31/01/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá
Một cái Tết nữa đã qua. Bây giờ, ai nói chuyện bỏ Tết, bỏ tục lì xì…đều thành lạc lõng. Chuyện đó để dành tháng Chạp… nói tiếp.
Và ta thấy đó, một vòng lặp 365 ngày lại bắt đầu, với những chuyện chúng ta tưởng chừng là thời sự nhưng hóa ra đã diễn ra trước đó, như mỗi mùa Xuân lại thấy từng chuyến xe đi đi về về giữa các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp và quê nhà.
Với hàng trăm triệu người đổ về quê ăn Tết, Trung Quốc gọi đó là kỳ "xuân vận". Tôi không rõ ở Việt Nam có thể gọi là "xuân vận" được chưa?
Chỉ nhìn dòng người tấp nập đổ về quê rồi vội vã trở lại thành phố mỗi năm một tăng, nhiều khi cũng tự hỏi ta sẽ tiếp tục cái vòng lặp hàng năm này như thế nào?
"Đừng quan trọng hóa!" Một người bạn xa quê lập nghiệp thành phố đã trả lời thế, chỉ cần xem nó như một kỳ nghỉ, một kỳ nghỉ có lương. Đối với nhiều người đây là dịp duy nhất trong năm họ có thể trở về nhà. Không phải Tết thì là khi nào? Chẳng có dịp nào mà từ gia đình, đến sếp, đến cả thời tiết cũng khuyến khích chúng ta trở về nhà, nghỉ ngơi đi, tạm quên đi, không sao cả đâu, mọi sự vẫn tiếp tục.
Với tinh thần đó, tính "lễ" trong Tết đã dần nhường cho "hội". Chúng ta nhận ra mâm cúng ít rườm rà hơn, giờ giấc cúng có thể linh hoạt hơn. Người ta ít xem tuổi coi tên người đến nhà xông đất, ít xem sao tốt sao xấu. Vui vẻ an lành là được. Tết vì thế mà chẳng kém vui hơn ít náo nhiệt đi.
Càng lớn ta càng nhận ra trước Tết và sau Tết chẳng có gì thay đổi cả. Thời gian có thể là một vòng lặp 365 ngày nhưng cuộc đời ta là một đường thẳng cứ không ngừng tiến về trước mà chẳng gián đoạn chỉ vì một kỳ nghỉ lễ. Chúng ta tận dụng kỳ nghỉ ấy tốt hơn, chăm sóc bản thân nhiều hơn, bớt cầu mong vào những ảo tưởng năm mới khởi đầu mới, vì cuối cùng thì vẫn có những hóa đơn chờ ta trả, vẫn có công việc đợi mình giải quyết.
Nhiều người lo sợ "tinh thần" Tết Việt cổ truyền đang mai một. Nhiều người bảo rằng vì nghèo nên sợ Tết… Nhưng nhiều thứ "cổ truyền" cũng đang dần mai một.
Nhưng thôi, "đừng quan trọng hóa". Chúng ta phải tiếp tục những gì mình tạm gác lại trước Tết, ít nhất trong "nhiệm kỳ con mèo" này, ta vẫn có 48 tuần mới để chào nhau. Chào như cụ Bùi Giáng đã chào: "Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau/ Tóc xanh dù có phai màu /Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng…" (trích "Chào nguyên Xuân).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất