Thư nước Mỹ

21/02/2013 15:08 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Washington D.C Tết Quý Tỵ. Anh chị thân mến!

Bên này hóa ra Tết nhất mọi người đi chơi còn nhiều hơn ở nhà nên mãi mới ngồi được vào bàn viết như đã hứa với anh chị từ trước Tết.

Tôi dường như vẫn ngửi thấy mùi Tết đâu đó quyện vào quần áo sau hơn một tuần đi chơi Tết trên đất Mỹ. Mùi của bánh chưng với giò chả không thấy. Mùi của pháo nổ thì nhiều.

Người châu Á quả là chưa bao giờ từ bỏ sở thích đốt pháo, thật nhiều pháo, và dường như còn lấy tiếng pháo thay tiếng nói. Người Việt ở D.C đốt pháo mù trời trưa mùng 1 ở Trung tâm thương mại Eden. Chỉ vài tiếng sau, cách đó chừng ba mươi phút chạy xe, người Trung Quốc đốt những quả pháo khổng lồ ngay trên phố có cái cổng chào mang tính biểu tượng của phố Tàu (China Town), cách nhà Quốc hội Mỹ non cây số.

Múa lân tại Trung tâm Eden ngày mùng 1 Tết Quý Tỵ

Lễ hội mừng Tết con rắn của người Việt mang tính nội bộ cộng đồng nhiều hơn. Tức là người Việt tổ chức cho người Việt chơi, và người Việt trình diễn văn hóa truyền thống cho người Việt xem. Còn người gốc Trung Quốc trình diễn trên phố, thu hút khoảng 50 ngàn người tới xem, trong khi dân số ở khu vực hành chính như Washington D.C chỉ có hơn 600 ngàn (xem ra chỉ có đúng hai sự kiện, một là lễ nhậm chức tổng thống của ông Obama thu hút khoảng 800 ngàn người và lễ hội hoa anh đào hàng năm đón 1,5 triệu lượt du khách, là hơn về sự đông đảo). Nhìn cảnh gia đình người Mỹ bản địa da trắng, da màu và gốc Mỹ Latin hồ hởi đứng hai bên đường ở phố Tàu theo dõi, có cảm giác họ như ăn cái Tết thứ hai trong năm cùng nhiều người gốc Á khác.

Tôi hỏi vài người Mỹ bản địa họ đều trả lời, họ chọn nơi nào nhiều lễ lắm hội, không kể là múa lân, múa rồng và những bài quyền thiếu lâm với kungfu là mang tính cổ truyền hay những cóp nhặt kiểu lễ hội Carnival của người châu Mỹ và phương Tây. Còn chuyện xen lẫn chính trị, kinh tế thì xin kiếu.

Nhưng để ý thấy cái cây bán báo tự động (nhét tiền xu) ở góc phố Tàu nằm chơ lơ mà chồng China Daily phiên bản tiếng Anh ở Mỹ như còn nguyên vẹn. Cách đây nửa năm, tờ báo này được phát miễn phí ở nhiều thành phố lớn ở Mỹ nhưng nhiều người không nhận. Nay bán với giá hơn 1 đô nên ế là đương nhiên. Người Trung Quốc muốn đưa nhiều thứ tới Mỹ trong vài năm gần đây mà chưa thành công. Một trong những cái biển quảng cáo cao nhất ở Quảng trường Thời đại (Times Square) ở New York, nơi chỉ có những thương hiệu hàng đầu, vẫn liên tục chạy dòng chữ tiếng Trung, trong đó có Hãng thông tấn Tân hoa.

Cũng ở thành phố lớn nhất nước Mỹ này, từ năm ngoái có kênh truyền hình Trung Quốc chiếu 24/24 tới thẳng phòng ngủ của gần chục triệu dân New York mang tên TodayChina. Và CCTV cho ra đời CCTV America với các chương trình phát sóng từ Washington D.C. Đánh giá của giới chuyên gia gần đây cho thấy nó chưa quyến rũ được người Mỹ.

Xem ra người nhập cư vào nước Mỹ nếu chỉ mang đến trí tuệ, văn hóa, ẩm thực hay kể cả ngôn ngữ đều được đón nhận nhiệt liệt, như chuyện vịt quay Bắc Kinh hay phở Việt ở Mỹ quán nào cũng đông nườm nượp. Còn những cái khác thì phải xét.

Nhân dịp năm mới, chúc anh chị và gia đình an khang, thịnh vượng. Hẹn thư sau.

Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm