11/04/2015 06:31 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - "Một lực lượng khủng bố khởi đầu với mô hình kinh doanh rõ ràng trong đầu" là những từ mà sử gia tôn giáo Karen Armstrong đã sử dụng để mô tả Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. IS hiện được xem là tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới và không phải tự nhiên mà chúng đạt được điều này.
Những người xem các đoạn video tuyên truyền được làm rất khéo của IS hẳn sẽ chú ý tới các đội xe bán tải mới cáu cạnh mà các tay súng cực đoan cầm lái - một bằng chứng rõ ràng cho thấy tổ chức này không thiếu tiền.
Một nguồn tiền không ít
Vấn đề là tiền đã tới từ đâu? Các nhà phân tích đã bàn tới khả năng IS nhận tiền viện trợ từ những kẻ ủng hộ, từ việc buôn dầu lậu (ước tính thu 1,6 triệu USD mỗi ngày), bắt cóc (ít nhất 20 triệu USD trong năm ngoái), buôn người, đòi tiền bảo kê, cướp bóc.
Nhưng có một điều nữa mà người ta chưa nói tới nhiều là hoạt động buôn bán cổ vật. BBC đánh giá chỉ riêng việc bán cổ vật cướp phá từ vùng al-Nabuk, phía Tây Damascus, Syria, cũng đã mang lại cho IS tới 36 triệu USD.
IS đang hoạt động tại một trong những khu vực có nhiều di chỉ khảo cổ nhất trên thế giới, được mệnh danh là cái nôi của văn minh nhân loại. Ngay trong khi các di chỉ cổ như Nimrud, Nineveh và Hatra bị tàn phá, một cơn lũ các cổ vật với gốc gác đáng ngờ đã xuất hiện trên chợ đen, hiển nhiên là do bàn tay tác động của IS.
IS hoặc sử dụng cái gọi là "khảo cổ học máy ủi" (dùng máy ủi, máy xúc và thiết bị đào bới hạng nặng để "khai quật" các di chỉ cổ) hay tuyển mộ dân địa phương để đào xới nhiều di tích, lăng mộ. Tiếp đó nhóm mang bán ra chợ đen các cổ vật thu được. Không ai biết rõ IS đã lấy được những cổ vật gì. Người ta cũng gần như không thể xác định được nguồn gốc của các cổ vật đã bị cướp phá kiểu này.
Những người xem video IS đập phá các tượng Assyrian cổ ở Bảo tàng Mosul, Iraq, tưởng như đây là lực lượng chỉ biết phá hoại. Thực tế họ đã nhầm. IS có thể tàn phá một số bức tượng quan trọng, nhưng chỉ là do chúng không thể bán các cổ vật đó. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng nhiều bảo tàng chỉ trưng bày các bản sao của tượng cổ. BBC nói rằng có nhiều bằng chứng cho thấy IS đang bán hàng loạt cổ vật nhỏ, dễ di chuyển.
Càng nhỏ càng tốt
Arthur Brand, chuyên gia của công ty chống buôn cổ vật trái phép Artiaz (Hà Lan), đã gọi IS là lực lượng buôn bán "cổ vật máu". Trong khi các "cổ vật máu" thường khó vận chuyển hơn "kim cương máu" (kim cương tới từ các vùng đang có chiến sự), chúng lại có giá hơn nhiều.
Đã có thông tin cho biết cổ vật từ Syria và Iraq đang được buôn bán tại nhiều chợ đen châu Âu. Riêng cơ quan cảnh sát Anh hiện đang mở 4 cuộc điều tra buôn lậu cổ vật Syria. "Những kẻ cướp phá cổ vật đã sử dụng nhiều tuyến đường buôn lậu hình thành lâu nay, đi xuyên qua Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon, để đưa hàng tới châu Âu" - Tiến sĩ Mark Altaweel thuộc Viện nghiên cứu khảo cổ ở Đại học College London cho biết.
Các loại cổ vật đang được ưa chuộng hiện nay gồm có những phiến đá khắc chữ cổ, các loại ấn hình trụ, bình, lọ, tiền xu và đặc biệt là các tác phẩm chạm khắc, có thể bị đập ra thành nhiều mảnh một cách dễ dàng để phục vụ việc vật chuyển. Cổ vật càng nhỏ, càng dễ che giấu, vận chuyển lại càng có giá.
Christopher Marinello, một phát ngôn viên của Tổ chức thu hồi nghệ thuật có trụ sở ở London, cho biết đã có nhiều phỏng đoán hình thành quanh giá trị của các cổ vật bị IS đánh cướp. "Về lý thuyết, các cổ vật đã bị hư hại sẽ chỉ có giá bằng một phần nhỏ so với khi còn nguyên vẹn. Một cổ vật cỡ lớn trên chợ đen có giá chỉ bằng từ 10 - 15% giá trị thực. Tuy nhiên các cổ vật nhỏ hơn, dễ vận chuyển hơn sẽ đạt giá cao hơn nhiều" - ông nói.
Đập phá và đánh cướp
Chỉ một số ít trong vài ngàn cổ vật bị cướp khỏi Syria và Iraq sẽ hiện diện dưới ánh sáng ban ngày. Chúng sẽ biến mất vào các bộ sưu tập tư nhân, được cất trong nhiều nhà kho bí mật nằm rải rác ở châu Âu và châu Mỹ - những nơi người ta có nhu cầu sưu tầm các cổ vật thời kỳ tiền Hồi giáo. Ngoài ra còn phải kể tới các thị trường Nhật Bản và Australia. Nếu chính quyền thu hồi được các cổ vật, sẽ phải mất nhiều năm trời để có kẻ nào đó bị khởi tố và buộc tội.
Tháng trước, Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) đã trưng bày khoảng 60 cổ vật được thu hồi, gồm phần đầu rất đẹp của tượng vua Assyrian là Sargon II. Phần đầu này có giá 1,2 triệu USD. Các cổ vật được thu giữ trong khuôn khổ chiến dịch Lost Treasure, bắt đầu từ năm 2008, khi phía Mỹ nhận được tin tay buôn cổ vật Hassan Fazeli đã chuyển nhiều món hàng bất hợp pháp tới Mỹ.
Trong vụ đó, Thổ Nhĩ Kỳ là xuất phát điểm để các cổ vật lên đường tới Mỹ. Tài liệu khai báo hải quan nói rằng cái đầu tượng Sargon II có giá chỉ 6.500 USD. Các cổ vật khác gồm một chiếc mộ thuyền Ai Cập có giá 57.000 USD. Một số cổ vật trái phép này thậm chí có đích đến là nhiều bảo tàng, phòng trưng bày và nhà sưu tầm nghệ thuật lớn ở New York. Tuy nhiên các cổ vật ICE thu được đã có từ thời chiến tranh Iraq (2003). Có tin nói cuộc chiến ấy đã khiến Iraq bị trộm mất số cổ vật trị giá tới 10 tỷ USD.
Các cổ vật bị cướp phá thường qua tay rất nhiều người trước khi xuất hiện trở lại trên thị trường. Có thể chúng sẽ không lộ diện trong nhiều thập kỷ. Lynda Albertson, Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu tội ác chống lại nghệ thuật, nói rằng không thể thống kê xem IS đã kiếm được bao nhiêu tiền từ chợ đen, bởi sẽ mất rất nhiều năm trước khi một cổ vật bị cướp phá xuất hiện trở lại. Ví dụ các cổ vật từ đền Angkor Wat của Campuchia đã chỉ xuất hiện trong một số cuộc đấu giá khoảng 40 năm sau khi bị cướp khỏi nước này trong thời kỳ nội chiến.
Điều người ta biết rõ rằng dòng chảy cổ vật máu khỏi Trung Đông vẫn chưa ngừng lại và thậm chí còn mạnh hơn do bàn tay của IS.
Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất