Hủy án sơ thẩm vụ 'Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản' đối với Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết

11/05/2020 22:38 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 11/5, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành xét xử phiên phúc thẩm vụ án hình sự "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" đối với hai vợ chồng bị cáo Nguyễn Văn Lẫm (sinh năm 1962) và Phạm Thị Quyết sinh (năm 1967), cùng trú tại số 138, đường Nguyễn Danh Đới, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Bình Phước: Triệt phá đường dây tín dụng đen 'khủng', bắt giữ 10 đối tượng

Bình Phước: Triệt phá đường dây tín dụng đen 'khủng', bắt giữ 10 đối tượng

Ngày 5/1, Công an thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước vừa bắt giữ 10 đối tượng để điều tra hành vi liên quan đến đường dây hoạt động “Tín dụng đen”. Cơ quan công an xác định đã có hàng trăm người dân lao động bị sập bẫy tín dụng đen của nhóm đối tượng này. Số tiền các đối tượng thu lời bất chính lên đến cả chục tỷ đồng.

Phiên tòa thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận trong và ngoài tỉnh Thái Bình bởi đối tượng Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ) và Bùi Mạnh Tiến là con nuôi Đường Nhuệ bị tòa án triệu tập với tư cách là người có nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan. 

Theo cáo trạng trong phiên xét xử sơ thẩm tháng 6/2019 do Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức, năm 2013 và năm 2016, bị cáo Lẫm, Quyết vay tổng số tiền 900 triệu đồng của vợ chồng ông Đỗ Văn Tới (sinh năm 1956) và bà Lê Thị Tuyết (sinh năm 1966), trú tại số nhà 216, đường Hùng Vương, phường Phú Khánh (thành phố Thái Bình) bằng hợp đồng thế chấp tài sản là chiếc xe ôtô hiệu Camry, biển kiểm soát 17K-9966.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên xét xử. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Ngày 12/4/2017, khi chưa trả nợ số tiền trên cho ông Tới, vợ chồng ông bà Lẫm, Quyết đem chiếc xe đã thế chấp vay tiền của ông Tới bán cho ông Phạm Công Tự mà không được sự đồng ý của ông Tới, nhưng vẫn nói dối ông Tới là chưa bán xe; đồng thời đưa ra lý do Đường Nhuệ chiếm đoạt Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lâm Quyết (của vợ chồng Lẫm, Quyết), làm mất giấy biên nhận trả tiền cho ông Tới  để chiếm đoạt số tiền 900 triệu đồng. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình truy tố vợ chồng Lẫm, Quyết tội danh nói trên.

Trong phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã tuyên phạt bị cáo Lẫm 14 năm tù giam, bị cáo Quyết 13 năm tù giam. Ngay tại phiên tòa và từ đó đến nay, vợ chồng Lẫm, Quyết và gia đình liên tục có đơn kêu oan, gửi đến các cơ quan chức năng. 

Ngày 28/4 vừa qua, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết, từ tạm giam sang bảo lãnh cho tại ngoại. 

Trong phiên xét xử phúc thẩm ngày 11/5, bị cáo Nguyễn Văn Lẫm, Phạm Thị Quyết vẫn giữ nguyên kháng cáo, trong đó tố cáo nhóm đối tượng do Đường Nhuệ cầm đầu đã chiếm đoạt Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lâm Quyết, chiếm đoạt tài sản, tiêu hủy tài sản; tố cáo cơ quan điều tra, Công an thành phố Thái Bình đã bao che, dung túng cho nhóm đối tượng Đường Nhuệ. 

Khai tại Tòa, ông Lẫm, bà Quyết khẳng định đã trả cho vợ chồng ông Tới 900 triệu đồng (có giấy biên nhận viết tay và giao tiền tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lâm Quyết), nhưng do nhóm Đường Nhuệ chiếm giữ trái phép Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lâm Quyết trong tháng 10/2017 và đập phá, hủy hoại, làm thất lạc toàn bộ tài liệu, giấy tờ chứng minh sự việc này. Tuy nhiên, đối chất tại Tòa, vợ chồng ông Tới phủ nhận, cho rằng ông Lẫm, bà Quyết chưa trả 900 triệu tiền vay.

Tại tòa phúc thẩm, Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ) thừa nhận có nhiều lần đến Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lâm Quyết của vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết để đòi tiền do vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết có vay 1,7 tỷ đồng của mình, tuy nhiên Nguyễn Xuân Đường phủ nhận việc chiếm giữ công ty, hủy hoại tài sản, mà cho rằng đến để “bảo vệ tài sản” cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lâm Quyết.

Sau một ngày tiến hành xét hỏi, tranh tụng, Hội đồng xét xử đánh giá, nhận định, đối chiếu với nội dung kết luận điều tra, cáo trạng, bản án sơ thẩm và nội dung kháng cáo, lời khai của các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi liên quan đến vụ án và lời khai của những người làm chứng còn nhiều vấn đề cần thận trọng xem xét, đánh giá. Nhiều chứng cứ quan trọng cần thu thập thêm để xem xét, quy kết các hành vi của các bị cáo. Hội đồng xét xử phúc thẩm đánh giá, phân tích và yêu cầu cần phải được các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm làm rõ một số nội dung chính liên quan đến việc điều tra, truy tố xét xử vụ án. 

Chú thích ảnh
Tại phiên xử Nguyễn Xuân Đường (còn gọi là Đường Nhuệ) được triệu tập đến tòa nhưng bố trí ở một phòng khác trả lời trực tuyến hội đồng xét xử. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Đó là việc Nguyễn Xuân Đường, Bùi Mạnh Tiến là những đối tượng mà bị vợ chồng Nguyễn Văn Lẫm, Phạm Thị Quyết và những người khác tố cáo có hành vi chiếm đoạt công ty, chiếm đoạt tài sản, tiêu hủy tài sản. Các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm đã xác định Nguyễn Xuân Đường và Bùi Mạnh Tiến tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng là không phù hợp. Trong trường hợp này cần phải xác định Nguyễn Xuân Đường và Bùi Mạnh Tiến là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo quy đinh tại Điều 65 của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Đồng thời, cấp sơ thẩm không xác định tư cách tham gia tố tụng của Công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm Quyết cũng là một thiếu sót trong áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự.

Hội đồng xét xử phúc thẩm cho rằng, quá trình điều tra và xét xử ở cấp sơ thẩm có nội dung còn sơ sài, quy kết hành vi của các bị cáo chưa rõ ràng như: Cần phải điều tra làm rõ việc vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết đã trả tiền cho ông Tới hay chưa? Thời gian, không gian, địa điểm trả tiền? Trả bao nhiêu lần? Trả từng đợt hay một lần? Trả gốc hay trả lãi? Khi trả có những ai chứng kiến? Trả tiền mặt hay chuyển khoản?... Bên cạnh đó, cần phải đối chất giữa vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết và vợ chồng ông Tới để làm rõ những nội dung có liên quan đến việc đã trả hay chưa trả khoản tiền 900 triệu đồng. Có việc vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết vay nợ rồi bỏ trốn hay do nhóm Đường Nhuệ đe dọa nên phải ẩn náu?...

Sau một ngày tiến hành xét hỏi, tranh tụng, cuối giờ chiều 11/5, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định hủy bản án hình sự sơ thẩm số 25 ngày 12 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình để giải quyết theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Tòa kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 12 ngày 29/3/2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Thái Bình; khởi tố vụ án, phục hồi điều tra vụ án hình sự xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm Quyết, tại xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình...

Sau khi kết thúc phiên tòa này, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ ra quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú cho đến khi Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình thụ lý lại vụ án đối với Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết.

 Sơn Hải - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm