở quê mới nhận diện rõ hơn sự trái ngược quê và tỉnh. Người quê vẫn sống chậm. Nhẩn nha cày bừa, nhẩn nha rượu chè, nhẩn nha hội hè. Ừ vậy thôi, vì con người không thể chạy trước con trâu. Đi sau trâu với tốc độ trâu thì nhanh cũng chẳng để làm gì.
Còn người phố phường thì xe hơi, xe máy di chuyển với tốc độ cao để lao vào cuộc sống làm đủ mọi thứ kể cả kiếm tiền. Bất giác thấy người thành thị có gì đấy khổ hơn người nhà quê. Này nhé, băm bổ, quay quắt kiếm tiền, có khi sẵn sàng kiếm bằng mọi giá. Làm gì mà cần đến tiền nhiều thế.
Để cho con cháu ư? Người nhà quê bảo thương người phố phường và nha lại đã quên mất câu ngạn ngữ ngàn đời: “Của làm ra là của trong nhà/ Của ông bà là của ngoài sân/ Của phù vân, nó có chân nó chạy”. Lắm tiền quá chính là liều thuốc độc ngọt ngào dành cho con cháu chứ quý báu gì. Nghe như giọng AQ, nhưng mà xét cho cùng có lý lắm. Đã nhãn tiền thấy báo ứng tù tội trong những vụ án tham nhũng hay kinh doanh bẩn!
Lúc này thấy lối sống quê có gì đó sáng suốt hơn, trong lành hơn thành thị. Thiếu chút tiền để không cắm cúi bận rộn trước cái iPhone suốt ngày đến độ hỏng mắt, để khỏi tào lao vào những chuyện mình không cần can dự hay chừng nào! Câu “ngu si hưởng thái bình” hình như vẫn luẩn quẩn nơi đồng quê và giữ nguyên giá trị của nó với nơi nó được sinh ra.
Về quê ăn Tết để lắng lại thời đã qua, thành một trải nghiệm thú vị cho cuộc sống của riêng mình, tôi thấy cũng thú vị lắm.
Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất