Ông Obama: Khó hiểu nhưng… dễ thương

08/07/2009 14:28 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Hôm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama rời Moskva, kết thúc chuyến thăm chính thức LB Nga (từ ngày 6 đến 8/7). Đằng sau các kết quả đàm phán được công bố rộng rãi trên báo chí, còn có những điều tế nhị ít người biết về chuyến đi này.

Những con số
 Tổng thống Mỹ Obama (trái) và Tổng thống Nga Medvedev trong Điện Kremlin
Kết quả cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu ý kiến xã hội toàn Nga (VSIOM) tiến hành cho thấy 36% số người được hỏi có thái độ “lửng lơ” với ông Obama, khá đông trong số đó là nam giới (43%) và những người ủng hộ Đảng Cộng sản Nga (44%). Mặt khác, có khoảng 1/5 số người nói rằng họ tin tưởng ở vị Tổng thống Mỹ. Trong số này những người trên 25 tuổi chiếm 29% và lớp quần chúng của Đảng Nước Nga thống nhất chiếm 29%. Trong số 12% người có cảm tình với ông Obama thì phụ nữ chiếm số đông.

Các nhà xã hội học lưu ý đến việc có 7% người Nga tin cậy Tổng thống Mỹ, còn tỷ lệ thiếu lòng tin là 5%. Số người thán phục và thất vọng với ông này ở Nga ngang bằng nhau (1%). Đặc biệt, không có ai chỉ trích hay căm thù đương kim Tổng thống Mỹ cả.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy dân Nga không được thông tin nhiều về hoạt động của ông Obama ở cương vị tổng thống Mỹ. Chỉ có 6% số người được hỏi biết ông là người gốc Phi đầu tiên được bầu vào Thượng viện Mỹ rồi sau đó trở thành chủ Nhà Trắng. Số người cho rằng ông Obama vạch ra chính sách mới và hòa hiếu với Nga chiếm 5%. Có 16% số người tham gia cuộc thăm dò không biết chút gì về ông Obama. 22% không trả lời.

Điều tế nhị trong chuyến thăm Tại buổi họp báo ở Moskva ngày 6/7 sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, ông Obama buộc phải trả lời một câu hỏi nhạy cảm của phóng viên Mỹ về việc ai trong số hai nhà lãnh đạo ở Nga - Medvedev và Putin - có quyền lực thực sự. Ông Obama không trả lời thẳng vào câu hỏi mà khôn khéo “lách”: “Cảm tưởng của tôi là Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin làm việc rất hiệu quả, cùng với nhau”.

 Tổng thống Mỹ Obama gặp gỡ Thủ tướng Nga Putin

Danh chính, ông Medvedev là tổng thống Nga và dĩ nhiên ông Obama chỉ hội đàm với nhân vật này. Tuy nhiên, tính đến thực tế ở Moskva, Tổng thống Mỹ không thể rời đây mà chưa gặp ông Putin. Bởi vậy hôm qua, hai ông đã gặp nhau tại bữa ăn sáng. Báo chí Nga viết rằng Thủ tướng Putin đã “tự tay” chuẩn bị bữa sáng cho vị khách Mỹ gồm các món truyền thống như thịt hun khói, trứng cá đen...

Tờ Moscow Times đã có bài bình luận về những điều tế nhị trong chuyến thăm Nga của Tổng thống Obama. Bài báo viết: Cả ông Obma lẫn Tổng thống Dmitry Medvedev đều quan tâm đến việc “khởi động lại” các mối quan hệ Mỹ - Nga, bất chấp sơ suất ngoại giao xảy ra 4 tháng trước và được bàn tán khắp nơi khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tặng cho người đồng nhiệm phía Nga Sergei Lavrov chiếc nút đỏ tượng trưng có chữ “Overload” (ghi đè lên, chồng lên), trong khi lẽ ra phải là chữ “Reset” (khởi động lại).

Nhưng chỉ có nguyện vọng không thôi thì chưa đủ. Bởi trên con đường “khởi động lại” các mối quan hệ đó có một trở ngại lớn. Moscow Times nhận xét rằng trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Vladimir Putin, quan hệ Nga - Mỹ đã trượt xuống mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Búp bê gỗ in hình các chính trị gia
Trả lời phỏng vấn của hãng tin AP trước khi sang Nga, ông Obama như người chơi cờ cao tay đã bất ngờ đi một nước táo bạo để chiếu tướng đối phương. Tổng thống Mỹ công khai so sánh: Ông Medvedev hiểu rằng cách tiếp cận như ở thời Chiến tranh lạnh đối với quan hệ Nga - Mỹ đã lỗi thời, còn ông Putin thì một chân vẫn đứng trên lập trường và phương pháp cũ.

Theo Moscow Times, phần lớn thời gian của chuyến công du này được ông Obama dành cho cuộc gặp với ông Medvedev, song cuộc gặp đó có lẽ mang tính hình thức nhiều hơn. Một số điều quan trọng dường như đã diễn ra trong “hội nghị thượng đỉnh mini” giữa ông Obama với ông Putin. Về việc cải thiện quan hệ với Mỹ, có vẻ như hướng ưu tiên chính của Nga là làm thế nào để Washington thôi dạy dỗ Moskva về dân chủ, không can thiệp vào chuyện nội bộ, thừa nhận Nga như một cường quốc ngang hàng và có “khu vực lợi ích đặc biệt” ở không gian hậu Xô Viết, mà một phần trong đó là Ukraina và Grudia. Đổi lại, Mỹ muốn Nga tỏ thiện chí trong việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn I (START-I), giúp đỡ Mỹ vận chuyển quá cảnh hàng hóa cho Lực lượng giữ gìn an ninh quốc tế tại Afghanistan...

Trần Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm