Hoảng hồn vì trẻ... dậy thì sớm

29/09/2008 18:23 GMT+7 | Thế giới


Xưa kia, các cụ ta vẫn quan niệm: Gái thập tam, nam thập lục (tuổi dậy thì ở con gái là 13, con trai là 16). Nhưng ngày nay, ở nhiều trường tiểu học, các em trai lớp 5 mới được quàng khăn đỏ đã có chút ria mép...
 
Vân hoảng không kém con gái khi cô nhân viên y tế thông báo về việc con bé đã... dậy thì. Mẹ còn hoảng, huống hồ con! Xin phép cho con nghỉ học, Vân đưa Bống về nhà và "tập huấn kỹ thuật" cho con. Nhưng ở cái tuổi “nhi đồng thối tai” này, tuy to xác, nhưng con bé còn vụng về lắm. Cái băng vệ sinh “siêu mỏng cánh” lúc lệch trước, lúc lại tụt ra sau. Không làm được, Bống lại khóc ầm lên...

Thiếu nữ tuổi... nhi đồng

Ảnh minh họa


Đang làm việc ở cơ quan, nhưng Vân cứ phải liếc đồng hồ liên tục để căn giờ ra chơi của cô con gái. Tí nữa, Vân lại phải đến trường tiểu học, nơi cô con gái đầu lòng đang học bán trú. Vừa gặp mấy cô bạn thời phổ thông, Vân đã xối xả trút bầu tâm sự: “Con lớn nhanh quá cũng mệt lắm. Mới học lớp 4 mà con Bống nhà tao đã "bị" rồi. Khổ chưa!”. Mới bước chân vào lớp 4, cái Bống đã có kinh nguyệt. Đang học ở trường, con bé chợt thấy máu. Nó sợ tái mặt chạy thẳng lên phòng y tế. Cô phụ trách y tế kể: Con bé run bần bật, nó bảo nó sắp chết! Nó nhờ cô băng bó và gọi điện thoại cho bố mẹ đến...

Từ đó, cứ mỗi khi con "đến tháng", Vân lại phải ngày đôi ba lần đến trường, dắt con vào nhà vệ sinh và giúp nó thay đồ. " Khổ lắm, nó có biết gì đâu, còn vụng thối vụng nát, mình mà không làm hộ thì bung bét hết. Ai đời, có lần đang "bị" mà nó nhảy tùm ngay xuống bể bơi. Bố đưa đi chơi, đang chỗ ngã tư đèn đỏ, nó bô bô: "Bố ơi, cái băng vệ sinh dày hết rồi đấy, chỉ còn cái mỏng thôi". Bố nó ngượng quá, quay lại bảo: "Con nói nhỏ thôi chứ, tí đi về bảo mẹ mua. Nó thản nhiên nói to như cũ: “Con bảo rồi nhưng mẹ hay quên lắm, tốt nhất là bố mua luôn đi. À mà lần trước mẹ mua cái gì xì tin lắm đấy nhé!" Vân thở dài: Lo lắm, nó còn nhỏ quá, đầu óc còn ngây ngô chưa biết gì mà cơ thể đã thành người lớn rồi. Phải canh chừng ghê lắm đấy. Không cẩn thận mình mới ngoài 30 mà lên bà ngoại như chơi!

Hiện trẻ em gái học lớp 4 đã "bị" thì còn hơi ít, chứ lớp 5 thì không phải chuyện hiếm gặp. Một bạn đồng nghiệp của tôi kể: Khi cô con gái đầu lòng 11 tuổi dậy thì, chị đã phải làm "công tác tư tưởng" để con khỏi hoảng hốt. Và sau khi "thụ giáo" bài học về giới tính của mẹ, nó tuyên bố: "Thôi từ giờ con không đến gần bố và em Cún nữa"! (em Cún của nó mới lên 3!)

Những chàng trai tuổi quàng khăn đỏ

Một phụ huynh có con học tiểu học ở trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho biết, sau khi nghe con gái học lớp 4 kể khi ngủ trưa ở lớp, có bạn trai cứ thích nằm sát vào nó mặc dù phía bên kia của bạn vẫn còn chỗ rộng, làm nó rất khó chịu. Chị đã đến lớp và phát hoảng khi con chỉ cho xem cậu bạn to đùng cùng tổ. Ngay lập tức, chị đã đề nghị cô giáo xếp các cháu trai ngủ riêng 1 dãy và các cháu gái ngủ riêng 1 dãy vì trước nay các cháu vẫn ngủ trưa theo tổ và theo chỗ ngồi. Sau đó, con bé lại kể, có hai bạn 1 trai, một gái, khi không được nằm cạnh nhau nữa thì cả buổi trưa không ngủ, nằm sấp chống tay vào má và... nhìn nhau qua dãy bàn đối diện!

Xưa kia, các cụ ta vẫn quan niệm: Gái thập tam, nam thập lục (tuổi dậy thì ở con gái là 13, con trai là 16). Nhưng ngày nay, ở nhiều trường tiểu học, các em trai lớp 5 mới được quàng khăn đỏ đã có chút ria mép, hay đã vỡ giọng không phải là hiếm. Có điều, xem ra dậy thì sớm ở con trai có vẻ ít phiền phức hơn con gái. Nhưng cũng có cậu bé khá nhạy cảm, tỏ ra băn khoăn, lo lắng trước những thay đổi của cơ thể, thích thể hiện mình và bắt đầu có những tò mò với các bạn khác giới. Cu Bi hàng xóm nhà tôi là một ví dụ, lên lớp 5, cậu không thích bị gọi là Bi nữa mà phải gọi đúng tên đi học là Hoàng Long, cậu không chịu đi chiếc xe đạp mi ni nhỏ và không đến dự sinh nhật các bé cùng phố nữa vì đấy là "chỗ của bọn trẻ con"! Mỗi khi đến lớp hay ra đường, cậu lựa chọn quần áo khá kỹ và kiên quyết không mặc những loại quần áo mà cậu cho là "trẻ con quá"!
 
Hãy làm cho trẻ hiểu biết hơn

Các chuyên gia đều cho rằng xã hội càng phát triển, mức sống càng cao thì trẻ dậy thì càng sớm. Nếu được nuôi với chế độ dinh dưỡng đầy đủ, trẻ sẽ phát triển nhanh hơn, ngược lại những trẻ có chế độ dinh dưỡng kém sẽ còi cọc và dậy thì muộn hơn. Việc tiêu thụ nhiều các hoóc môn, chất kháng sinh và chất phụ gia, chất bảo quản trong thực phẩm cũng như trong thuốc bổ cũng được coi là nguyên nhân trực tiếp. Ngoài ra, việc tiếp xúc ngày càng nhiều với các phương tiện truyền thông cũng được xem là một nhân tố bổ sung. Dậy thì trước tuổi lên 10 có thể được xem là trưởng thành sớm về mặt giới tính. Sự chín sớm này khiến trẻ phát triển cơ thể nhanh hơn trẻ cùng trang lứa, và nó gây ra những rắc rối về mặt tâm lý như sợ hãi và xấu hổ.

BS chuyên khoa nhi Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, rằng trẻ em dậy thì sớm, nhất là trẻ gái có những nguy cơ về các bệnh liên quan đến buồng trứng, tử cung vi hoocmon sinh dục hoạt động sớm hơn bình thường. Do đó, cần chú trọng đến vấn đề trang bị cho các em các kiến thức về giới tính, kỹ năng sống, đặc biệt là các kỹ năng về sức khoẻ sinh sản, phòng tránh lây nhiễm qua đường tình dục và tránh sự xâm hại. Ở góc độ là nhà quản lý, BS An đề nghị cần xây dựng hệ thống cán bộ xã hội hỗ trợ trẻ em ở cộng đồng, đội ngũ này sẽ làm công tác tuyền truyền, tư vấn, tham vấn về tâm lý cho trẻ em và gia đình khi có những sang chấn về tâm lý; hỗ trợ, can thiệp kịp thời khi có vấn đề xảy ra. Bên cạnh đó xây dựng, duy trì hệ thống tư vấn, tham vấn qua điện thoại, trên truyền hình cho trẻ em nói chung và trẻ em dậy thì sớm nói riêng.

Tuy nhiên, về giáo dục giới tính trong nhà trường, BS An cho rằng chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu và còn có sự nhầm lẫn giữa giới tính, tính dục và tình dục nên còn có tâm lý sợ sẽ là "vẽ đường cho hươu chạy" nếu đưa vào giảng dạy trong nhà trường!

Theo Lao Động & Xã Hội

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm